Tờ IBTimes (Mỹ) ngày 2-9 đưa tin Đức hôm 2-9 đã công bố chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo đó trở thành quốc gia châu Âu thứ hai sau Pháp chính thức đưa ra chiến lược cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Cụ thể, Đức hôm 2-9 đã công bố tài liệu có tên "Đức - Châu Âu - Châu Á: Cùng nhau định hình thế kỷ 21", chiến lược này sẽ cho phép Đức “đóng góp tích cực vào việc định hình trật tự quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.
Chiến lược hướng tới mục tiêu rõ ràng là “tăng cường các cấu trúc hợp tác quốc tế, đặc biệt là Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)” mà Đức muốn hợp tác chặt chẽ hơn trong tương lai. Mục tiêu quan trọng nhất của chiến lược là “đa dạng hóa” quan hệ đối tác và chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc cũng như tăng cường quan hệ với các đối tác trong khu vực.
Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết: “Sự thịnh vượng và ảnh hưởng địa chính trị của Đức trong những thập niên tới sẽ phụ thuộc vào cách Đức làm việc với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đó, hơn bất cứ nơi nào khác, là nơi hình dạng của trật tự quốc tế dựa trên luật lệ của ngày mai sẽ được quyết định. Chúng tôi muốn giúp định hình trật tự đó, dựa trên các quy tắc và hợp tác quốc tế, chứ không phải dựa trên luật của các nước mạnh”.
Theo IBtimes, bối cảnh và thời điểm Đức công bố chiến lược này rất đáng chú ý, đó là một ngày sau khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm 1-9 đến thăm Đức. Trước đó, ngày 1-7, Đức đã đảm nhận chức vụ Chủ tịch luân phiên Liên minh Châu Âu, điều này đặt Đức vào vị trí sẽ định hình cách tiếp cận của Liên minh châu Âu đối với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong tương lai.
Theo tài liệu, các cấu trúc địa chính trị dịch chuyển ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ tác động trực tiếp đến sự thịnh vượng và an ninh trong tương lai của Đức, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng quyết đoán và Mỹ gia tăng sự hiện diện tại khu vực. Quan hệ đối tác được cải thiện với các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ giúp Đức đối phó với nhiều thách thức toàn cầu do một Trung Quốc ngày càng hung hăng và tham vọng gây ra.
Ngoài ra, Đức có quan hệ kinh tế và thương mại với khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Châu Á từ lâu đã là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức bên ngoài Châu Âu, nền kinh tế Đức phụ thuộc nhiều vào chuỗi cung ứng và các tuyến đường biển giúp xuất khẩu ô tô và các hàng hóa Đức đến thị trường Châu Á.
Tuy nhiên, theo tạp chí The Diplomat, sự can dự của Đức tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể sẽ khác đáng kể so với các tiếp cận của Mỹ, vốn cũng đặt khu vực này vào trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia. Theo đó, chiến lược của Đức hướng tới mục tiêu “đa dạng hóa” quan hệ đối tác trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, so với chính sách phân tách kinh tế khỏi Trung Quốc của Mỹ.
Theo báo cáo của Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS hồi tháng 2, Trung Quốc chiếm 4/10 lượng xe Volkswagen bán ra trên toàn thế giới và gần 3/10 lượng xe bán ra của BMW và Mercedes-Benz. Do đó, Đức sẽ muốn duy trì mối quan hệ thương mại quan trọng này.
Tuy nhiên, dù có sự khác biệt nào với Mỹ, chiến lược của Đức là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang đánh giá lại cách tiếp cận của mình với Trung Quốc. Trong tương lai, các quốc gia châu Âu khác có thể sẽ tiếp bước Đức và Pháp trong việc tạo ra những con đường mới vào Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.