Hàng loạt nhà hàng Nga khốn đốn vì lệnh cấm vận

ngày 12/08/2014

Lệnh cấm nhập khẩu nông sản phương Tây mà Moscow tung ra hồi tuần trước nhằm trả đũa các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu đang khiến nhiều nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ và nhà sản xuất thực phẩm của nước này điêu đứng. 

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hôm 6/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký một sắc lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp từ những quốc gia đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga trong một năm. Trước đó, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đồng loạt siết chặt trừng phạt Nga bằng những lệnh trừng phạt nhằm vào các ngành kinh tế chủ chốt của nước này như quốc phòng, năng lượng và ngân hàng. Phương Tây cho rằng, Nga phải chịu sự trừng phạt do có vai trò tiếp tay cho quân nổi dậy ở miền Đông Ukraine - một cáo buộc mà Moscow kiên quyết phủ nhận.

Việc Nga trả đũa phương Tây được cho là sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới nông dân Mỹ và châu Âu, bởi Nga hiện là khách hàng mua nông sản lớn nhất của EU. Tuy nhiên, lệnh trừng phạt của Moscow cũng gây không ít rắc rối cho người tiêu dùng và các nhà hàng ở Nga. Các sản phẩm nhập khẩu từ phương Tây vốn đã quen thuộc với người tiêu dùng Nga trong nhiều năm qua như bơ Pháp béo ngậy, thịt bò Australia và cơm hải sản Italy giờ đã không còn có mặt trong thực đơn của các nhà hàng xứ bạch dương.

“Giá cả đang tăng lên và một số loại thực phẩm đã biến mất”, ông Alexei Paperny, chủ tiệm ăn bình dân Children of Paradise ở Moscow, cho biết. “Chúng tôi sẽ cố gắn để duy trì hoạt động… Tôi không thể tưởng tượng được làm thế nào để một số nhà hàng có thể tồn tại được trong tình cảnh thế này”.

Ông Paperny gọi lệnh cấm nhập khẩu nông sản từ Mỹ, EU, Canada, Australia, và Nauy mà Nga đặt ra trong 1 năm là “lệnh trừng phạt của Nga nhằm vào chính Nga”. Nhiều thực khách tới quán ăn của Paperny cũng có chung quan điểm này với ông chủ quán.

Trong số các món ăn du nhập tư nước ngoài, người Nga đặc biệt thích món cơm cuộn Sushi của Nhật Bản. Món này thậm chí còn có trong thực đơn của các nhà hàng Italy và Pháp ở Nga. Tuy nhiên, sau lệnh trừng phạt mà Moscow đưa ra, nguyên liệu để làm Sushi cũng trở nên khan hiếm.

Rosinter, một trong những chuỗi nhà hàng lớn nhất ở Nga với các cửa hiệu Sushi trên toàn quốc, nói rằng, 50% lượng thực phẩm mà họ phục vụ thực khách là hàng nhập khẩu. Bởi thế, hoạt động của Rosinter trong thời gian sắp tới có thể sẽ gặp rất nhiều khó khăn. “Chúng tôi rất lo lắng và không muốn mất việc làm. Nga không có cá hồi”, một quản lý nhà hàng của Rosinter nói.

Đối với phương Tây, ảnh hưởng từ lệnh trừng phạt của Nga đã rõ. Các công ty sữa châu Âu đã dừng sản xuất các loại bơ và pho mát xuất khẩu sang Nga. Giá cá hồi Nauy dự kiến sẽ giảm 10% trong tuần này.

Nhưng theo hãng đánh giá tín nhiệm Fitch Ratings, người tiêu dùng Nga trong thời gian tới sẽ phải chịu một cú sốc tài chính, bởi các công ty Nga trước đây nhập hàng nông sản từ các nước bị Moscow trừng phạt sẽ phải tìm nguồn hàng thay thế từ các nước khác với mức giá cao hơn. Trong đó, tầng lớp trung lưu thành thị của Nga sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự gia tăng giá cả.

Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, phần đông người Nga ủng hộ việc Chính phủ trả đũa lệnh trừng phạt của phương Tây. 76% người Nga được tổ chức độc lập Levada Center hỏi ý kiến cho biết, họ ủng hộ hành động của Moscow.

Một nhà hàng ở Yekaterinburg thậm chí đã đưa ra một thực đơn đặc biệt mang tên “Thực đơn trừng phạt” chỉ bao gồm những món ăn do Nga sản xuất. “Tôi tự hào rằng chúng tôi không phải là cậu bé bị bắt nạt. Không có hàu cũng chẳng sao. Chúng tôi sẽ sống mà không cần tới hàu”, ông chủ nhà hàng này, Andrei Dellos, nói.

Nhiều nông dân Nga đang kỳ vọng sẽ biến lệnh cấm nhập nông sản phương Tây thành cơ hội phát triển của mình. Tuy vậy, cũng có một số ý kiến cho rằng, việc này không dễ dàng và đòi hỏi mất thời gian nhiều năm.

“Để sản xuất nhiều sữa, trước tiên phải nuôi bò. Nhưng con bê nào cũng phải mất ít nhất 3 năm nuôi mới thành bò cho sữa”, ông Pavel Grudinin, Giám đốc Trang trại quốc doanh Lenin, phát biểu. “Vấn đề chính của Nga không phải nhập khẩu quá nhiều hàng thực phẩm giá rẻ, mà là bản thân chúng tôi hầu như chẳng sản xuất được gì đáng kể”.

Phương Anh
Theo Reuters

nguồn: dân trí

{fcomment}