Giữa lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế nhiều màu xám, dư luận và người dân Thủ đô mong chờ một tin vui về dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đến từ Bộ GTVT. Thế nhưng, tất cả đã một lần nữa phải thất vọng. Đầu tiên là dự án bị đội vốn. Tiếp đó lại lỗi hẹn thời hạn về đích.
Vận hành chạy thử đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Thanh Hải
Những cái lắc đầu ngao ngán lại xuất hiện và câu hỏi luôn luôn thường trực: Tại sao là đường sắt Cát Linh – Hà Đông? Đến bao giờ điệp khúc đội vốn và trễ hẹn tại dự án tai tiếng này mới đi đến hồi kết? Câu chuyện bắt đầu từ văn bản trả lời Bộ Tài chính mới đây về việc sửa đổi khoản 1.7 Điều 1 Hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông của Bộ GTVT. Cơ quan này cho biết, hợp đồng EPC của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông không hoàn thành đúng tiến độ đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát, cần bổ sung khoảng 7,835 triệu USD.
Bộ GTVT lý giải rằng, nguồn vốn đối ứng của dự án từ phía Việt Nam còn lại rất ít, trong khi hiệp định vay bổ sung từ phía Trung Quốc còn dư khoảng 26,4 triệu USD. Do đó, trong tháng 4, Bộ GTVT đã đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc xem xét, chấp thuận bổ sung Hợp đồng tư vấn giám sát vào phạm vi tài trợ của Hiệp định vay bổ sung. Tuy nhiên, cuối tháng 8, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc trả lời đề nghị của Bộ GTVT với nội dung "Phụ lục hợp đồng EPC đã được hai bên xác nhận, không cần thiết phải sửa đổi Điều 1.7 của Hiệp định vay", và "Hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay". Điều này có nghĩa phía Trung Quốc không đưa phần chi phí tư vấn giám sát tăng thêm vào khoản vay.
Cần phải thấy rằng, đây không phải lần đầu tiên dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị đội vốn. Dự án này khởi công từ năm 2011, dự kiến hoàn thành năm 2015 với mức đầu tư ban đầu chỉ 8.770 tỷ, nhưng đến năm 2021, dự án vẫn chưa hoàn thành. Số vốn đã đội vốn lên 18.002 tỷ đồng, tức là gần 10.000 tỷ đồng và có thể chưa dừng lại. Trong khi đó, ngày “về đích” của công trình này vẫn xa tít mù khơi dù rất nhiều lần lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định về thời điểm dự án được đưa vào khai thác. Lần gần nhất cơ quan này hứa đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào khai thác là ngày 1/5/2021. Từ đó đến nay đã 4,5 tháng trôi qua, lời hứa đó chưa có dấu hiệu nào cho thấy sẽ được thực hiện và cũng chẳng biết bao giờ mới được thực hiện. Dư luận cũng thôi những chất vấn lãnh đạo Bộ GTVT. Bởi bao lần chất vấn rồi cũng chẳng thay đổi được gì, đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông vẫn cứ mịt mờ ở nơi nào đó kệ cho vạch đích dần mờ nhạt theo thời gian.
Giải thích cho việc dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị trễ hẹn, đội vốn, Bộ GTVT cho rằng, “thủ phạm” chính là do chất lượng công tác lập, thẩm định dự án đầu tư. Cụ thể là khâu tư vấn lập dự án, tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu. Cũng theo Bộ GTVT, để xảy ra việc này, trách nhiệm chính thuộc phía Tổng thầu Trung Quốc. Còn bản thân Bộ GTVT, cơ quan nhận chịu trách nhiệm liên quan trong công tác quản lý điều hành dự án. Nghe cũng khá hợp lý. Chỉ có điều, nếu trách nhiệm chính thuộc về Tổng thầu Trung Quốc thì Bộ GTVT với tư cách là chủ đầu tư đã làm được gì trong suốt những năm qua? Trong khi dự án vẫn vỡ tiến độ, vẫn đội vốn... Dư luận cần một câu trả lời: Đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông bao giờ về đích?
Nguồn kinhtedothi.vn
-
Vương Nguyên và Dịch Dương Thiên Tỉ cạnh tranh nhau trong giải thưởng tại Hoa Đỉnh lần thứ 27
-
6 ứng dụng, game bị cấm cửa vì... `ngứa mắt` Apple
-
Lý lẽ của cảnh sát
-
Thư giãn với vô vàn lợi ích khi đi spa cho mẹ bầu tại Mỹ Đình
-
Cập nhật 7h ngày 16/4: Biểu đồ dịch Covid-19 thế giới vẫn tăng theo phương thẳng đứng, Pháp, Mỹ dẫn đầu thế giới về số ca tử vong trong ngày
-
6 triệu người Việt nếu không muốn chết sớm cần cảnh giác với căn bệnh này
-
HLV Ten Hag: 'Đây là mùa giải kỳ lạ'
-
Đưa kim ngạch thương mại Việt - Mỹ lên 40 tỷ USD
-
Học cách chia sẻ trong công ty
-
Những sáng tạo độc đáo từ socola