'Lựa chọn số phận' đã hoàn thành 'số phận' của mình một cách tốt nhất

ngày 02/10/2020

Kết quả đẹp này là sự cộng hưởng bởi nỗ lực hết mình của cả "ekip" sản xuất cùng với những khen chê đóng góp của khán giả, tưởng thưởng cho những người “dám” dấn thân chọn dòng phim được đóng mác khô và khó.

Diễn viên Khuất Quỳnh Hoa

Trung tâm sản xuất phim truyền hình Việt Nam đem thế mạnh khai thác đề tài chính luận để đưa vào làm bộ phim khai thác đề tài là nghề thẩm phán với những vui buồn và góc khuất không mấy ai tường tận. Một bộ phim mà từ đầu chủ đề đã được mặc định khô khan thì làm sao để thu hút được khán giả, vẫn đảm bảo tính chân thực, tinh thần chủ đạo mà vẫn tròn nét nghệ thuật là thách thức với những người làm phim.

Nếu như trước đây, khán giả đã quen với công việc của kiểm sát viên trong phim “Sinh tử”, ngành công an trong series phim “Cảnh sát hình sự”, “Chạy án”, “Mê cung” thì lần đầu tiên nghề thẩm phán sẽ được khắc họa cụ thể trong “Lựa chọn số phận”. Không chạy theo nội dung của các bộ phim giàu tính giải trí, “Lựa chọn số phận” được xem là "hàng hiếm" của phim Việt hiện nay khi chọn đề tài khó nhất là “chính luận – Tòa án”

Đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong và Nhà biên kịch Đặng Minh Châu

Đây là bộ phim thiên về mô tả một nghề nghiệp đặc trưng nhưng dưới cách kể chuyện sáng tạo và đầy cá tính, đạo diễn, NSƯT Mai Hồng Phong đã tạo ra sức hút rất riêng cho “Lựa chọn số phận". Khán giả bị cuốn hút vào những tình tiết rất đặc trưng của nghề thẩm phán, những lắt léo, nút thắt, những tình huống kịch tính đến nghẹt thở trong từng vụ án. Đan xen vào đó là câu chuyện về tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, những ứng xử rất đời trong gia đình và xã hội. Thế nên, dù là phim chính luận nhưng “Lựa chọn số phận” trở thành "hàng độc" thu hút khán giả suốt 3 tháng qua.

Bộ phim ban đầu có tên “Người nối nghiệp”. Đoàn làm phim mong muốn truyền đi thông điệp, khắc họa đậm nét hình ảnh cao đẹp của người thẩm phán, một chức danh tư pháp cao cả mà Đảng, Nhà nước giao phó với tinh thần thượng tôn pháp luật, có bản lĩnh chính trị, tận tâm, vượt qua những khó khăn, cạm bẫy, quyết chiến chống tội phạm, vì sự công bằng của xã hội.

Các diễn viên bị nhiều vết thương trầy, xước do cảnh đánh đấm đều phải diễn thất

Phim về ngành tư pháp, luật pháp nói chung vẫn luôn được xem là khô khan, với những buổi xét xử trên tòa án lạnh lẽo, hồ sơ và giấy tờ hành chính nặng nề. Thực tế, ngay từ nội dung phim, người ta cũng dễ dàng nhận thấy đây không phải là tác phẩm "đại chúng" và sẽ kén người xem. Phim vừa lên sóng vài tập đã bị chê bai, thậm chí dàn diễn viên cũng bị nhận xét là đang cố gồng mình, chưa thoát vai. Một số ý kiến cho rằng kịch bản thiếu chặt chẽ như: phim về ngành Tòa án, nhưng ba cơ quan tố tụng: Công an - Viện kiểm sát - Tòa án luôn có mối quan hệ độc lập mà lại mật thiết với nhau chưa được phản ánh rõ nét.

Hai nhân vật Cường - Trang

Cũng có ý kiến cho rằng, Biên kịch - Đạo diễn - Cố vấn phim nên chọn một vụ trọng án: kinh tế, ma túy, giết người... có tính chất phức tạp; đan xen các mối quan hệ xã hội chồng chéo, đòi hỏi bản lĩnh đối đầu, đối trọng giữa các thế lực sẽ gay cấn, hấp dẫn hơn. Lấy vụ tai nạn giao thông, thuộc nhóm tội danh vô ý làm chết người, nếu giải quyết tốt về dân sự có thể được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự để thẩm phán Cường phải "lựa chọn số phận", phần nào khá khiên cưỡng. Việc khen chê của khán giả là chuyện bình thường nhưng cũng gây ảnh hưởng ít nhiều đến tâm lý của các thành viên trong đoàn.

Bản thân các diễn viên tham gia bộ phim cũng không hề dễ dàng. Nữ diễn viên Phương Oanh cho biết, không chỉ riêng cô các diễn viên trong phim đều có những cảnh quay nguy hiểm như đánh đấm, bị người nhà hành hung... vì phải diễn thật nên ai cũng có vết bầm, trầy xước ở cơ thể.

Việc thu âm trực tiếp, nhất là những câu thoại có những từ ngữ chuyên ngành hay các điều luật vài trang giấy khiến cho diễn viên gạo cội như NSND Mạnh Cường hay diễn viên nhiều kinh nghiệm như Khuất Quỳnh Hoa cũng gặp không ít khó khăn, bởi nếu sai một câu thoại, cả đoàn làm phim phải thực hiện lại. Đặc biệt, cảnh quay phiên xử căng thẳng tại tòa, họ phải tập trung cao độ để giữ được mạch cảm xúc liên tục.

Diễn viên Hà Việt Dũng cũng cho hay, khi vào vai một thẩm phán lời nói lại càng quan trọng hơn bất cứ ai. Không chỉ thuộc kịch bản mà phải hiểu bản chất của từng câu chữ, điều chỉnh giọng nói thế nào để nổi bật được cái "uy" của một người thẩm phán.

Một khó khăn nữa cho đoàn phim là cuối tháng 7, khi đợt dịch COVID-19 bùng lên lần hai tại Việt Nam cũng khiến cả ê-kip chịu không ít ảnh hưởng. Để đảm bảo lịch lên sóng 5 tập/1 tuần của "Lựa chọn số phận", Ban lãnh đạo VFC đã quyết định thành lập 2 ekip sản xuất song song: Một kíp cùng NSƯT Mai Hồng Phong tiếp tục quay như bình thường và một kíp nữa cũng đầy đủ các thành phần do đạo diễn Bùi Quốc Việt chủ trì. Họ được phân công, chia cảnh, chia tập để đảm bảo khâu sản xuất thống nhất về đường dây kịch bản, nhân vật. Đây được coi là phương án hiệu quả vừa đảm bảo quy trình sản xuất, tiến độ phát sóng và chất lượng của bộ phim vừa có thể đối phó với tình huống nguy cơ của dịch COVID-19.

Địa bàn Hòn Đụng

Hầu như các đại cảnh, đoàn làm phim không thể tổ chức như dự tính ban đầu. Quay ở nội thành không phải ai cũng dám cho mượn bối cảnh trong thời điểm lo lắng dịch bệnh, nên đoàn phim buộc phải đi xa, chọn những nơi đồng vắng, ít dân cư để thực hiện. Theo anh Nguyễn Bá Thành, tổ chức sản xuất phim “Lựa chọn số phận”, một số bối cảnh phim buộc phải thay đổi do chủ nhà từ chối khéo, lấy lí do sắp bán nhà, hết hợp đồng hay chuẩn bị đổi nhà.

Sau tất cả những khó khăn, thử thách ấy, "Lựa chọn số phận" vẫn cần mẫn tiến về phía trước và từ từ chinh phục khán giả. Theo chia sẻ từ VFC, “Lựa chọn số phận” là một trong những bộ phim càng về sau rating càng cao, có tuần phim đã thu hút khoảng gần 900 nghìn lượt xem online. Trên fanpage của “Lựa chọn số phận”, khán giả chia sẻ nhiều ý kiến rất cụ thể, chứng tỏ họ theo dõi phim rất đầy đủ và kĩ càng: "Phim chính luận nhưng làm rất mềm mại, cuốn hút, diễn xuất tự nhiên"; "Bối cảnh tòa án Việt Nam nhìn sơ sài chứ không được đẹp như phim nước ngoài nhưng chân thật và hay"…

Để có được thành quả ấy, ngay từ khâu kịch bản, “Lựa chọn số phận” đã phải “vượt khô” bằng cách khéo léo lồng thêm các mối quan hệ gia đình, tình yêu và các vụ bê bối, thủ đoạn, mối quan hệ, cách hành xử của giới giang hồ... đằng sau các vụ án.

Biên kịch Đặng Minh Châu - một người chuyên viết kịch bản cho dòng phim chính luận, đã mất nhiều công sức cho kịch bản “Lựa chọn số phận”. Ông cho biết, đau đầu nhất là lựa chọn cách tiếp cận đề tài để làm mềm hóa nội dung, phù hợp với mọi đối tượng khán giả của màn ảnh nhỏ. Bản thân ông đã dành nhiều thời gian đi thực tế tại các tòa án địa phương, rồi tính toán lựa chọn các vụ án vừa phải phù hợp với nhân vật, vừa mang tính xã hội sâu rộng (như án li hôn) và các vụ án có tính cá biệt được dư luận quan tâm. Quan trọng nhất là tất cả những nội dung đó phải đảm bảo tính chính luận nhưng vẫn hấp dẫn về mặt giải trí.

“Lựa chọn số phận” cũng là một trong những bộ phim có nhiều tuyến nhân vật, lượng diễn viên tham gia rất đông. Những tập phim đều xoay quanh việc xử án, mỗi vụ án là một nội dung khác nhau với hàng loạt nhân vật liên quan: li hôn, đánh bạc, lái xe đâm chết người…

Dàn diễn viên chính đã làm “tròn vai” nhưng các tuyến nhân vật phụ cũng gây ấn tượng tốt. Vụ án mở màn là cuộc li hôn của vợ chồng Tình - Xuân (hai diễn viên Phan Anh và Khuất Quỳnh Hoa đóng) để lại nhiều ấn tượng mạnh cho người xem.

Dõi theo những phiên tòa, xem cách mà thẩm phán Cường làm việc, hẳn không ít khán giả mong mỏi ngoài đời ngày càng có nhiều thẩm phán có năng lực và tính cách tốt đẹp như thẩm phán Cường trong phim. Và thông điệp của bộ phim, đúng như tên gọi của nó “Lựa chọn số phận”: mỗi người có một số phận khác nhau, bắt nguồn từ tính cách, sự lựa chọn của chính họ, điều quan trọng là dù số phận thế nào cũng không được đánh mất niềm tin vào cuộc sống, tình yêu và những giá trị chân - thiện – mĩ.


Nguồn: Báo CL&XH