Nhà không lối thoát, 'án tử' treo trên đầu

ngày 05/04/2021

"Tã giấy thì kinh khủng rồi, nó cháy nhanh và khói rất độc", đại úy Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng khoa Chữa cháy của Đại học PCCC, đưa ra nhận định đầu tiên về vụ hỏa hoạn tại cửa hàng bỉm sữa trên đường Tôn Đức Thắng (Hà Nội) khiến 4 người tử vong.

Có thói quen quay trở lại hiện trường các vụ cháy để thu thập chi tiết làm dẫn chứng cho sinh viên, đại úy Nguyễn Tuấn Anh đánh giá vụ hỏa hoạn đêm 4/4 hội tụ đầy đủ các yếu tố "khó nhằn" nhất với lính cứu hỏa.

Lính cứu hỏa bất lực

"Nó không giống như ở Rạng Đông khi đám cháy lớn, kéo dài cần huy động nhiều người và quan trọng yếu tố chiến thuật... Vụ cháy ở Tôn Đức Thắng không có gì phức tạp về chiến thuật. Ngay khi đến hiện trường, các chiến sĩ PCCC đã biết phải làm gì và đã làm hết sức có thể", đại úy Nguyễn Anh Tuấn nói với Zing.

Vấn đề ở đây là ngay khi ngọn lửa bùng lên đã ngăn cách các nạn nhân với lối thoát hiểm duy nhất. Số phận của họ coi như được định đoạt.

Tum của căn nhà bị cháy được quây kín khiến các nạn nhân không thể thoát ra. Ảnh: Hải Nam.

"Giống như vụ cháy tại Hải Phòng năm 2015, các nạn nhân trong gia đình đã chạy đến nơi xa ngọn lửa nhất có thể. Nhưng lửa cháy thốc dần lên. Họ co cụm lại bên nhau vào phút cuối", vị trưởng khoa chữa cháy nhận định.

Lúc các nạn nhân co cụm trong tuyệt vọng, lực lượng cứu hỏa phải đối mặt với một đề bài kinh điển của hỏa hoạn trong đô thị: Đám cháy vào ban đêm, lửa bít kín cửa chính, trong nhà nhiều đồ dễ cháy, sân thượng bị quây kiểu chuồng cọp.

Khó khăn đầu tiên là đám cháy xảy ra vào đêm. Lửa cháy om trong phòng kín không có người, đến khi nhiệt đã đủ, lửa cháy thốc lên thì mọi người mới nhận ra để gọi cứu hỏa.

Căn nhà số 311 Tôn Đức Thắng là dạng nhà ống có thiết kế rất ngặt nghèo. Gian bên ngoài là cửa hàng, gian bên trong cao 3 tầng là nơi ở và tích trữ hàng hóa, không có cửa thoát hiểm ở bên hông. Khi lính cứu hỏa tới nơi, họ nhận ra lửa đã bít kín cửa chính.

Hình ảnh cho thấy ngọn lửa bao trùm gác tum nơi các nạn nhân tử vong. Ảnh cắt từ clip.

Cả gia đình chỉ còn lựa chọn duy nhất là chạy lên gác tum. Tại nơi cách xa ngọn lửa nhất, 4 nạn nhân đã không thể đi xa hơn vì toàn bộ mái tum đã bị quây kín bởi tường gạch, song sắt và các tấm tôn.

Lửa đã lần theo từng bọc tã giấy được ních đầy trong căn gác nhỏ, bén dần lên các bậc cầu thang bằng gỗ. Ngay cả tầng tum nơi họ trú ẩn cũng chất đầy tã giấy.

"Họ có thể đã chết vì ngạt khói trước khi bị cháy, thường là vậy", đại úy Nguyễn Tuấn Anh nhận định và cho rằng ngày cả khi gia đình phát hiện hỏa hoạn sớm hơn, khả năng sống sót cũng rất thấp vì tầng tum không có lối thoát ra ngoài.

Theo hình ảnh người dân chụp lúc nửa đêm, khi lính cứu hỏa dập lửa từ cửa chính, quầng lửa đỏ rực đã nuốt chửng gác tum.

Làm gì để phòng ngừa hỏa hoạn?

Vụ cháy ở số 311 Tôn Đức Thắng chỉ là một trong rất nhiều vụ cháy kinh hoàng xảy ra tại các căn nhà ở kết hợp kinh doanh. Họ là hộ cá thể, không đăng ký doanh nghiệp nên khó lập hồ sơ quản lý.

Những hộ này cũng không thuộc đối tượng phải áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn PCCC nên vì quy định, nhà ở chỉ phải bố trí hệ thống điện, bếp đun nấu, nơi thờ cúng bảo đảm an toàn; các chất dễ cháy, nổ phải để xa nguồn lửa, nguồn nhiệt; chuẩn bị các điều kiện, phương tiện để sẵn sàng chữa cháy.

Do yêu cầu cấp thiết, Chính phủ đã ban hành nghị định 136/2020 thay thế nghị định 79/2014. Nghị định này đã giao cho chủ tịch UBND cấp xã, phường trách nhiệm quản lý PCCC với các căn nhà ở kết hợp kinh doanh có diện tích dưới 300 m2. Trường hợp các điều kiện phòng cháy không đảm bảo, chủ tịch phường, xã có quyền đình chỉ hoạt động của các hộ kinh doanh này.

"Nếu chủ hộ có ý thức đảm bảo phòng cháy chữa cháy, địa phương sát sao trong việc kiểm tra, xử phạt thì các vụ hỏa hoạn như tại số 311 Tôn Đức Thắng sẽ được giảm thiểu rất nhiều", vị trưởng khoa chữa cháy nhận định.

Bên trong căn nhà bị cháy chứa đầy hàng hóa, lối ra vào chật hẹp. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo đại úy Nguyễn Tuấn Anh, để thỏa mãn yêu cầu PCCC, chủ hộ sẽ phải trang bị thêm thiết bị báo cháy, chữa cháy, bố trí đủ lối thoát hiểm, sắp xếp hàng hóa hợp lý...

Các gia đình sẽ được khuyến cáo bố trí lối thoát hiểm. Nếu đằng sau bị chặn thì phải có lối thoát 2 bên hông, cả 3 mặt bị chặn thì phải có lối thoát trên tầng thượng. Hộ gia đình cũng nên sắm thiết bị báo cháy loại không dây (khoảng một triệu đồng/chiếc).

Kỹ năng thoát hiểm cũng rất quan trọng. Chuyên gia cho biế với người có kỹ năng, đôi khi họ chấp nhận băng qua đám cháy, chướng ngại vật, có thể bị bỏng nhưng giữ được mạng sống. Nếu cố chạy lên tum, gác xép nhưng ở đó không có lối thoát thì coi như "án tử".

"Điều đầu tiên và quan trọng nhất là đừng để xảy ra cháy. Trước khi đi ngủ, phải kiểm tra kỹ. Hộ kinh doanh thì phải để hàng hóa xa khỏi các thiết bị điện. Trừ tủ lạnh hay điều hòa là những thứ không thể ngừng hoạt động, còn hầu hết thiết bị điện nên dừng sử dụng vào ban đêm", đại úy Nguyễn Tuấn Anh khuyến cáo.

Khoảng 0h25 ngày 4/4, hỏa hoạn xảy ra tại nhà số 311 phố Tôn Đức Thắng, phường Hàng Bột, Đống Đa, Hà Nội. Gần 4h sáng, ngọn lửa mới được khống chế.

Cơ quan chức năng xác định vụ chạy khiến 4 người thiệt mạng gồm ông Nguyễn Thạc Thi (81 tuổi), Nguyễn Ánh Hồng (40 tuổi, con của ông Thi, đang mang thai khoảng 3 tháng), Đinh Hùng Vỹ (38 tuổi, chồng chị Hồng) và Đinh Hà Tuệ Mẫn (10 tuổi, con gái của chị Hồng và anh Vỹ).

Nguồn Zing