Điện ảnh Việt tìm cách vượt khó

ngày 02/06/2021

Dẫu vậy, trước khó khăn chung hầu hết người trong giới đều không than vãn, chỉ nỗ lực tự thân vượt qua giai đoạn này.

Khó chồng khó mùa dịch

Từ 18 giờ ngày 3-5, các rạp ở TP HCM tạm dừng hoạt động và sau đó là một số nơi khác. Việc dừng hoạt động này đã khiến cho phim "Thiên thần hộ mệnh" của đạo diễn Victor Vũ và "Trạng Tí" của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh chịu tác động trực tiếp. Hai phim này chỉ mới chính thức ra rạp tính từ hôm 30-4.

Phim “Trạng Tí” của Phan Gia Nhật Linh. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Trước đó, phim "Lật mặt: 48H" từng 2 lần hoãn chiếu trong các đợt bùng dịch và đạo diễn Lý Hải cho biết lỗ đến 10 tỉ đồng chi phí in ấn áp-phích, chi phí truyền thông, quảng bá phim. Nhưng "Lật mặt: 48H" vẫn may mắn là hoãn chiếu trọn vẹn chứ không phải mới chiếu thời gian ngắn là bị hoãn như trường hợp 2 phim vừa kể trên. Vì thế, đến lúc được ra rạp từ ngày 16-4, "Lật mặt: 48H" đã thu hút khán giả và nhanh chóng vượt mức 100 tỉ đồng.

"Việc phim mới chiếu mà phải dừng lại một thời gian dài là sự thiệt thòi lớn bởi cắt đứt mọi mạch quảng bá truyền miệng, hiệu ứng… mà ê-kíp của phim vất vả tạo được. Đến lúc ra rạp trở lại, nhà sản xuất phải chi lại từ đầu mà cũng khó bảo đảm tạo được hiệu ứng như đã từng có. Trong khi đó, các chi phí này tính bằng tiền tỉ. Tất cả chúng tôi điều biết nhưng sức khỏe cộng đồng phải được ưu tiên" - biên kịch kiêm đạo diễn Kay Nguyễn cho biết.

Ngoài các phim đang chiếu phải tạm dừng thì những phim lên lịch sẽ chiếu trong thời gian sắp tới như phim "Bẫy ngọt ngào" của Minh Hằng cũng phải dời lịch, buộc chấp nhận tốn kém chi phí quảng bá. Những phim thời gian phát hành dự kiến rơi vào tháng 7, tháng 8 hiện nay thấp thỏm theo dõi tình hình dịch bệnh để đưa ra quyết định.

"Với điện ảnh, các cụm rạp là ngành gánh tổn thất lớn nhất. Họ không có một khoản thu nhập nào mà lại phải chi ra nhiều khoản phí. Các nhà sản xuất, nhà đầu tư đang có phim nhưng chưa có cơ hội công chiếu để thu hồi vốn. Việc chôn vốn trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Nếu không nhanh chóng giải quyết được bài toán tài chính thì nhà sản xuất, nhà đầu tư có thể rơi vào khủng hoảng, nợ nần. Việc phim không thể ra mắt như dự kiến sẽ tốn thêm kinh phí marketing cho kế hoạch ra rạp lần sau" - nhà sản xuất, diễn viên Thanh Thúy chia sẻ.

Chiếu phim online

"Chúng tôi đã đóng cửa hẳn một vài rạp. Hiện tại, chúng tôi đã tạm dừng hoạt động đến 90% các cụm rạp trên cả nước. Chúng tôi đã đề xuất với các cơ quan chức năng được hỗ trợ về thuế, gói vay với lãi suất ưu đãi và chính sách duyệt phim để khi rạp được hoạt động trở lại thì có ngay phim chất lượng, hấp dẫn để chiếu phục vụ khán giả và cũng thuận tiện cho hoạt động quảng bá" - đại diện phía Công ty TNHH CJ CGV Việt Nam bày tỏ.

Ông Phi Long, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Poly, cho rằng nếu có những phim chất lượng tốt, tạo được hiệu ứng truyền miệng như "Ròm", "Bố già" thì khán giả ra rạp nhanh thôi. Điều này đã được minh chứng qua thành công của "Ròm", "Bố già", những tác phẩm doanh thu tốt ngay sau giai đoạn rạp phim vừa mở cửa hoạt động trở lại.

Phim “Thiên thần hộ mệnh” của đạo diễn Victor Vũ. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Bà Trịnh Lê Minh Hằng, Giám đốc Skyline Media, đề xuất: "Nếu cơ quan chức năng có thể hỗ trợ về thuế cho rạp và các nhà sản xuất phim thì quá tốt. Nhà phát hành cũng nên có ưu đãi cho nhà làm phim để khi rạp được mở cửa lại thì nhà làm phim hăng hái mang tác phẩm của mình đi phục vụ khán giả. Đây là giải pháp từng được thực hiện ở các đợt bùng dịch trước nhưng chỉ tập trung vào một số phim tiềm năng và thời gian cũng ngắn. Nếu có thể thì nhà nước nên có hỗ trợ dài hạn và rộng hơn".

"Việc chiếu phim online qua các kênh trực tuyến theo tôi đây là một bước ngoặt mới đầy triển vọng. Tôi và anh Đức Thịnh đang xây dựng những dự án phim trên YouTube, trên web. Chiếu phim qua các kênh trực tuyến sẽ là một xu thế của tương lai" - nhà sản xuất Thanh Thúy lạc quan.

Nguồn Người Lao Động