Hướng dẫn thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19

ngày 27/02/2020

Theo Dự thảo Thông tư, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có thể được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã ký do chịu ảnh hưởng bởi dịch covid – 19.

Theo đó, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay đối với các khoản nợ phát sinh nhưng chưa chuyển nợ quá hạn mà khách hàng được đánh giá không có khả năng trả đầy đủ nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng đã kí do chịu ảnh hưởng bởi dịch covid – 19.

Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại nợ đã chuyển nợ quá hạn trong khoảng thời gian từ ngày 23/1/2020 đến ngày thông tư được kí ban hành do chịu ảnh hưởng bởi dịch covid – 19.

Tổng thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo qui định trên không vượt quá thời gian cấp tín dụng ban đầu theo hợp đồng đã kí.
Đồng thời, đối với phần dư nợ của các khoản nợ nêu trên, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo qui định của Ngân hàng Nhà nước tại thời điểm gần nhất trước thời điểm ngày 23/1 mà thời hạn trả nợ gốc và/hoặc lãi trong khoảng từ ngày 23/1 đến thời điểm liền sau 90 ngày kể từ ngày cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố hết dịch covid – 19.

Khoản dư nợ này bao gồm cả phần dư nợ đã cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi vay trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến ngày thông tư này có hiệu lực thi hành và đã chuyển nhóm nợ tại qui định về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng để xử lí rủi ro tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng ban hành.

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quyết định, chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ theo qui định.

Trước đó, ngày 24/2, NHNN có văn bản gửi các tổ chức tín dụng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc triển khai các giải pháp hỗ trợ khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. NHNN cho biết dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động tín dụng của hệ thống ngân hàng.

NHNN đề nghị các ngân hàng chủ động nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, rà soát, đánh giá mức độ thiệt hại, ảnh hưởng do dịch Covid-19 của khách hàng đang vay vốn.

Qua đó, các ngân hàng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đối với các khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và có dư nợ gốc và/hoặc lãi đến kỳ hạn trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày 23/1 đến 31/3 cho đến khi NHNN ban hành Thông tư hướng dẫn về vấn đề này. Bên cạnh đó, các ngân hàng cho vay mới đối với khách hàng theo quy định để ổn định sản xuất kinh doanh.

Theo yêu cầu của NHNN, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ phải đảm bảo các yêu cầu là thực hiện trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về mức độ thiệt hại, ảnh hưởng, khả năng tài chính, trả nợ của khách hàng sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Các ngân hàng, tổ chức tín dụng cần có hướng dẫn triển khai nội dung này thống nhất trong toàn hệ thống, trong đó quy định cụ thể về tiêu chí xác định khoản nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; nội dung kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.

Các tổ chức tín dụng phải tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo chặt chẽ, an toàn, đúng đối tượng; phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng cơ chế để phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cũng đã chỉ đạo các ngân hàng bảo đảm tránh việc lợi dụng cơ chế hỗ trợ làm ảnh hưởng tới thị trường tín dụng cũng như việc phân loại, xử lý nợ xấu. NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại trong trường hợp bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Theo ông Tú, thanh khoản của các ngân hàng thương mại vẫn dồi dào, không có hiện tượng thiếu vốn. Do vậy, các ngân hàng thương mại không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động.

Lãi suất huy động và cả lãi suất cho vay đang có chiều hướng điều chỉnh giảm gần đây để chia sẻ khó khăn với khách hàng.


Nguồn: Báo Đầu Tư