Chạy đua lương và lậu bên nào "khủng " hơn

ngày 01/09/2013

Các sếp có chức có quyền còn được nhận "quà" bất ngờ từ những cuộc đua: chạy việc, chạy chức chạy quyền... mà chi phí không thể đo đếm.

 

"Khủng" cỡ nào?

Như giọt nước tràn ly, mỗi lần báo giới hé lộ danh tính một vị sếp "nhà nước" với mức lương khủng, dư luận lại một lần đặt ra nhiều câu hỏi về giới hạn thu nhập của những người có chức, có quyền. Đó dường như luôn là một vùng cấm, ai "bị lộ", người đó ráng chịu hứng búa rìu dư luận.

Bởi đã từ lâu, trong đội ngũ cán bộ, công chức nước nhà, chuyện tiền lương đã không bao giờ phản ánh đúng bản chất mức thu nhập thật sự mà họ được nhận. Vì thế, cụm từ "lương khủng" có lẽ nên gọi đúng tên là "thu nhập khủng". Lương có "khủng" cỡ nào cũng không thể kịch trần. Chỉ có "lậu" là vô tiền khoáng hậu... và thực sự mất kiểm soát.

Mới đầu năm nay, nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ (do đích thân Cục trưởng Cục phòng chống tham nhũng làm chủ nhiệm đề tài) đã lần đầu tiên công khai các số liệu từ cuộc khảo sát mức thu nhập những người có chức vụ quyền hạn. Thống kê cho thấy, 79% CBCC có thu nhập ngoài lương.

Phân nửa trong số này công bố rằng đó chỉ là các khoản bồi dưỡng hội họp, hoặc là nguồn thu tiết kiệm từ các khoản chi theo định mức khoán, dôi dư ra. Chỉ có một số rất ít (5%) chia sẻ đó là các khoản hoa hồng, hoặc quỹ riêng cơ quan. Và cũng chỉ rất ít "khai thật" đó là tiền biếu tặng.

Có tới gần một nửa số người được hỏi chỉ nói chung chung, "thu nhập đến từ những nguồn thu khác". Cụ thể là nguồn thu nào thì không ai "dại" gì vạch áo cho người xem lưng.

Vậy thu nhập ngoài lương "khủng" đến cỡ nào?

Nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ chia sẻ rằng trên 80% người được khảo sát khẳng định số tiền đó chưa bằng một nửa tiền lương công chức mà họ đang nhận. Chỉ có 2,1% thừa nhận khoản "lậu" họ nhận được cao hơn lương, song tối đa cũng không vượt quá 5 lần. Một số rất ít (0,2%) thành thật nói, họ nhận được khoản "lậu" nhiều gấp 10 lần tiền lương.

Rõ ràng, số CBCC có thu nhập ngoài lương chiếm tỷ lệ cao. Mức thu nhập ngoài lương so với lương và nguồn thu nhập cũng khá đa dạng, có cả những khoản thu nhập nhạy cảm, dễ liên quan tham nhũng như tiền được chia từ các khoản hoa hồng, quỹ riêng của đơn vị, tiền được biếu, tặng.

Một số nhà nghiên cứu cho rằng, nếu điều tra kỹ hơn, diện rộng hơn, và "nhân chứng" thành thực hơn,  thì số lượng CBCC có thu nhập ngoài còn cao hơn nữa. Bởi, thu nhập ngoài lương rất phong phú, đa dạng, biến hóa. Nào tiền thưởng, tiền làm thêm, tiền làm đề tài, dự án, tiền khoán vượt thu, tiền bồi dưỡng, phong bì "bôi trơn"...

Chưa kể, với các sếp có chức có quyền, họ còn được nhận những "quà tặng" bất ngờ từ những cuộc đua: chạy việc, chạy chức chạy quyền.... mà chi phí không thể đo đếm. Dư luận mới đây chẳng đã "dậy sóng" bởi câu chuyện chạy công chức ở Thủ đô giá 100 triệu đó sao?

 

Tranh minh họa: Khều
Tranh minh họa: Khều

Làm cho có, kê cho xong

Suốt nhiều thập kỷ qua, cứ mỗi dịp bàn chuyện cải cách hệ thống, thang bảng lương là các chuyên gia lại gióng giả câu chuyện "không ai sống được bằng lương", nhưng ai cũng muốn "chạy" vào cơ quan nhà nước, và cuộc đua không có hồi kết. Ngoài lý do về một chỗ làm việc ổn định, thì nguyên nhân quan trọng hơn là những cơ hội kiếm thêm thu nhập và các mối quan hệ mà chỉ cán bộ, công chức nhà nước mới có.

Thang bảng lương lạc hậu bao nhiêu năm, cộng với một cơ chế kiếm soát lỏng lẻo dẫn đến tình trạng ai đó hễ có tý chức quyền là sẽ phải tìm mọi cách để cải thiện thêm thu nhập.  "Nhiều người gọi đây là hội chứng "tước đoạt để bù đắp", nhất là đối với những CBCC có chức, có quyền, làm ở những vị trí mà quyết định, ý kiến của họ phát sinh quyền lợi như: quyết định dự án đầu tư, thu- chi ngân sách nhà nước, xuất nhập khẩu, đề bạt bổ nhiệm... Đối với những CBCC này thì thu nhập ngoài là khoản tiền không nhỏ", ĐBQH Lê Như Tiến trả lời báo giới, ngay sau khi đọc được thông tin về kết quả nghiên cứu nói trên.

Câu chuyện kiểm soát thu nhập nhóm có chức quyền đã từng là đề tài nóng bỏng mỗi lần nhà nước thảo luận chuyện sửa đổi các dự án luật liên quan đến tham nhũng. Tuy nhiên,  chủ trương về công khai, minh bạch tài sản, thu nhập lâu nay vẫn đang rất "hình thức" và mới chỉ dừng ở việc làm cho có, kê khai cho xong, không có chuyện hậu kiểm hay giải trình để xác minh tính trung thực các bản kê khai.

Việc kiểm soát thu nhập của CBCC cũng nhiều bất cập khác, chẳng hạn các biện pháp được xem là nhằm "kiểm soát thu nhập" đang thực hiện vẫn thiếu sự gắn kết, thiếu tính đồng bộ. Mặc dù Nhà nước đã có một số quy định cấm sử dụng công quỹ để biếu xén, quy định về chi tiêu hội nghị, tiếp khách, mua xe ô tô, đấu thầu, công khai tài chính... nhưng còn thiếu biện pháp kiểm tra xử lý. Vậy nên, mạnh ai, nấy cứ... sai bởi không ai bị xử.

Rõ ràng, cần một cơ chế kiểm soát thu nhập được thể chế hóa bằng pháp luật và có chế tài xử lý nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Trước mắt, cần khẩn trương hoàn thiện đề án kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Tiến tới có thể phải xây dựng bộ luật riêng ban hành được luật về kiểm soát tài sản, thu nhập.

Cơ quan chức năng phải xem những khoản "lậu" ngoài lương đến từ các nguồn nào. Luật PCTN đã quy định nghĩa vụ giải trình đối với tài sản bất minh. Nếu cán bộ không giải trình được thì phải có biện pháp xử lý thay vì nhắc nhở, xuê xoa cho xong.
 
Theo Nguyễn Thanh Châu
Tuần Việt Nam

 


 

 

{fcomment}