Theo ông Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp chưa thoát khó khăn nên mức tăng lương hợp lý chỉ khoảng 14%, thấp xa đề xuất của Tổng liên đoàn Lao động.
Lương tối thiểu cho khu vực doanh nghiệp (theo vùng) năm 2015 sẽ được Hội đồng tiền lương quốc gia bàn thảo trong cuộc họp diễn ra sáng 6/8. Theo đề xuất của Tổng Liên đoàn Lao động, lương tối thiểu vùng cần lên mức 3,4 triệu đồng một tháng vào năm 2015 (tăng 23% so với hiện nay). Tuy nhiên, theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc, điều chỉnh này cần phải căn cứ vào sức khỏe của doanh nghiệp và không ảnh hưởng đến việc làm.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng nên kéo giãn lộ trình tăng lương tối thiểu đến năm 2018, thay vì đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động là năm 2017 để doanh nghiệp có sức vươn lên. Ảnh: Nhật Minh |
- Tổng Liên đoàn Lao động đề xuất về lộ trình tăng lương tối thiểu đến năm 2017 với lý do để đảm bảo đời sống cho người lao động. Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, ông đánh giá thế nào về đề nghị này?
- Người lao động là tài sản quý giá. Chăm sóc quyền lợi cho họ không những là trách nhiệm xã hội mà còn là mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Do vậy, tăng dần mức lương tối thiểu, bảo đảm mức sống của người lao động ngày càng được cải thiện không chỉ là mong muốn của người lao động, của Chính phủ mà còn là của chủ doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh môi trường kinh doanh vẫn còn khó khăn, 6 tháng đầu năm có hơn 33.000 doanh nghiệp phải đóng cửa giải thể, trên 60% kinh doanh thua lỗ và hòa vốn, nếu tiền lương đột ngột tăng thêm 23% sẽ gây cú sốc cho doanh nghiệp. Lộ trình tăng lương tối thiểu phải tính đến việc đảm bảo sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Nếu không, tình trạng thất nghiệp sẽ gia tăng và chúng ta không có khả năng tạo thêm các cơ hội việc làm mới.
Vẫn biết đời sống của người lao động còn nhiều khó khăn, vẫn biết tiền lương tối thiểu chưa đảm bảo được cuộc sống tốt cho người lao động nhưng việc tăng lương phải phù hợp với điều kiện của nền kinh tế và sức chịu đựng của các doanh nghiệp.
- Mức tăng 23% được Tổng liên đoàn lý giải là để lương tối thiểu đáp ứng 80% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Vậy theo VCCI, mức tăng nên là bao nhiêu để hài hòa quyền lợi người lao động và doanh nghiệp?
- Việc Tổng liên đoàn đề xuất tăng lương tối thiểu cho người lao động là nhằm cải thiện đời sống cho người lao động. Tuy nhiên như tôi đã nói lộ trình từ nay đến năm 2015 tăng thêm 23% so với mức đang áp dụng ( vùng I đạt 3,4 triệu đồng và vùng 4 phải đạt 2,3 triệu đồng mỗi tháng) là chưa phù hợp. Chúng tôi đề nghị phương án lương trung bình năm 2015 tăng tối đa chỉ 14% so với năm 2014.
Trong bối cảnh lương tối thiểu của công chức khu vực Nhà nước chỉ tăng 100.000 đồng một tháng trong năm 2013 và chưa tăng trong năm 2014 thì việc tăng lương tối thiểu 14% trong năm 2015, nếu được thực hiện đã là một nỗ lực lớn của cộng đồng doanh nghiệp.
14% đủ bù cho mức tăng của giá cả sinh hoạt (dự kiến tăng 5% trong năm nay), 3% cho mức tăng năng suất và 6% để rút ngắn khoảng cách giữa mức lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Nếu theo phương án này, sau khi loại trừ yếu tố giá, thì mức tăng lương tối thiểu năm 2015 đã đạt gấp ba lần mức tăng năng suất (9% so với 3%).
Tôi cũng muốn lưu ý thêm rằng khi lương tối thiểu tăng 14% thì thực tế quỹ lương của doanh nghiệp chi trả cho người lao động tăng lên tới gần 20%, vì ngoài mức tăng lương, doanh nghiệp phải chi trả thêm mức đóng Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn, chi phí nhà xưởng, điện nước, khấu hao máy móc thiết bị…Đó là thách thức lớn mà các doanh nghiệp phải đương đầu và vượt qua.
Sau năm 2015, tùy thuộc vào tình hình kinh tế, mức độ tăng giá tiêu dùng và tốc độ tăng năng suất lao động, nếu trong các năm 2016, 2017, 2018 lương tối thiểu tăng bình quân khoảng 15% mỗi năm thì đến 2018 sẽ đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của người lao động. Điều này có nghĩa lộ trình tăng lương nên kéo dài thêm một năm so với đề xuất của Tổng Liên đoàn lao động nhằm kéo giãn thời gian cho doanh nghiệp có sức vươn lên.
Người lao động khó khăn, chật vật, nhưng doanh nghiệp lại đứng trước nguy cơ phá sản, tồn tại hay không tồn tại. Do vậy, lúc này cần sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ giữa lao động với người sử dụng lao động để cùng nhau vượt qua khó khăn. Người lao động và người sử dụng lao động đều trên một con thuyền, con thuyền chìm thì hai bên đều bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, việc nghiên cứu và khảo sát định lượng về mức sống tối thiểu ở Việt Nam cũng cần được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp và có cơ sở hơn.
- Theo ông, cần lưu ý gì khi quyết định chủ trương tăng lương cho người lao động?
- Hiện nay, số lao động trong doanh nghiệp có bảo hiểm xã hội chỉ khoảng 7,5 đến 8 triệu người, nhưng dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam lên tới 55-56 triệu người. Vì vậy, cùng với việc nâng cao lương tối thiểu, tạo điều kiện tốt hơn cho người lao động đang có việc làm, phải quan tâm để không làm mất cơ hội của một phần không nhỏ trong số gần 50 triệu người hiện còn đang làm việc trong khu vực phi chính thức hoặc nông nghiệp với năng suất thấp.
Theo kết quả nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về quan hệ giữa tiền lương và năng suất lao động thì Việt Nam là một trong số ít quốc gia đang có mức thu nhập cao hơn so với năng suất tạo ra. Trong khi đó, các quốc gia cạnh tranh chính của Việt Nam, kể cả các quốc gia có mức phát triển cao hơn như Thái Lan, Malaysia, Indonesia,… đều có mức thu nhập thấp hơn so với năng suất.
Do vậy, cần cân nhắc sao cho tăng lương không làm suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục khuyến khích và thúc đấy đầu tư trong và ngoài nước để có thể nhắm tới mục tiêu dài hạn là kinh tế phát triển mạnh, tạo việc làm nhiều hơn, qua đó có điều kiện tăng lương từ thực lực doanh nghiệp.
- Cần có thêm những hành động ra sao để doanh nghiệp Việt Nam có thêm thực lực để chủ động tăng lương, cải thiện đời sống cho người lao động?
- Trước hết, Chính phủ có thể giảm chi phí cho doanh nghiệp bằng cách tháo gỡ những khó khăn về thủ tục hành chính, chẳng hạn như thuế, hải quan, đất đai, xây dựng... Môi trường kinh doanh cũng cần minh bạch hóa, tạo thuận lợi và bình đẳng cho doanh nghiệp, giảm mạnh các chi phí không chính thưc, tháo gỡ những ràng buộc về số giờ làm thêm cho các doanh nghiệp trong một số ngành để đáp ứng yêu cầu thời vụ và đặc thù…
Bản thân doanh nghiệp cũng cần nâng cao năng lực quản trị, đổi mới công nghệ, nâng cao tay nghề của người lao động. Nếu không có giải pháp tích cực thì việc tăng lương này sẽ làm suy giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Tôi mong người lao động và tổ chức công đoàn sẽ hợp tác chặt chẽ với giới chủ trong các nỗ lực tăng năng suất, bảo đảm việc tăng tiền lương phải trên cơ sở tăng năng suất lao động và hiệu quả, để việc tăng tiền lương diễn ra đồng thời với việc mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều việc làm mới đàng hoàng cho người dân và cho nền kinh tế. Đó cần phải coi là mục tiêu quan trọng bậc nhất trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của chúng ta.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam vừa qua đã có văn bản gửi lên Hội đồng tiền lương quốc gia về phương án điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng năm 2015. Theo cơ quan này, tiền lương tối thiểu vùng năm 2014 chỉ mới đáp ứng từ 25 - 32% nhu cầu sống tối thiểu. Do vậy, cơ quan này đề xuất có lộ trình từ nay đến năm 2017 để thực hiện lộ trình tăng lương. Trước mắt, năm 2015 mức mức lương tối thiểu vùng I ở mức 3,4 triệu đồng một người mỗi tháng (tăng 23% so với hiện nay), vùng II là 2,9 triệu đồng, vùng III là 2,6 triệu đồng và vùng IV là 2,3 triệu đồng. Theo lộ trình, năm 2015 mức lương tối thiểu sẽ đáp ứng 80% nhu cầu sống tổi thiểu của vùng, tương tự năm 2016 đạt 90% và năm 2017 đạt 100%. |
Phương Linh
{fcomment}
-
Săn tìm bí kíp chụp ảnh đẹp hớp hồn của các 'travel blogger'
-
Trình diễn pháo hoa Đà Nẵng: Bí ẩn `Bản giao hưởng sắc màu`
-
Muốn hiểu bài, phải học thêm?
-
Đại gia Phú Thọ 'chốt' Mercedes-Maybach S680 hơn 26 tỷ chơi Tết
-
“Taxi Uber”: Hãy để người dân có quyền lựa chọn
-
Tràn lan khu du lịch sinh thái trái phép
-
Hai tấn ngà voi từ Nigeria về Đà Nẵng
-
Philippines cảnh báo Trung Quốc lập ADIZ ở Biển Đông
-
"Nền kinh tế Việt mang tính đầu cơ"
-
Vietjet Air thu 289 tỷ đồng từ bán mỳ tôm, gấu bông