Sơn nữ đánh mất tương lai vì ma túy, HIV

ngày 11/08/2014

Bố mất do bị sốc thuốc, một thời gian sau mẹ cũng ra đi vì căn bệnh HIV, để lại Lai với ông bà ngoại. Rồi tương lai như đám mây đen đổ sụp xuống cuộc đời cô gái khi em phát hiện ra mình bị nhiễm bệnh.

Sơn nữ làm tan nát gia đình vì ma túy

Một ngày đầu tháng 8, khi những cánh lá vàng úa bắt đầu lìa cành rơi xao xác trên con đường mòn dọc các ngọn núi ở miền tây Thanh Hóa, chúng tôi có dịp tìm về “chốn cũ” của những trùm ma túy, heroin người dân tộc Thái khi xưa để lật tìm về nhà của Kiều Thị Lai. Sinh ra trong một gia đình nghèo ở xã Thiết Ống (huyện Bá Thước, tỉnh Thanh hóa), cô sơn nữ Kiều Thị Lai là con thứ 2 trong một gia đình có 9 người con.

Kể lại câu chuyện tình đẹp của cô sơn nữ và anh lính biên phòng đã khiến họ nên duyên chồng vợ, bà Kiều Thị Quản (SN 1936, mẹ Kiều Thị Lai) vẫn không khỏi tiếc nuối.

Ngày đó Chu Văn Tuấn (quê ở Ba Vì, tỉnh Hà Tây cũ) là lính bộ đội biên phòng, khi đó Lai đang ở độ tuổi xuân thì (19 tuổi), dù không có sắc đẹp long lanh, nhưng bù lại là một tâm hồn trong sáng và mộc mạc của sơn nữ người dân tộc Thái. Trong những lần đi chăm em bị tai nạn ở bệnh viện Quân y biên phòng, Lai tình cờ gặp Tuấn khi Tuấn đang ở bệnh viện chữa bệnh khớp. Cảm mến người con gái chăm chỉ ngoan hiền, họ yêu nhau lúc nào không hay.

Sau đám cưới vào đầu năm 1983, Tuấn xuất ngũ rồi đi buôn. Hạnh phúc ngắn ngủi do Tuấn “chen chân” vào đường giây buôn bán ma túy từ Lào về Việt Nam. Tuấn bị công an bắt sau khi đã có 2 con trai.

Khi Tuấn mãn hạn tù, tưởng chừng đây sẽ là ngày sum họp của gia đình, vợ chồng làm lại từ đầu. Nhưng thay vì điều đó, Lai bỏ chồng, dắt theo con trai về nhà mẹ đẻ. Về ở được một thời gian ngắn, Lai lại đưa con đi làm ăn.

Sơn nữ đánh mất tương lai vì ma túy, HIV - 1

Bà Quản (mẹ trùm ma túy Kiều Thị Lai) đau xót và tiếc nuối khi nghĩ về người con gái của bà.

Xuống đến thị trấn Quan Sơn, nhờ vào cái bóng của em trai Kiều Văn Hùng, Lai bắt đầu hành trình trên cung đường miền tây Thanh Hóa (tuyến TP. Thanh Hóa - cửa khẩu Na Mèo) rồi cặp bồ với một lái xe ca. Cuộc tình thứ hai đến với Lai một cách chóng vánh, “rổ rá” cạp lại, từ mối quan hệ trước đây của người chồng cũ, Lai bắt mối buôn bán ma túy.

Lai mua nhà, góp tiền mua xe chạy tuyến miền tây Thanh Hóa. Làm một mình không đủ sức khi "thị trường" ngày càng mở rộng và món hời lại lớn, Lai kéo theo người em trai Kiều Văn Thế vào làm cùng.

Rồi đường dây buôn bán heroin của Lai bị lộ, Lai chuồn một mạch vào miền nam lẩn trốn sau khi đã cuỗm phần lớn tài sản. Người em trai bị bắt không lâu sau đó. Các con trai của Lai vì không muốn dính vào tai tiếng của mẹ, người thì bỏ về quê nội, người bỏ đi làm ăn xa. Ba năm sau, Kiều Thị Lai bị bắt giữ trong một lần lộ diện tại Kiên Giang.

Hôm gặp chúng tôi, bà Quản vẫn ngẹn ngào tiếc nuối, giá như bà giữ được Lai chặt hơn, cũng chỉ tại bố thì mất sớm, bà thì không dạy bảo được con nhiều.

"Gia đình có bao nhiêu vốn liếng, tôi cũng chia cho Lai phần nhiều hơn. Biết được cái vết ố của chồng, nó đáng ra phải tránh xa bùn lầy, nào có ai dè. Tôi cũng đã khuyên nhủ nó trở về với chồng, rồi cho ít vốn làm ăn, nhưng nó không nghe mà kiên quyết bỏ đi. Nào có ai ngờ nó làm chuyện dại dột đến như vậy. Giờ đây thì tan cửa nát nhà vì ma túy, chỉ có tội thằng Hùng suốt ngày phải lo cho chị`, người mẹ già nói.

Những phận đời nghiệt ngã trong vòng quay của ma túy, HIV

Bản Khằm xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa) một buổi chiều cuối xuân, con đường lầy lội và trơn trượt sau cơn mưa phùn cuối tháng 3.

Gặp chúng tôi khi một mình ngồi băm rau lợn, bà Cao Thị Hội (SN 1944), vội vàng dẹp bỏ công việc mời khách vào nhà. Rót ly nước trà ra mời khách, bà kể lại ký ức buồn của mình trong suốt nhiều năm qua. Bà sinh được 5 người con thì 2 người chết vì HIV bập vào ma túy. Chúng nó bỏ bà đi, để lại sau lưng là những đứa trẻ. Đã 10 năm nay bà “quằn quại” trong nỗi đau của ma túy và HIV, chồng bà cũng vì thương nhớ con mà lâm bệnh mà qua đời.

Từ ngày chồng con lần lượt dắt díu nhau “đi theo Giàng", người phụ nữ Thái đã gồng mình che chắn điều tiếng của cuộc đời, bươn chải kiếm tiền chăm sóc con cháu. Rồi thời gian cũng dần dần giúp bà hàn gắn lại nỗi đau khi các cháu khôn lớn và đỡ đần được bà nhiều công việc hơn. Cánh cửa phía trước tưởng như tối xầm trước mặt, nay đã le lói niềm hy vọng khi các cháu xét nghiệm âm tính với HIV, căn bệnh đã khiến những người con trai của bà phải "về với Giàng" khi tuổi còn xuân.

Ở cái xã mang tên Hồi Xuân, cái tên đẹp và nghe quyến rũ này, lại là nỗi ám ảnh về ma túy, HIV. Nó từng là nơi gieo rắc nỗi kinh hoàng của con người về những cái chết trắng.

Hậu quả của tệ nạn và căn bệnh thế kỷ này đang hằn lên vai và đè bẹp tương lai những đứa trẻ. Trường hợp gia đình cháu Hà Thị Trang (SN 2003), bố mẹ em lần lượt bỏ hai chị em “đi theo Giàng".

Bà Cao Thị Thi năm nay đã bước sang tuổi 70, sức đã yếu. Từ sau khi con rể mang con gái "đi vào rừng ma", ba bà cháu lại nương tựa vào nhau mà sống.

Giờ đây trong ngôi nhà sàn trống trải, bà vẫn đau đáu nỗi niềm “muốn giữ cho ngọn lửa trong nhà mình không bao giờ tắt, để sưởi ấm chở che cho các cháu bé bỏng. Không biết rồi đây chúng sẽ ra sao khi không còn bà trên cõi đời này nữa…” nói rồi bà lại rưng rưng ngẹn ngào lấy khăn tay lau nước mắt.

Sơn nữ đánh mất tương lai vì ma túy, HIV - 2

Bà Thi lo lắng ngọn lửa giữ ấm cho ngôi nhà và nỗi đau mà bé Trang đang phải gánh chịu do bố mẹ cháu gây ra.

Bố mẹ mất khi bé Trang mới tròn 7 tuổi, lúc ấy cháu mới đi học lớp 1. Hằng đêm nằm ôm các cháu vào lòng mà bà không khỏi xót xa. May mắn là bé Hà Thanh Oai xét nghiệm âm tính với HIV, nên những ngày bà Thi đổ bệnh, Oai đứng ra cáng đáng giúp công việc nhà. Dù tuổi đã lớn, vừa học xong lớp 12 nhưng khi hỏi chuyện tương lai, Thanh Oai không có dự định gì ngoài việc cố gắng làm sao đi làm kiếm được mỗi ngày vài bó rau xanh, ít gạo trắng để 3 bà cháu có thể sống được qua ngày và hỗ trợ cho em gái học hành cho xong.

Mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình mình, Thanh Oai lại cúi mặt quay đi che giấu cảm xúc và những dòng nước mắt chực trào ra từ khuôn mặt xinh đẹp như đóa hoa rừng của em. Oai lại thấy xót xa cho người em gái tuổi còn nhỏ đã phải mang trên mình nỗi đau về AIDS.

Theo thống kê từ năm 2006 đến nay của trung tâm Y tế huyện Quan Hóa, trên địa bàn huyện số người nhiễm HIV còn sống là 374 người, số người đã chết là 218 người, số người đang được điều trị ARV là 294 người. Số trẻ em bị ảnh hưởng là 407 cháu (trong đó có 21 cháu đã bị nhiễm), có 3 trường hợp đã chết, số trẻ đang điều trị là 18 cháu.

"Cơn lũ" ma túy và HIV cướp đi những người trụ cột, làm xiêu vẹo những ngôi nhà sàn, lấy đi ngọn lửa trong nhiều nóc nhà người Thái nơi bản Poọng. Người thì chết vì nghiện ngập, vì HIV, kẻ thì bị bắt và trả giá trong tù, để lại những đứa trẻ sống lay lắt dưới sự che chở yếu ớt của các cụ già đã hết sức lao động. Đón đọc Kỳ cuối:"Ở nơi cơn lũ ma túy và HIV đi qua" vào 19h ngày 11/8.

nguồn: 24h.com.vn

{fcomment}