Doanh nghiệp, hải quan lúng túng khi triển khai Nghị định 15

ngày 07/03/2018

Việc sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công sẽ được miễn kiểm tra hay không vẫn chưa có sự thống nhất.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa phối hợp với các hiệp hội ngành nghề tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định 15/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm vào ngày 6/3 tại TP HCM. Nhiều ý kiến đưa ra trong buổi này cho thấy, cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý đều đang gặp vướng mắc khi triển khai Nghị định.

doanh-nghiep-hai-quan-lung-tung-khi-trien-khai-nghi-dinh-15

Mặc dù bố trí hơn 700 chỗ, nhưng hội trường triển khai Nghị định số 15/2018 vẫn không đủ chỗ cho các doanh nghiệp tham dự

Nghị định 15 mở rộng danh sách mặt hàng được tự công bố sản phẩm, bao gồm thực phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ chứa dựng thực phẩm, vật liệu bao gói tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm. Ngoài ra còn có nhóm nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng xuất khẩu hoặc phục vụ cho việc sản xuất nội bộ. 

Việc tự công bố có thể thực hiện trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc trang thông tin điện tử của doanh nghiệp, đồng thời gửi một bản cho cơ quan quản lý nhà nước cấp địa phương lưu trữ. Ngay sau khi tự công bố sản phẩm, các công ty được quyền sản xuất, kinh doanh sản phẩm ngay, mà không cần chờ ý kiến từ cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Vũ Hoài Phương - phụ trách pháp lý Công ty Suntory Pepsico Việt Nam, các doanh nghiệp không thể yên tâm nếu không có văn bản chứng minh cơ quan quản lý nhà nước đã tiếp nhận hồ sơ tự công bố sản phẩm.

"Tôi nộp trực tiếp còn bị báo thất lạc nên rất mong có hình thức nào đó chứng nhận rằng cơ quan quản lý đã tiếp nhận hồ sơ tự công bố của chúng tôi. Nếu không, khi thanh tra đến, doanh nghiệp không có bằng chứng gì đưa ra cả", bà Phương chia sẻ.

Một nội dung khác khiến nhiều công ty kêu khó là sự không thống nhất trong cách hiểu về quy định miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Theo Nghị định, sản phẩm, nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất, gia công sẽ được miễn kiểm tra dù đầu ra để xuất khẩu hay phục vụ sản xuất nội bộ của doanh nghiệp. Nhưng bà Phương cho biết khi nhập nguyên liệu qua hải quan Đà Nẵng, cơ quan quản lý tại đây giải thích chỉ có nguyên liệu nhập khẩu để sản xuất hàng xuất khẩu mới được miễn.

doanh-nghiep-hai-quan-lung-tung-khi-trien-khai-nghi-dinh-15

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong, cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trả lời vướng mắc của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, bà Lê Nguyễn Việt Hà - Phó trưởng phòng Giám quản hàng hoá xuất - nhập khẩu thương mại, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan, cho biết chưa nhận được phản ánh tương tự trong thời gian qua. Bà khẳng định, Tổng cục Hải quan đã phổ biến thống nhất đến hải quan các tỉnh thành về quy định này.

Chủ tịch Hiệp hội Sữa Việt Nam, ông Trần Quang Trung cho hay, không riêng hải quan Đà Nẵng, mà cả hải quan Đồng Nai và TP HCM cũng đang mâu thuẫn về cách hiểu sản phẩm được miễn kiểm tra. Điều này khiến nhiều hàng hàng nhập khẩu của doanh nghiệp còn kẹt ngoài cảng, ách tắc hàng từ trước Tết đến giờ.

Trước ý kiến của các doanh nghiệp, bà Hà hứa sẽ có văn bản hướng dẫn, chậm nhất trong thứ Sáu tuần này và chia sẻ bản thân ngành hải quan gặp không ít lúng túng khi triển khai nghị định này. Chẳng hạn, với các sản phẩm đã có giấy tiếp nhận bản công bố sản phẩm, nếu yêu cầu xuất trình giấy này thì vô tình nảy sinh thêm thủ tục hành chính. Nhưng nếu không yêu cầu, thì hải quan không chứng minh được hồ sơ đó đã có giấy tiếp nhận này. 

Việc kiểm tra chuyên ngành an toàn thực phẩm trước đây thực hiện dựa trên danh mục, với sự thống nhất của Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông nghiệp. Danh mục này ban hành theo nghị định 38/2012. Nay nghị định 38 đã được thay thế bằng nghị định số 15, thì danh mục này còn hiệu lực hay không, cũng là câu hỏi lớn của ngành hải quan.

Ban hành ngày 2/2 và có hiệu lực cùng ngày, Nghị định số 15/2018 quy định chi tiết hàng loạt các nội dung liên quan đến quản lý an toàn thực phẩm như thủ tục công bố sản phẩm, quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, ghi nhãn, quảng cáo, truy xuất nguồn gốc thực phẩm.
Theo các chuyên gia, đây là văn bản đánh dấu sự thay đổi cơ bản phương thức quản lý trong lĩnh vực thực phẩm theo hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm và đơn giản thủ tục hành chính. Đại diện VCCI đánh giá, nghị định sẽ giảm trên 90% chi phí hành chính và giúp doanh nghiệp tiết kiệm 10 triệu ngày công, tương đương 3.700 tỷ đồng.
 
Nguồn: vnexpress.net