Mỹ nên dừng đưa quân tới vùng Vịnh trước khi quá muộn
Bộ Ngoại giao Nga ngày 20-6 cảnh báo việc triển khai quân tới Vịnh Ba Tư có nguy cơ kích hoạt “thùng thuốc súng” ở khu vực đầy biến động này, nơi căng thẳng đang dâng cao. Bộ Ngoại giao Nga khuyên Mỹ nên dừng lại “trước khi quá muộn”, theo hãng tin RT.
Nga hy vọng rằng việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Trung Đông “sẽ không trở thành việc một tia lửa tạo ra một đám lửa”, nếu không, tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov nói với báo giới ngày 20-6.
“Làm khu vực trở nên bất ổn là rất nguy hiểm. Bất kỳ ai dễ dàng thực hiện những hành động như vậy nên chấm dứt và sử dụng lương tri… trước khi quá muộn”, ông Ryabkov cảnh báo.
Cảnh báo trên đưa ra trong bối cảnh Mỹ triển khai các khí tài quân sự ở vùng Vịnh. Tháng trước, Lầu Năm Góc đã triển khai một khẩu đội tên lửa Patriot, các máy bay ném bom hạt nhân và một nhóm tác chiến tàu sân bay tới khu vực. Washington viện dẫn lý do là mối đe dọa gia tăng từ Iran.
Ông Putin cảnh báo Mỹ dùng vũ lực với Iran sẽ là thảm họa
Trong buổi giao lưu trực tuyến với người dân ngày 20-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng thật khó suy tính được cách đáp trả của Iran đối với một cuộc xâm lược tiềm tàng từ Mỹ, thêm rằng việc Mỹ dùng vũ lực với Iran có thể mang tới “thảm họa” cho toàn bộ khu vực Trung Đông.
Có nhiều ý kiến ở Mỹ kêu gọi dùng hành động quân sự đối với Iran, nhưng hy vọng rằng một kịch bản như vậy không bao giờ xảy ra, ông Putin cho biết. Tổng thống Putin cảnh báo một cuộc tấn công toàn diện đối với Iran có thể “dẫn đến thảm họa trong khu vực” vì điều này sẽ châm ngòi bạo lực, và có thể làm gia tăng người tị nạn từ khu vực này.
Ngoài ra, bất kỳ ai cố gắng thực hiện điều này cũng sẽ trả giá, ông Putin cảnh báo.
Tổng thống Nga cho rằng hậu quả của hành động quân sự sẽ rất nghiêm trọng vì không một ai có thể dự đoán được những hệ lụy tiếp diễn sau khi hai bên động binh.
Tình hình Mỹ - Iran ngày càng trở nên căng thẳng sau khi Tehran ngày 20-6 tuyên bố họ đã bắn rơi máy bay không người lái (UAV) trinh sát RQ-4 Global Hawk của Mỹ với cáo buộc máy bay này xâm nhập vào không phận nước mình. Quân đội Iran nói rằng động thái này nhằm gửi thông điệp rõ ràng tới Mỹ rằng Tehran sẽ phản ứng mạnh mẽ trước mọi khiêu khích.
Hãng tin Reuters sau đó dẫn nguồn một quan chức Mỹ xác nhận vụ việc, tuy nhiên máy bay bị bắn rơi là máy bay không người lái MQ-4C Triton và bị tên lửa phòng không Iran bắn hạ khi đang bay trong không phận quốc tế trên eo biển Hormuz.
Theo kênh CNBC, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-6 nói rằng Iran đã phạm sai lầm lớn khi bắn hạ UAV, song ông cho rằng đây có thể là sai sót cá nhân.
“Thật khó để tin rằng hành động này là do cố ý. Tôi nghĩ họ đã phạm sai lầm, tôi không nói đất nước này phạm sai lầm. Tôi nghĩ có ai đó mắc sai lầm trong việc bắn hạ chiếc UAV”, Tổng thống Trump nói tại Nhà Trắng trong cuộc gặp với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.
Trả lời phóng viên sau đó về việc liệu Mỹ có tấn công Iran để trả đũa việc bắn hạ UAV hay không, Trump đáp: "Mọi người sẽ sớm biết thôi".
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 19-6 nói Mỹ không muốn chiến tranh với Iran sau khi tuyên bố đưa hơn 1.000 quân đến Trung Đông trong bối cảnh căng thẳng với Iran leo thang sau vụ hai tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật và Front Altair của Na Uy bị tấn công bằng chất nổ sáng 13-6 trên vịnh Oman.
Hãng tin AP dẫn lời ông Pompeo cho biết việc đưa quân đến Trung Đông chỉ là biện pháp ngăn chặn các mối đe dọa từ Iran.
"Tổng thống Donald Trump không muốn chiến tranh với Iran, chúng tôi sẽ tiếp tục truyền đi thông điệp đó trong khi làm mọi cách để bảo vệ lợi ích của Mỹ tại khu vực" - ông Pompeo nói, cho biết Mỹ sẵn sàng phản ứng trước bất cứ cuộc tấn công nào nhắm vào lợi ích của Mỹ, hoặc cản trở tuyến vận tải hàng hải quốc tế đi qua khu vực.