Bốn nước G7 cấm nhập khẩu vàng Nga, giá vàng sẽ ảnh hưởng ra sao?

ngày 28/06/2022

Bốn thành viên của nhóm 7 nền kinh tế phát triển nhất thế giới (G7) gồm Anh, Canada, Mỹ, Nhật Bản sẽ cấm nhập khẩu vàng của Nga.

Trong tuyên bố phát ngày 26/6, một ngày trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G7 tại Đức, chính quyền Anh cho biết lệnh cấm nhập khẩu vàng từ Nga của 4 nước nói trên sẽ sớm có hiệu lực.

Hiện chưa rõ ba thành viên còn lại của G7 gồm Đức, Ý, và Pháp có cấm nhập khẩu vàng của Nga hay không. Tuyên bố chính thức sẽ được đưa ra vào ngày 28/6 theo giờ địa phương (đêm nay giờ Việt Nam).

Đây là biện pháp trừng phạt mới nhất nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Vàng hiện là mặt hàng xuất khẩu mang về nguồn thu lớn thứ hai cho Nga, chỉ sau năng lượng.

Biện pháp của 4 nước G7 nói trên nhắm vào các loại vàng mới khai thác hoặc tinh chế của Nga. Vàng có nguồn gốc từ Nga đã được xuất khẩu trước đó sẽ không bị ảnh hưởng.

Nga xuất khẩu số vàng trị giá khoảng 15,45 tỉ USD trong năm ngoái. Trong thời gian qua, giới nhà giàu Nga đã mua vào vàng thỏi nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ các biện pháp trừng phạt của Nga.

"Biện pháp mà chúng tôi công bố ngày hôm nay (26/6) sẽ nhắm trực tiếp vào các tài phiệt Nga", Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của Thủ tướng Anh Boris Johnson.

Nga là một trong những nước sản xuất vàng lớn nhất thế giới

Anh tự tin rằng London có vai trò quan trọng trong thị trường giao dịch vàng toàn cầu, và cùng với Mỹ, Nhật Bản và Canada, biện pháp trừng phạt mới sẽ có sức ảnh hưởng rộng và ngăn vàng của Nga tiếp cận các thị trường quốc tế.

Theo Reuters, Nga là một trong những nhà sản xuất vàng lớn nhất thế giới, cùng với Trung Quốc và Australia. Năm ngoái, nước này đã khai thác 314 tấn vàng, theo Bộ Tài chính Nga, chiếm gần 10% lượng kim loại được đào trên toàn cầu. Số vàng đó trị giá khoảng 19 tỷ USD theo giá hiện tại.

Những người khai thác vàng ở Nga chủ yếu bán vàng của họ cho các ngân hàng thương mại của Nga, thường là bán cho ngân hàng trung ương Nga hoặc xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, phần lớn vàng của Nga được gửi đến Anh, trung tâm lưu trữ và buôn bán vàng thỏi lớn nhất thế giới.

Dữ liệu hải quan của Anh cho thấy, Anh đã nhập khẩu vàng trị giá 15,2 tỷ USD của Nga vào năm ngoái. Từ đó có thể tái xuất sang các thị trường khác.

Nga cũng đã gửi một số vàng trong những năm gần đây tới các nước bao gồm Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ và Kazakhstan, theo dữ liệu hải quan Nga.

Tuy nhiên, kể từ ngày 24/2, xuất khẩu vàng của Nga sang phương Tây phần lớn đã ngừng lại.

Các chính phủ phương Tây đã trừng phạt các ngân hàng kinh doanh vàng chính của Nga, bao gồm VTB, Otkritie và Sberbank, và nhiều ngân hàng quốc tế, nhà máy lọc dầu và chủ hàng ngừng giao dịch với vàng thỏi của Nga.

Vào ngày 7/3, Hiệp hội Thị trường vàng thỏi London (LBMA) đã đình chỉ công nhận các nhà máy tinh luyện kim loại quý của Nga, cấm họ bán sản xuất mới ở London.

Anh đã nhập khẩu 29 tấn vàng trị giá 1,7 tỷ USD từ Nga vào tháng 2, theo dữ liệu hải quan của Anh. Tuy nhiên, vào tháng 3, tháng cuối cùng có dữ liệu, Anh chỉ nhập khẩu 26 kg từ Nga.

Cơ quan hải quan và ngân hàng trung ương Nga đã cũng đã ngừng công bố dữ liệu xuất nhập khẩu và thông tin về lượng vàng nhà nước nắm giữ.

Theo nhà phân tích Carsten Menke của Julius Baer, xuất khẩu vàng của Nga đã được định hướng lại kể từ khi bắt đầu chiến tranh, chảy về phía Đông thay vì hướng Tây. Do đó, ông cho rằng tác động của lệnh cấm lần này của các nước G7 đối với thị trường vàng có thể rất hạn chế.

Trên thực tế, phản ứng trước thông tin trên, giá vàng thế giới hầu như không có biến động đáng kể. Kim loại quý đã giảm nhẹ 3,7 USD mỗi ounce trong phiên giao dịch ngày 27/6, xuống 1.822,7 USD/ounce. Sang đến sáng nay tại thị trường châu Á, nó đã lấy lại hầu như tất cả những gì đã mất tại thị trường Mỹ và châu Âu đêm hôm trước.

Trong nước, giá vàng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn giữ nguyên mức giá chốt phiên liền trước, tại 67,90 – 68,60 triệu đồng/lượng. Trên thị trường, giá thương hiệu vàng này được các doanh nghiệp điều chỉnh giảm nhẹ từ 50 – 100 nghìn đồng mỗi lượng, xuống quanh mức 67,80 – 68,50 triệu đồng/lượng.

Nguồn: anninhthudo.vn