Kinh hãi ngón đòn của thế giới ngầm kinh doanh xác chết

ngày 21/08/2014

Những ngày qua, dư luận bất bình về sự việc người của 2 trại hòm ở huyện Long Thành, Đồng Nai tranh giành quyền được khâm liệm xác chết.

Đây không phải là lần đầu các trại hòm ở huyện Long Thành cạnh tranh kinh doanh không lành mạnh. Chính vì vậy, người dân mong muốn chính quyền địa phương cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý mạnh tay hơn để tránh các trường hợp tương tự có thể tiếp diễn.

“Quyết chiến” vì giành xác chết


Vào khoảng 14h45, ngày 12/8, trên quốc lộ 51, anh Nguyễn Huy Cường (32 tuổi, ngụ tại khu Phước Hải, thị trấn Long Thành, huyện Long Thành) đi xe gắn máy chở anh Phạm Văn Vững (23 tuổi, ngụ tại tỉnh Thái Bình) từ hướng Đồng Nai về tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến đoạn đường trên, xe của Cường va quẹt vào dải phân cách bê tông khiến 2 người té xuống đường và tử vong tại chỗ.
Trại hòm Phước Thiện, khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành.

Trong khi Cảnh sát giao thông và Công an xã Phước Thái (huyện Long Thành) đang bảo vệ hiện trường để chờ cơ quan chức năng đến điều tra nguyên nhân vụ tai nạn thì nhân viên của một số trại hòm tại Long Thành cũng có mặt. Do muốn giành xác nạn nhân để khâm liệm và bán quan tài cùng các dịch vụ mai táng kèm theo nên giữa 2 trại hòm Phước Thiện và Long Thọ đã xảy ra ẩu đả.

Trong lúc náo loạn, một thanh niên của trại hòm Long Thọ đã rút dao thủ sẵn trong người đâm anh Trần Văn Bé Minh (ngụ tại khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành), người của trại hòm Phước Thiện. Anh Minh được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất với vết thương khá nặng. Gây án xong, đối tượng đã bỏ trốn.

Nhắc đến vụ án này, nhiều người ở thị trấn Long Thành khẳng định đây không phải lần đầu tiên xảy ra ẩu đả giữa các dịch vụ mai táng. Cách kinh doanh của một số trại hòm ở Long Thành thường là khi biết tin có người qua đời liền cho nhân viên tới để tìm cách hợp đồng với người nhà nạn nhân trong việc khâm liệm và bán hòm.

Thực tế, tâm lý của gia đình người chết khi đó do đau buồn, bối rối nên chẳng màng về giá cả dịch vụ lo hậu sự. Do đó, việc ngã giá ở ngay hiện trường có người chết của những cửa hàng kinh doanh mai táng đã trở nên khá phổ biến.

Chiêu trò kinh doanh mai táng

Một số người dân ngụ mặt tiền Quốc lộ 51 còn cho biết, thời gian qua tình trạng các dịch vụ mai táng ở thị trấn Long Thành đi phát tờ rơi ở khu dân cư không còn là cá biệt. Trại hòm nào cũng để lại danh thiếp và hứa trả phần trăm cho người báo tin khi có vụ tai nạn chết người.

Chị H.V., chủ quán tạp hóa gần hiện trường vụ tai nạn kể lại, sau khi tai nạn xảy ra ít phút thì xe của 2 trại hòm liền có mặt. “Chứng kiến vụ việc ẩu đả giữa 2 bên, tôi thấy rất tội nghiệp cho người đã nằm xuống. Dường như họ coi người tử nạn như một món hàng, bất chấp đạo đức, pháp luật; họ lao vào nhau đánh đấm, kể cả đâm chém thì không thể nào chấp nhận được”- chị V. bức xúc.

Cùng tâm trạng như chị V., ông N.V.X., ngụ tại khu Phước Hải, thị trấn Long Thành nói: “Lẽ ra họ phải đồng cảm với sự đau buồn của gia đình có người thân từ trần. Đằng này, họ chỉ quan tâm tới việc làm ăn mà quên đi đạo lý “nghĩa tử là nghĩa tận”. Đã không ít lần, một số nhân viên các trại hòm còn đánh nhau ngay tại đám tang khiến gia chủ phải can ngăn, thậm chí năn nỉ họ mới thôi”.

Đề cập việc một số trại hòm trên địa bàn vì tranh giành kinh doanh dẫn đến việc thường xuyên mâu thuẫn cãi vã, gây hấn như người dân phản ảnh, Phó chủ tịch UBND thị trấn Long Thành Nguyễn Văn Gạt thừa nhận thông tin người dân bức xúc về các vụ ẩu đả giữa những nhân viên dịch vụ mai táng là có cơ sở; kể cả việc vào nhà xác của Bệnh viện đa khoa huyện Long Thành nhằm giành quyền “lo” cho người chết.

Theo ông Gạt, trước đây chính quyền địa phương đã mời đại diện các cơ sở này lên làm việc và yêu cầu viết cam kết không để xảy ra tình trạng tranh giành, đánh nhau gây mất an ninh trật tự. Tới đây, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục nhắc nhở các cửa hàng kinh doanh hòm trên địa bàn chấp hành các quy định về kinh doanh lành mạnh, nếu để xảy ra vụ việc gây rối trật tự công cộng, sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chiều 16/8, khi phóng viên đang tác nghiệp ở khu Cầu Xéo, thị trấn Long Thành để thu thập ý kiến người dân về hoạt động của trại hòm Phước Thiện thì có một số người lạ mặt đã cản trở và có hành vi hăm dọa, uy hiếp tinh thần nhà báo.

Để tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc, phóng viên lên xe đi chỗ khác nhưng vẫn bị 3 người, gồm 2 nữ, 1 nam phóng xe gắn máy theo dõi. Được sự trợ giúp của Công an thị trấn Long Thành, các phóng viên mới thoát khỏi sự đeo bám của những người này.

Theo Đồng Nai online

Nguồn: VTC News

{fcomment}