Lãnh đạo Bộ Y tế: Rất khó kiểm soát dịch COVID-19 trong năm 2021

ngày 16/04/2021

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định việc kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong năm 2021 rất khó khăn với tất cả các nước, trong đó có Việt Nam.

Thông tin trên được đưa ra sáng 16/4, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch COVID-19 nhằm triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia.

Hiện tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới và trong khu vực, trong khi Việt Nam vẫn tổ chức các chuyến bay đưa người Việt về nước song song với thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, do đó, nguy cơ có thể xảy ra dịch ở Việt Nam là rất lớn. Điều này đã được Bộ Y tế, các chuyên gia hàng đầu liên tục cảnh báo. Lãnh đạo Bộ Y tế một lần nữa yêu cầu các địa phương không được chủ quan, lơ là, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát dịch.

Tới đây, Bộ Y tế - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 tiếp tục tăng cường chỉ đạo, tổ chức các đợt kiểm tra, giám sát các khu vực có nguy cơ cao. Bộ Y tế đề nghị lực lượng biên phòng tăng cường chỉ đạo giữ vững, giữ chắc khu vực biên giới; ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép. Ban chỉ đạo Quốc gia đã có văn bản chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép.

Nhắc lại những kinh nghiệm được đúc rút từ thực tiễn phòng chống dịch trên bình diện quốc gia và tại các địa phương cụ thể, lãnh đạo Bộ Y tế đề cập đến bài học về cách ly tập trung, truy vết, xét nghiệm, điều trị (thành lập bệnh viện dã chiến)… và cho rằng những kinh nghiệm này rất quý với tất cả các địa phương kể cả những tỉnh/thành có nguy cơ thấp.

Cách ly là vấn đề đầu tiên được lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh. Theo đó, thực tế thời gian qua, khi có dịch xảy ra, đây là khâu các địa phương thường lúng túng, đặc biệt khi phải thực hiện trên quy mô lớn, với hàng nghìn người trong thời gian ngắn.

Khẳng định việc lập kế hoạch chuẩn bị cho cách ly và cách ly tập trung rất quan trọng, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh chỉ có cách ly tập trung mới ngăn chặn mầm bệnh lây lan cộng đồng. Vì thế, Việt Nam tuân thủ chiến lược "không nhân nhượng với cách ly tập trung F1". Thực tiễn tại Đà Nẵng, Hải Dương và địa phương khác đã chứng minh điều này. Nếu chỉ cách ly tại cộng đồng, việc ngăn chặn nguy cơ lây lan sẽ khó khăn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bộ Y tế lưu ý, các vấn đề về xét nghiệm, phong toả, điều trị (lập bệnh viện dã chiến)… phải được chuẩn bị chủ động, chu đáo về cả cơ sở vật chất, nhân lực… tránh sự luống cuống khi dịch xảy ra.

Đặc biệt, cần có sự điều phối mạnh mẽ trong sử dụng nhân lực y tế, tập huấn tại các tuyến về thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, điều trị, truy vết, khoanh vùng, cách ly...

Lãnh đạo Bộ Y tế cũng nhấn mạnh việc cách ly chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát dịch COVID-19. Nếu buông lỏng, để xảy ra tình trạng lây nhiễm cộng đồng, đặc biệt với các biến chủng mới của Anh và Nam Phi thì việc kiểm soát dịch sẽ rất khó khăn.

Đặc biệt, từ bài học kinh nghiệm một số quốc gia trong khu vực, lãnh đạo Bộ Y tế yêu cầu tăng cường tầm soát phát hiện các ca nhiễm; các địa phương cần lên kế hoạch xét nghiệm tại các khu vực có đối tượng có nguy cơ cao.

Nguồn Tienphong