Cách điều trị huyết áp thấp hiệu quả

ngày 20/08/2019

Cách điều trị huyết áp thấp hiệu quả

Theo Tổ chức Y tế thế giới, huyết áp thấp là biểu hiện của sự rối loạn chức năng vỏ não của trung khu thần kinh vận mạch. Có hai loại: huyết áp thấp tiên phát (do thể trạng) và huyết áp thấp thứ phát (do các bệnh lý khác). Những người huyết áp thấp thường có biểu hiện: mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, giảm tập trung trí lực, khi thay đổi tư thế có thể choáng váng, thoáng ngất hoặc ngất.

Cách điều trị huyết áp thấp

Nếu bị huyết áp thấp do suy giảm hoạt động của tuyển giáp. Bạn nên đến các trung tâm y tế xét nghiệm máu để phát hiện ra nguyên nhân.

Về phương pháp điều trị, hiện nay chưa có một loại thuốc Tây y nào có hiệu quả lâu dài đối với căn bệnh này. Trong những trường hợp cấp thiết, bác sĩ có thể kê đơn cho người bệnh một số loại thuốc có tác dụng nâng huyết áp tạm thời như heptaminol, metaraminol…

Nếu huyết áp thấp không phải do tuyến giáp, bạn cần thực hiện các biện pháp dưới đây để cải thiện được tình trạng huyết áp hiệu quả nhất.

Điều chỉnh chế độ ăn uống

Chế độ ăn hàng ngày đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mỗi người. Những người bệnh, hoặc có biểu hiện của huyết áp thấp lại cần chú ý vấn đề ăn uống hơn.

Khi bị huyết áp thấp, bệnh nhân thường được tư vấn chế độ ăn mặn hơn bình thường, việc ăn này cũng giúp cho quá trình giữ nước cho cơ thể được tốt hơn, ngoài ra người bị huyết áp thấp còn được khuyên bổ sung thêm các đồ uống có chất kích thích như chè, cafe,….Để hạn chế tụt huyết áp tư thế, bệnh nhân được khuyên không nên thay đổi tư thế một cách đột ngột từ tư thế thấp sang tư thế cao.

Ăn đầy đủ, không bỏ bữa, đủ các nhóm chất và đặc biệt không kết hợp các thực đơn ăn kiêng. Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày, trong những đợt nắng nóng cao điểm có thể tăng lên tới 3 lít. Ngoài ra bạn cũng nên bổ sung sắt theo chỉ định của bác sỹ hoặc nhân viên y tế.

Hoạt động thể thao kết hợp với lối sống lành mạnh

Tập luyện thể thao nhẹ nhàng,phù hợp với tình trạng sức khỏe kết hợp chế độ ăn uống hợp lý cũng góp phần giúp cho huyết áp cân bằng trở lại.

Không hút thuốc, không bia rượu.

Không nên thức khuya, tránh làm các công việc nặng vượt quá sức khỏe cho phép.

Ngủ đủ giấc từ 7 - 9 tiếng/ngày.

Có thể kết hợp một số loại trà chuyên dụng dành cho người huyết áp thấp.

Một số bài thuốc đông y dành cho người bị huyết áp thấp

Bài 1: Hạt sen 30g, táo đỏ 10g, gừng tươi 6 lát. Tất cả sắc với nước uống ngày 2 lần.

Bài 2: Ngũ vị tử 25g, nhục quế 15g, quế chi 15g, cam thảo 15g. Sắc nước uống ngày 2 - 3 lần, uống một đợt từ 3-7 ngày. Khi huyết áp tăng lên bình thường thì uống tiếp một đợt từ 3-6 ngày nữa.

Bài 3: Thục địa 12g, trích cam thảo 6g, bạch truật 12g, đương quy 12g, xuyên khung 8g, phục linh 12g, đẳng sâm 12g, hoàng kỳ 16g, bạch thược 12g. Sắc uống ngày 1 thang.

Bài 4: Nhân sâm tán bột 25 g, tử hà sa (tán bột) 50 g. Trộn với mật ong, mỗi lần uống từ 3 đến 5 g, ngày uống 2 lần vào buổi sáng và trưa.

Bài 5: Đảng sâm 15g, mạch môn 9g, ngũ vị tử 5g, hoàng kỳ 15g, nhục quế 2-4g, trích cam thảo 9g, phù tiểu mạch 30g, táo 5 quả. Sắc uống mỗi ngày một thang, chia làm 2 lần.

Bài 6: Trứng gà tươi 1 quả, gừng tươi 1 nhánh. Rửa sạch gừng thái lát, cho vào nồi, cho thêm 1 cốc nước lã, đun nhỏ lửa đến khi cạn còn 1/3 cốc thì đập trứng gà vào khuấy đều, đun tiếp 2 phút. Sau đó bắc ra ăn nóng, ngày 1 lần, ăn liền trong 5 ngày.

Khi nào người bị huyết ấp thấp cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, huyết áp thấp không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người mắc bệnh huyết áp thấp nhưng vẫn cảm thấy khỏe. Đôi khi, bạn có thể cảm thấy hoa mắt và chóng mặt, nhưng không có vấn đề gì nếu các triệu chứng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Đều quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ nếu bị huyết áp thấp vì bệnh có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám bác sĩ để có phương pháp điều trị phù hợp nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

Cảm thấy chóng mặt hoặc tối sầm mặt khi đứng lâu (trên 5 giây)

Tim nhanh (nhịp tim nhanh, mạnh hoặc không đều)

Mờ mắt

Buồn nôn

Nóng

Toát mồ hôi (đổ mồ hôi nhiều)

Mê sảng.

Biện pháp dự phòng cho bệnh nhân huyết áp thấp.

Thay đổi tư thế đúng, khi ngủ máu tập trung vào gan, phổi, lách, nên gây ra tình trạng thiếu máu não tạm thời. Vì vậy, khi thức dậy cần nằm thêm một lúc, làm vài động tác khởi động đơn giản rồi mới ngồi dậy: để chân trên giường, sau đó mới từ từ thả chân xuống; ngồi một lúc rồi mới đứng lên.

Khi có dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, mệt mỏi, cần nằm nghỉ ngơi ở tư thế đầu thấp để tăng lượng máu lên não.

Nên tránh trèo cao, ra nắng gắt hoặc để bị lạnh đột ngột, nhất là lúc đêm khuya.

Luyện tập thể dục đều đặn, phù hợp với sức khỏe và độ tuổi hàng ngày giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể nên giảm chứng huyết áp thấp.

Ăn đủ các bữa, đặc biệt bữa sáng rất quan trọng. Các chuyên gia khuyên nên ăn sáng với những thực phẩm tốt cho tim mạch và các loại nước hoa quả ép (nên thêm một ít muối) sẽ giúp máu lưu thông dễ dàng hơn.

Ăn thành nhiều bữa nhỏ. Thay vì việc chỉ ăn 3 bữa chính như thông thường, nên chia thành nhiều bữa nhỏ. Trong chế độ ăn uống thường ngày cần bổ sung thêm các loại thực phẩm có chứa các thành phần như protein, vitamin C và tất cả các loại vitamin thuộc nhóm B rất có lợi.

Uống đủ lượng nước là rất quan trọng, bởi lẽ nếu cơ thể bị thiếu nước sẽ dễ xảy ra tình trạng bị khử nước. Điều này càng đặc biệt quan trọng hơn trong khi đang luyện tập hoặc hoạt động, làm việc dưới điều kiện thời tiết nắng nóng.

Nếu huyết áp thấp do thiếu máu (hay gặp ở phụ nữ), nên tăng cường thức ăn chứa nhiều sắt như thịt nạc, gan động vật, mộc nhĩ, nấm hương khô, cần tây, rau đay, rau rền, quả lựu, táo.

Tránh xa các loại đồ uống có cồn. Vì sử dụng đồ uống có cồn gây mất nước trong cơ thể.

Khi huyết áp thấp hoặc sợ hãi, đói… người bệnh cần uống trà đường hay ăn kẹo ngọt rồi thả lỏng cơ thể, nằm yên tĩnh để lấy lại thăng bằng.


Nguồn: Báo Thời Đại