Lan tỏa tinh thần đấu thầu công khai, minh bạch

ngày 30/08/2019

Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Cụ thể, UBND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đã có văn bản gửi các sở, ban ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực thuộc; ban quản lý dự án (QLDA), ban QLDA chuyên ngành thuộc tỉnh; chủ đầu tư/bên mời thầu sử dụng vốn nhà nước yêu cầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 03, chấn chỉnh công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh.

Một số địa phương tiêu biểu ban hành văn bản đốc thúc thực hiện Chỉ thị số 03 gồm: UBND tỉnh Hải Dương, UBND tỉnh Kon Tum, UBND tỉnh Lai Châu, UBND thành phố Đà Nẵng, UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND tỉnh Lào Cai, UBND tỉnh Quảng Bình, UBND tỉnh Long An...

Một số địa phương cũng đưa ra quyết sách, giải pháp mạnh mẽ, có tính đặc thù để thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03.

Tại Văn bản số 1245/UBND-KTTC ngày 12/8/2019 về việc chấn chỉnh công tác đấu thầu sử dụng vốn ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Long An năm 2019, UBND tỉnh Long An yêu cầu chủ đầu tư, bên mời thầu đẩy nhanh tiến độ tổ chức lựa chọn nhà thầu, chỉ được phép tổ chức lựa chọn nhà thầu sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu; tự quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với việc lựa chọn nhà thầu thuộc thẩm quyền. Chủ đầu tư, bên mời thầu phải giải quyết triệt để, thấu đáo các kiến nghị, phản ánh của nhà thầu, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà thầu, không để xảy ra tình trạng kiến nghị, khiếu nại kéo dài; việc giải quyết kiến nghị phải đảm bảo kịp thời, đúng trình tự, thẩm quyền và thời gian theo quy định của Luật Đấu thầu.

UBND tỉnh Long An khẳng định, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật và UBND Tỉnh, Chủ tịch UBND Tỉnh về các nội dung chỉ đạo tại văn bản này, trên lĩnh vực và địa bàn do mình quản lý; đưa kết quả thực hiện nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ.

UBND tỉnh Long An cũng giao Sở KH&ĐT tham mưu cho cấp có thẩm quyền không bố trí vốn hoặc điều chuyển vốn sang dự án khác đối với những dự án mà chủ đầu tư, bên mời thầu vi phạm quy định pháp luật về đấu thầu, dẫn đến nhà thầu có kiến nghị, khiếu nại, tố cáo kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án, gói thầu.

Để tăng cường hiệu quả, hiệu lực thực thi pháp luật về đấu thầu, mới đây, UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các chủ đầu tư trên địa bàn đảm bảo các nội dung yêu cầu trong hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu được lập theo đúng mẫu của Thông tư do Bộ KH&ĐT ban hành; không tự ý chỉnh sửa quy định nêu trong các mẫu này hoặc đưa ra các yêu cầu không phù hợp. Tuyệt đối không đưa ra các nội dung mang tính định hướng, tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu hoặc cản trở sự tham gia của nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng; không đưa ra các tiêu chí đánh giá có tính chất cục bộ, địa phương mà chỉ nhà thầu tại địa phương đó mới đáp ứng được.

Văn bản yêu cầu triển khai thực hiện Chỉ thị số 03 của UBND tỉnh Kon Tum, tỉnh Quảng Bình cũng giao Sở KH&ĐT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động đấu thầu, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Riêng UBND tỉnh Quảng Bình giao Sở KH&ĐT định kỳ 6 tháng, hàng năm tổng hợp số liệu về tỷ lệ đấu thầu qua mạng tại các đơn vị, tham mưu cho UBND Tỉnh có biện pháp xử lý đối với các đơn vị không đạt tỷ lệ đấu thầu qua mạng được quy định tại Quyết định số 1926/QĐ-UBND ngày 12/6/2019.

Còn tại Văn bản số 3724/UBND-KH triển khai thực hiện Chỉ thị số 03, UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện Chỉ thị số 03. Trường hợp để xảy ra những vi phạm trong quá trình lựa chọn nhà thầu như thông thầu, quây thầu, vây thầu, cướp hồ sơ dự thầu, ngăn cản mua hồ sơ mời thầu… thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định. UBND tỉnh Lâm Đồng cũng nghiêm cấm người có thẩm quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để can thiệp bất hợp pháp vào quá trình lựa chọn nhà thầu, dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu.


Nguồn: Báo Đấu Thầu