Quan hệ kinh tế Việt-Trung sau một phần tư thế kỷ

ngày 04/11/2015

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch đạt gần 60 tỷ USD năm 2014 và nhà đầu tư lớn thứ 9 trong 105 nền kinh tế.

Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào tháng 11/1991, từ đó đến nay, thương mại, đầu tư giữa hai nước được khôi phục nhanh chóng và ngày càng phát triển. Hiện hai nước đã ký với nhau Hiệp định thương mại song phương và là thành viên trong Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đang đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn điện khu vực (RCEP).

24 năm qua, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc đã tăng gấp hơn 1.930 lần, từ mức hơn 30 triệu USD năm 1991 lên tới 58,6 tỷ USD năm 2014. Trong đó, cán cân thương mại ngày càng nghiêng về hướng có lợi cho Trung Quốc. Gần 15 năm qua, nhập siêu từ quốc gia này liên tục tăng, từ mức 190 triệu USD năm 2011 lên 28,8 tỷ USD năm 2014 và 9 tháng đầu năm 2015 đạt tới 24,3 tỷ USD, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê.

quan-he-kinh-te-viet-trung-sau-mot-phan-tu-the-ky

Đơn vị: tỷ USD. Nguồn: GSO

Việt Nam chủ yếu xuất sang Trung Quốc các loại khoáng sản như dầu thô, than đá và một số loại nông sản như rau quả, gạo, sắn... (tương đương khoảng 5-6 tỷ USD trong năm 2014). Tuy nhiên, con số này rất nhó so với với hàng chục tỷ USD mà Việt Nam phải chi để nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc, hàng tiêu dùng... từ Trung Quốc. Dù đã rất quan tâm đến nhập siêu từ nước láng giềng phương Bắc, nhưng những năm gần đây, kết cấu hàng thương mại giữa hai nước thay đổi không lớn.

* Infographic: Những dấu ấn ngoại giao, kinh tế Việt - Trung

Các doanh nghiệp Trung Quốc cũng tham gia đầu tư nhiều dự án lớn tại Việt Nam. Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Trung Quốc, vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của nước này vào Việt Nam được bắt đầu từ cuối tháng 11/1991, do một doanh nghiệp Quảng Tây liên doanh với một doanh nghiệp Hà Nội, mở nhà hàng Hoa Long tại phố Hàng Trống. Trải qua gần một phần tư thế kỷ, FDI của Trung Quốc liên tục vươn lên, tăng về quy mô, thay đổi về hình thức, lĩnh vực và mở rộng về địa bàn.

quan-he-kinh-te-viet-trung-sau-mot-phan-tu-the-ky-1

Thương mại Việt - Trung tăng nhanh chóng kể từ sau khi bình thường hóa quan hệ năm 1991. 

Mười năm đầu (1991-2001), FDI của Trung Quốc chỉ mang tính chất thăm dò, số dự án và lượng vốn đầu tư vào Việt Nam rất nhỏ so với tổng số tiền quốc gia này rót ra bên ngoài. Tính đến tháng 12/2001, Trung Quốc có 110 dự án với tổng giá trị 221 triệu USD, nhưng lũy kế đến nay, con số này đã lên tới khoảng 1.180 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 8,5 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số 105 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam.

Giai đoạn trước, FDI của Trung Quốc chỉ tập trung vào các lĩnh vực khách sạn, nhà hàng và sản xuất hàng tiêu dùng với quy mô nhỏ, thì thời gian gần đây đã có sự chuyển dịch sang công nghiệp chế biến chế tạo, điện, bất động sản, với dự án lên tới gần 2 tỷ USD (nhiệt điện Vĩnh Tân I). Mặc dù vậy, đầu tư của nước này cũng chỉ mới tập trung ở những ngành nghề thông thường, chưa có dự án nào đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao với vốn đầu tư lớn.

Ở phía ngược lại, Việt Nam mới có 13 dự án đầu tư sang Trung Quốc trị giá 16 triệu USD - con số được ông Bùi Tất Thắng - Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển cho biết tại tham luận Diễn đàn kinh tế mùa Thu 2014.

Về vốn hỗ trợ phát triển (ODA), quốc gia này đứng thứ 5 trong số những đối tác song phương của Việt Nam. Tổng vốn ODA và vay ưu đãi tính đến tháng 6/2015 đạt hơn 395 triệu USD, chủ yếu là cho công trình đường sắt đô thị tuyến Cát Linh - Hà Đông. Song, dự án này đang bị đánh giá là chậm tiến độ, đội vốn đầu tư.

Do có vị trí địa lý gần gũi, Trung Quốc đang chiếm tỷ trọng lớn nhất trong số du khách đã tới Việt Nam, đạt hơn 1,4 triệu lượt trong 10 tháng đầu năm 2015, chiếm 22%. Từ lâu, đây cũng là đối tượng khách du lịch đông đảo nhất với tỷ trọng trung bình giai đoạn đoạn 1995-2014 đạt hơn 20%. Nhưng riêng năm nay, thay vì tiếp tục tăng, lượng khách từ Trung Quốc 10 tháng lại giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù chiếm tỷ lệ cao nhưng khách du lịch người Hoa lại là đối tượng chi tiêu thấp hơn so với khách quốc tế khác. Theo khảo sát của Tổng cục Thống kê năm 2014, khách du lịch Trung Quốc tự tổ chức đến Việt Nam có mức chi tiêu bình quân trên 711 USD mỗi người (khoảng 90 USD một ngày), bằng 63% so với chi tiêu trung bình của khách quốc tế tại Việt Nam, thấp hơn nhiều nước trong khu vực, chỉ cao hơn khách Lào, Malaysia.

Đánh giá về mối quan hệ kinh tế giữa hai nước, ông Bùi Tất Thắng cho hay với tư cách là quan hệ láng giềng, nhân tố Trung Quốc luôn ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam trong từng thời kỳ với các mức độ khác nhau. Diễn biến mối quan hệ dù mang tính thăng trầm, nhưng về cơ bản, các quan hệ kinh tế bền vững, xuất phát cả từ lý do lịch sử lẫn nhu cầu thực tế. Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là tìm giải pháp nâng cao vị thế trong mối quan hệ kinh tế và để sự bền vững, bình đẳng, nội lực kinh tế của Việt Nam phải mạnh lên. 

Trong hai ngày 5-6/11, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ có chuyến thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ông Tập Cận Bình sẽ có cuộc hội kiến với lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, tham gia lễ ký kết một số văn kiện hợp tác và gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung - Việt và nhân sỹ hai nước. 

 

Nguồn Vnexpress