Balkan - trung tâm chú ý của EU

ngày 10/03/2017

 Ngày thứ Năm (9/3), các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên EU nhóm họp tại Brussels trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh. 

Balkan - trung tâm chú ý của EU

Một trong những chủ đề chính trong chương trình nghị sự là cuộc bầu cử Chủ tịch Hội đồng châu Âu, tăng cường quốc phòng cũng như những vấn đề hội nhập châu Âu của các nước Tây Balkan.

Các nước Tây Balkan phải là một phần của quá trình hội nhập

Ngày 7/3, cuộc họp của các bộ trưởng quốc phòng, Thủ trưởng các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước EU, được tổ chức tại Brussels đã thảo luận về quá trình tăng cường chiến lược của khối trong chính sách an ninh và quốc phòng. Kết quả của cuộc họp là cơ sở để các nhà lãnh đạo của khối thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh vào ngày 9 - 10/3.

Còn nhớ, tại hội nghị thượng đỉnh ở Bratislava, được tổ chức vào tháng 12 năm ngoái, các nhà lãnh đạo của 28 nước đã nhất trí trên ba lĩnh vực nhằm tăng cường phòng thủ. Thứ nhất, thể hiện rộng rãi trong cuộc sống một chiến lược toàn cầu của EU. Thứ hai, các nhà lãnh đạo đã nhất trí tăng cường hợp tác với các tổ chức của NATO. Và cuối cùng là quyết định tăng ngân sách cho nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ quân sự.

Trong cuộc họp với các bộ trưởng Quốc phòng vào ngày 7/3, Đại diện cấp cao của EU về Ngoại giao và Chính sách An ninh Federica Mogherini đã chia sẻ ấn tượng của bà về chuyến thăm vào tuần trước tới khu vực Balkan. Trong suốt chuyến đi của mình, Federica Mogherini đã ghé thăm Montenegro, Macedonia, Serbia, Albania, Kosovo và Bosnia. Theo ghi nhận của Mogherini, các quốc gia trên phải nhận được “ủng hộ mạnh mẽ” từ EU.

Theo người đứng đầu ngoại giao châu Âu, vào thời điểm hiện tại, Balkan đang trải qua “những thách thức lớn ở trong nước, khu vực và toàn cầu”. Tuy nhiên, Mogherini cho rằng, các nước Balkan có đầy đủ cơ hội để vượt qua những thách thức ấy. “Khu vực này có đủ sức mạnh để đối phó với những khó khăn và khắc phục chúng, miễn là họ sẽ cảm thấy rằng họ đang ở trong xu hướng của quá trình hội nhập EU” - Federica Mogherini khẳng định.

“Tôi hy vọng rằng các bộ trưởng và các đại diện của Hội đồng châu Âu sẽ sẵn sàng để cung cấp cho các nước Tây Balkan một sự đảm bảo rằng họ là một phần của quá trình hội nhập” – Federica Mogherini nói. Trước đây, bà Mogherini từng nói rằng: “Các dự án của EU sẽ không trọn vẹn khi Serbia và các nước Tây Balkan khác không gia nhập gia đình của chúng ta”.

Tương lai nào cho các nước Tây Balkan?

Không nước nào trong số các nước Tây Balkan sẽ không trở thành một phần của EU trong tương lai gần - Người đứng đầu Trung tâm sắc tộc và các cuộc xung đột liên quốc gia, Viện Châu Âu, Viện HLKH Nga Pavel Kandel nói. “Khi Jean-Claude Juncker nhận vai trò Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã nói rõ: Trong nhiệm kỳ của ông (kết thúc vào năm 2019), việc mở rộng EU sẽ không xảy ra - Pavel Kandel nhắc lại. “Vì vậy, tất nhiên, quá trình hội nhập vẫn tiếp tục, các cuộc đàm phán với các ứng viên vẫn tiến hành, nhưng việc kết nạp họ vào khối trong những năm tiếp theo là không nên chờ đợi” - Pavel Kandel cảnh báo.

Chuyên gia này nói thêm rằng, khác với chính các nước Balkan, mục đích của EU không phải là việc kết nạp thêm các thành viên mới, còn quá trình hội nhập “là vũ khí mạnh nhất mà qua đó, EU có thể ảnh hưởng đến chính sách đối nội và đối ngoại của các quốc gia trong khu vực”.

Tuy nhiên, như ghi nhận của các nhà phân tích, khái niệm thành viên EU đã mất đi độ hấp dẫn như trước đây. Thoạt nhìn, hầu hết các nước vùng Balkan vẫn tuyên bố hướng tới mục tiêu gia nhập EU, tuy nhiên, uy tín và quyền lực của tổ chức này bắt đầu suy giảm. Theo các cuộc thăm dò dư luận xã hội, các nước, các tổ chức chống lại ý tưởng hội nhập với EU trong khu vực tăng lên.

Trong bối cảnh ấy, theo Pavel Kandel sẽ là khó hiểu khi các nhà lãnh đạo EU kêu gọi tăng cường hỗ trợ cho các nước Tây Balkan trong tiến trình hội nhập với châu Âu.

Ấy là chưa kể đến phản ứng gay gắt của Nga trước thái độ “quan tâm ngày càng tăng” của EU đối với các nước trong khu vực Balkan.

Theo các nhà phân tích, việc gia nhập EU của các nước Tây Balkan không phải là chuyện một sớm, một chiều.

Nguồn GDTĐ