Thấp thỏm sử dụng lại vắc xin Quinvaxem

ngày 25/09/2013

Sau 5 tháng tạm ngừng sử dụng vắc xin Quinvaxem trên toàn quốc, vắc xin này sẽ chính thức được sử dụng lại trên toàn bộ hệ thống tiêm chủng mở rộng để tiêm cho trẻ em. 

Vẫn lo phản ứng!

Vẫn lo phản ứng!

Ngày 24/9, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Văn Bình cho biết, sau 5 tháng dừng tiêm Quinvaxem, bắt đầu từ tháng 10 tới đây, loại vắc xin này được đưa vào tiêm trở lại ở tất cả các điểm tiêm chủng trên toàn quốc.

Quyết định này được Bộ Y tế đưa ra sau 5 tháng dài tạm dừng sử dụng vắc xin Quinvaxem để điều tra vì liên quan đến một loạt các ca tai biến sau tiêm nghi ngờ đến loại vắc xin này. Tại Việt Nam, từ năm 2010 đến 4/2013 ghi nhận 43 trường hợp phản ứng sau tiêm vắc xin Quinvaxem, có 9 trường hợp được cho là có thể liên quan đến vắc xin. 9 trường hợp này thì 8 ca là sốt, co giật, giảm trương lực cơ, có phản ứng dị ứng, nổi ban (là phản ứng thông thường của kháng nguyên lạ, tùy thuộc vào cơ địa của trẻ, không phải tất cả trẻ em khi tiêm vắc xin đều gặp phản ứng này) và một trường hợp sốc phản vệ nhưng đã điều trị đã qua khỏi. 17 trường hợp tai biến sau tiêm chủng có liên quan đến bệnh lý sẵn có của trẻ (14 ca tử vong), 17 trường hợp không xác định nguyên nhân nhưng không có đủ thông tin để kết luận nhưng qua hỏi bà mẹ, hỏi những người trong gia đình không có yếu tố liên quan đến vắc xin.

Bộ Y tế Việt Nam đã mời Tổ chức Y tế thế giới (WHO) điều tra, kiểm định độc lập về vắc xin này. Kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh cũng cho thấy, mẫu vắcxin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắc xin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đã được kiểm định chất lượng tại Phòng Xét nghiệm độc lập thuộc Viện. Kết quả kiểm định ngày 14/6/2013 cho thấy, các lô vắcxin nói trên đạt các yêu cầu về chất lượng.

Theo GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, hơn 1,5 triệu liều vắc xin Quinvaxem đã được chuẩn bị cho các điểm tiêm chủng. “Tái sử dụng Quinvaxem, chúng ta nhìn thấy trước, khi sử dụng lại vẫn sẽ lại có những phản ứng phụ không mong muốn tiếp tục xảy ra. Một lần nữa tôi muốn nhấn mạnh, không vắc xin nào an toàn tuyệt đối, không có loại vắc xin nào phòng bệnh cho tất cả mọi người mà lại không có phản ứng nào ngoài mong đợi. Tới đây, toàn bộ số trẻ tiêm mới cũng như số trẻ tiêm lại sau 5 tháng tạm dừng, lượng trẻ tiêm tăng lên rất nhiều. Với số lượng tiêm lớn như vậy cũng rất lo lắng có thể xảy ra phản ứng nặng gây tử vong, vì thế cần đẩy mạnh an toàn tiêm chủng”, GS Hiển nhấn mạnh.

Đứng trước thách thức dùng lại vẫn sẽ gặp những trường hợp phản ứng sau tiêm, GS Hiển cho rằng, cần làm tốt quy trình tư vấn, sàng lọc, chỉ định tiêm chủng, hướng dẫn bà mẹ sau khi tiêm vắc xin theo dõi tại chỗ như thế nào, về nhà ra làm sao, khi nào đến cơ sở y tế.

Trước khi đưa vắc xin vào sử dụng, Bộ Y tế cũng tổ chức một hội nghị trực tuyến cho 63 tỉnh, thành phố, quán triệt các vấn đề nâng cao, giám sát an toàn tiêm chủng để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Theo đó, quy trình tiêm chủng sẽ được siết chặt, tăng cường kiểm tra về kỹ thuật tiêm,bảo quản.

Tuy nhiên, cũng phải đương đầu với những phản ứng sau tiêm không phải do vắc xin mà do cả những nguyên nhân khác. Làm sao để người dân quan tâm đến công tác tiêm chủng, thông báo tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử sử dụng vắc xin, tiền sử dị ứng thuốc, vắc xin… và theo dõi trẻ sau tiêm, phát hiện sớm những phản ứng bất thường sau tiêm như trẻ khó thét, bỏ bú, sốt cao, điều tra sớm các phản ứng sau tiêm chủng…

Giữ nguyên lịch tiêm chủng vắc xin!

Liên quan đến lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem, GS.TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, Hội đồng khoa học cũng đã họp xem xét và quyết định giữ nguyên lịch tiêm chủng. Vì qua thống kê, tỉ lệ trẻ mắc bệnh ho gà ở tháng thứ 2 là rất cao. Trên thế giới có đến 90 nước tiêm chủng giống lịch tiêm của Việt Nam, do vắc xin đưa và cơ thể càng sớm càng tốt để trẻ có khả năng phòng bệnh nhưng cũng đảm bảo việc tuổi của trẻ đáp ứng được vắc- xin.

Bộ Y tế cũng yêu cầu các điểm tiêm chủng phải được mở rộng, thay vì 1 ngày sẽ diễn ra từ 1- 3 ngày/tháng tùy số lượng trẻ tiêm và không quá 50 trẻ/ngày. “Không thể để tình trạng giống như một buổi tiêm chủng ở Thái Nguyên, có đến 200 trẻ trong một buổi tiêm chủng, đọc tên, thông báo đều quả qua micro, trẻ có khóc cũng không ai nghe thấy bởi sự ồn ào… sẽ rất khó khăn trong việc dặn dò theo dõi phản ứng sau tiêm”, GS Hiển nói.

“Bản chất của tiêm chủng là tốt, dự phòng bệnh cho trẻ, vắc xin được kiểm định an toàn. Tuy nhiên, với một số phản ứng không mong muốn, trùng hợp ngẫu nhiên xảy ra, ohari đẩy mạnh hơn nữa quy trình điều tra. Hơn nữa, cần yêu cầu cao hơn sự hợp tác của người dân trong quá trình khi mang con đến tiêm, thông báo đầy đủ về tình trạng bệnh tật của trẻ để quyết định tiêm hay hoãn tiêm, cũng như việc giám sát, theo dõi tình trạng sức khỏe trẻ sau tiêm”, GS Hiển nhấn mạnh.

Sau hơn 25 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, hơn 65 triệu trẻ em đã được tiêm chủng 11 loại vắcxin phòng một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Việt Nam đã thanh toán bại liệt, loại trừ uốn ván sơ sinh, giảm số mắc, tử vong các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, góp phần nâng cao sức khỏe, bảo đảm an sinh và phát triển kinh tế xã hội.

Vắc xin Quinvaxem đã được WHO chứng minh là đạt chất lượng. Tỉ lệ tai biến liên quan đến tiêm chủng cũng thấp hơn nhiều so với khuyến cáo, vì thế, ngành y tế mong mỏi khi sử dụng lại vắc xin này trong chương trình Tiêm chủng mở rộng sẽ được người dân ủng hộ. Khi thực hiện đúng quy trình tiêm chủng từ tư vấn, sàng lọc trước tiêm, tiêm và đặc biệt là theo dõi của gia đình với đứa trẻ chặt chẽ, có biểu hiện bất thường cần đến ngay cơ sở y tế để được điều trị, tỉ lệ tai biến sẽ giảm đi.

Hồng Hải

{fcomment}