Phòng gym ở Nhật Bản sáng đèn xuyên đêm

ngày 15/07/2022

Để phục vụ nhu cầu tập luyện thể dục ngày càng tăng và khung giờ tập linh hoạt, nhiều phòng gym ở Nhật Bản hoạt động 24/7.

Mỗi tuần 2 lần, lúc mặt trời vừa ló rạng, Maiko Fujita rời khỏi giường để đến phòng tập thể hình, trong khi chồng và con gái vẫn còn say giấc nồng.

Nữ cán bộ nhân sự 47 tuổi tập luyện cho các cuộc thi đi bộ đường dài và tham gia câu lạc bộ thể thao 24h cách đây một năm rưỡi. Cô duy trì thói quen tập luyện một tiếng với máy và đi bộ khoảng 1-2 tiếng trên máy chạy bộ.

"Tôi là người dậy sớm, và thật may mắn khi các phòng tập có thể mở cửa 24/7", cô nói với Japan Times.

Ngày càng nhiều phòng tập thể dục mở cửa 24h ở Nhật Bản.

Phòng tập mở cửa 24/7

Fujita làm việc tại nhà 4 ngày/tuần, theo kế hoạch làm việc từ xa mà công ty có trụ sở tại Tokyo của cô áp dụng suốt thời gian đại dịch. Mọi khoảng thời gian rảnh rỗi trong các chuyến công tác không thường xuyên, cô đều tận dụng để tập luyện tại các phòng thể dục khác nhau.

"Tôi từng là thành viên của một câu lạc bộ lớn, thường tổ chức các lớp thể dục nhịp điệu và yoga. Nhưng phải chơi và giao tiếp với nhiều thành viên khiến tôi mệt mỏi và quyết định bỏ. Tôi muốn một mình tập luyện trong yên bình", Fujita bày tỏ.

Fujita là một trong 650.000 thành viên của Anytime Fitness tại Nhật Bản, cũng là thị trường trọng điểm của chuỗi fitness lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới này.

Trong 5.000 địa điểm của hệ thống nhượng quyền kinh doanh phòng tập gym của Mỹ, có 1/5 số phòng tập trung tại Nhật Bản. Điều này phản ánh nhu cầu ngày càng tăng về các lựa chọn thể dục tiện lợi, giá cả phải chăng ở quốc gia đang có xu hướng xây dựng vóc dáng.

Nhiều người muốn tập luyện tự do hơn là tham gia các câu lạc bộ lớn.

Dave Mortensen, người đồng sáng lập và chủ tịch Self Esteem Brands, công ty mẹ của Anytime Fitness, cho biết: “Nhật Bản cho đến nay là thị trường lớn thứ hai mà chúng tôi tham gia".

Năm 2010, khi công ty này đến Nhật Bản, tổng số thành viên của CLB thể hình tư nhân là 3,99 triệu người, tương đương 3,17% dân số, theo tạp chí ngành Fitness Business.

Con số đó đã tăng lên 4,24 triệu người vào năm 2016 và đạt 5,55 triệu, tương đương 4,4% dân số, vào năm 2019. Tuy nhiên, đây vẫn là con số nhỏ về số người tập thể hình khi so với các quốc gia khác. Ví dụ ở Mỹ là 64,2 triệu người vào năm 2019, tương đương 19,6% dân số.

Cơ hội phát triển

Đại dịch tấn công, và những hạn chế sau đó về giờ làm việc cũng như biện pháp giãn cách xã hội đã tác động đến xu hướng tập thể dục ở Nhật Bản.

Theo Teikoku Databank, 26 nhà điều hành câu lạc bộ thể hình đã đóng cửa cơ sở hoặc phá sản vào thời điểm kết thúc năm tài chính hồi tháng 3/2021, con số cao nhất trong một thập kỷ.

Hơn 70% các công ty được liệt kê trong cơ sở dữ liệu có doanh số bán hàng giảm so với cùng kỳ năm trước do số lượng thành viên giảm, các CLB thể thao đóng cửa trong tình trạng khẩn cấp.

Nhiều người Nhật trẻ tuổi đang theo đuổi mục tiêu xây dựng cơ bắp, rèn luyện sức khỏe tại phòng tập gym.

Tuy nhiên, Fast Fitness Japan, công ty nhượng quyền chính của Anytime Fitness trên toàn quốc, đã vượt qua khủng hoảng và tiếp tục mở rộng.

Doanh thu khi kết thúc năm tài chính đã tăng 17,3% so với cùng kỳ, lên 13,1 tỷ yen (96,6 triệu USD), trong khi công ty đạt lợi nhuận ròng 1,7 tỷ yen trong cùng kỳ.

Atsuyuki Tsuchiya, chủ tịch Fast Fitness Japan, cho biết: "Trước ảnh hưởng của đại dịch, chúng tôi có lợi thế so với các câu lạc bộ thể thao đa chức năng quy mô lớn. Vì chúng tôi nhắm vào những người quan tâm đến tập luyện tự do với tạ và máy móc, nên có ít nguy cơ lây nhiễm virus giữa các thành viên hơn các CLB hoạt động theo nhóm".

Hệ thống nhượng quyền phòng tập thể hình này có nhóm khách hàng chủ yếu là giới trẻ, trong khoảng 20-40 tuổi, và 80% khách hàng là nam giới.

Mỗi phòng tập điển hình của Anytime Fitness ở Nhật Bản có diện tích 260-400 m2, cho phép kết hợp với các trung tâm thương mại.

"Điểm hòa vốn của chúng tôi là khoảng 500 thành viên, ít hơn nhiều so với con số 1.000 thành viên của các CLB thể thao lớn hơn", Tsuchiya nói.

Đại dịch đã thay đổi đáng kể thói quen hàng ngày của người dân, song dường như không thể dập tắt nhu cầu tập luyện thể thao và giữ gìn vóc dáng.

Theo một cuộc khảo sát hàng năm do Tổ chức Thể thao Sasakawa thực hiện từ năm 1992, ở Nhật Bản, số lượng người tham gia thể thao tích cực - nhóm tham gia tập thể dục ít nhất 30 phút, hai lần/tuần ở cường độ trung bình trở lên - đạt mức cao nhất mọi thời đại là 22,1% vào năm 2020.

Nguồn: zingnews.vn