Ấn Độ: Nở rộ thị trường chợ đen kinh doanh đồ bảo hộ không đảm bảo

ngày 29/08/2020

Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Hyderabad, bang Telangana, Ấn Độ, ngày 22/8/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 28/8, Tổng cục Hàng không dân dụng Ấn Độ (DGCA) cảnh báo những hành khách không đeo khẩu trang trên các chuyến bay có thể bị đưa vào danh sách cấm bay.

Người đứng đầu DGCA Arun Kumar cho biết thời gian hành khách bị cấm bay sẽ tùy thuộc vào đánh giá của phi hành đoàn.

Đến nay, DGCA chưa thông báo trường hợp nào bị cấm bay vì lý do trên.

Trước đó, Bộ Y tế Ấn Độ thông báo mọi người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang để phòng bệnh COVID-19.

Từ ngày 25/5, Ấn Độ đã nối lại các chuyến bay nội địa sau hai tháng ngừng hoạt động để phòng dịch.

Hiện, nước này chỉ cho phép thực hiện các chuyến bay nước ngoài để sơ tán công dân mắc kẹt ở nước ngoài về nước.

Ngày 28/8, Ấn Độ đã ghi nhận thêm 77.266 ca nhiễm virus SARS CoV-2 gây bệnh COVID-19, mức tăng cao nhất trong một ngày, nâng tổng số ca nhiễm ở nước này lên 3,38 triệu ca.

Trong khi đó, với 1.057 ca tử vong trong 24 giờ qua, tổng số ca tử vong tại Ấn Độ đã tăng lên 61.529 ca.

Trong bối cảnh nhu cầu đối với đồ bảo hộ cá nhân để phòng dịch tăng vọt tại đất nước 1,3 tỷ dân, nhiều người đã tìm đến những chiếc khẩu trang hoặc găng tay y tế với giá rẻ.

Hiện, cảnh sát Ấn Độ đang phải triệt phá thị trường chợ đen nở rộ kinh doanh những găng tay phẫu thuật và khẩu trang y tế đã qua sử dụng.

Cùng ngày, cảnh sát tại thành phố miền Tây Navi Mumbai thông báo đã thu giữ từ một cơ sở 3,8 triệu găng tay phẫu thuật dùng một lần đã được giặt, sấy khô và đóng gói để sẵn sàng tung ra thị trường.

Theo điều tra viên Subhash Nikam, cơ sở này đã thu gom gần 35 tấn găng tay phế phẩm từ nhiều bệnh viện và đang chuẩn bị bán số găng tay này cho các thương nhân với giá rẻ.

Cơ sở này đã kịp bán được 6.000-10.000 chiếc và đã liên hệ được với một số người mua để tiêu thụ nốt số hàng còn lại.

Bốn đối tượng đối mặt với cáo buộc ban đầu gồm lừa đảo và đe dọa tính mạng con người do phát tán bệnh truyền nhiễm.

Cùng ngày, chính quyền Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ lập hơn 140 trung tâm lấy dịch mũi họng trong khuôn khổ chương trình xét nghiệm diện rộng bắt đầu từ ngày 1/9 tới.

Các trung tâm này sẽ hoạt động từ 8-20 giờ để lấy các mẫu bệnh phẩm và gửi trực tiếp đến các phòng xét nghiệm.

Giới chức y tế Hong Kong cho biết hơn 420.000 mẫu bệnh phẩm của các nhóm người có nguy cơ cao đã được xét nghiệm và 83 người trong đó có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.

Giới chức khuyến cáo người dân tích cực tham gia chương trình xét nghiệm, giúp xác định những người mắc COVID-19 không triệu chứng càng sớm càng tốt để tìm và cắt đứt chuỗi lây nhiễm.

Cũng trong ngày 28/8, Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin thông báo Lệnh kiểm soát di chuyển giai đoạn hồi phục (RMCO) đang được áp dụng tại nước này để phòng chống dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến hết năm nay.

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, phát biểu trực tiếp trên truyền hình, Thủ tướng Muhyiddin cho hay quyết định nói trên được đưa ra căn cứ trên những diễn biến mới nhất về tình hình dịch bệnh thực tế.

Theo Thủ tướng Muhyiddin, về cơ bản dịch bệnh tại Malaysia đang nằm trong tầm kiểm soát.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, số ca nhiễm mới đang tăng lên, buộc Chính phủ phải áp dụng những biện pháp bổ sung để đối phó.

Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang diễn biến rất phức tạp.

Có những dấu hiệu cho thấy loại virus này đang biến đổi nhanh chóng, gây thêm khó khăn cho công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Chính vì vậy, Malaysia cần có thêm thời gian để có thể chấm dứt dịch bệnh.

Thủ tướng Muhyiddin cho biết thêm trong thời gian tới, Chính phủ Malaysia sẽ áp dụng các quy định khắt khe hơn về phòng chống dịch tại một số địa phương.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Để tăng tính răn đe đối với những người vi phạm quy định về phòng chống dịch, người đứng đầu Chính phủ Malaysia cho hay ông đã nhất trí với đề xuất của Bộ Y tế nước này về việc tăng mức tiền phạt ít nhất từ 2- 3 lần so với mức 1.000 ringgit (240 USD) hiện nay.

Chính phủ Malaysia bắt đầu áp dụng Lệnh kiểm soát di chuyển (MCO) hôm 18/3 sau khi nước này ghi nhận 125 ca mắc COVID-19, trở thành quốc gia Đông Nam Á có nhiều ca nhiễm nhất vào thời điểm đó.

Từ ngày 10/6, Malaysia bắt đầu thực hiện RMCO và theo kế hoạch, RMCO dự kiến kết thúc vào ngày 31/8 tới trước khi có thông báo nói trên từ Thủ tướng Muhyiddin.

Trong thời gian thực hiện RMCO, các lĩnh vực kinh doanh và giáo dục tại Malaysia được phép tái mở cửa theo giai đoạn, song phải tuân theo các bộ Thủ tục Hoạt động Tiêu chuẩn (SOP).

Cũng trong thời gian thực hiện RMCO, Malaysia tiếp tục thiết chặt kiểm soát biên giới, chưa cho phép các chuyến bay thương mại và lao động cũng như khách du lịch nước ngoài nhập cảnh. Malaysia hy vọng RMCO sẽ giúp chặt đứt chuỗi lây nhiễm của COVID-19.

Trong khi đó, Chính phủ Slovakia thông báo từ ngày 1/9 sẽ bổ sung một số nước châu Âu vào danh sách yêu cầu những hành khách đến từ các nước và vùng lãnh thổ này phải cách ly để đề phòng đại dịch.

Bộ Y tế nước này cho biết sẽ bổ sung các nước châu Âu gồm Croatia, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Bỉ và Malta vào danh sách trên.

Theo đó, những người từng đến các nước này trong vòng hai tuần trước khi nhập cảnh Slovakia sẽ cần tự cách ly trong 10 ngày hoặc phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 sau ít nhất 5 ngày tự cách ly.

Bộ trên cũng khuyến cáo người dân không du lịch đến Hy Lạp, thủ đô Praha (Séc), thủ đô Vienna (Áo) và khu vực Tayside thuộc Scotland (Anh) và vùng Tây Bắc England do số ca mắc đang gia tăng tại các khu vực này.

Cũng từ đầu tháng Chín tới, Slovakia sẽ cấm tổ chức các sự kiện ngoài trời với hơn 1.000 người, các sự kiện trong nhà với hơn 500 người tham dự, đồng thời yêu cầu các sự kiện nội bộ phải kết thúc trước 20 giờ hàng ngày.

Các học sinh từ lớp 5 trở lên sẽ phải đeo khẩu trang tại trường trong hai tuần đầu tiên của kỳ học bắt đầu từ ngày 1/9.

Các học sinh ít tuổi hơn sẽ đeo khẩu trang tại các khu vực chung của trường học.

Hiện, Slovakia đang áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu tại các cửa hàng, tòa nhà công cộng và các phương tiện giao thông công cộng./.


Nguồn: Báo VietnamPlus