Nửa đầu năm 2022 đã qua với nhiều sự kiện kinh tế - chính trị làm thị trường 'nhiễu động'. Những nền kinh tế mới nổi đối diện nhiều tổn thương, minh chứng là những đợt rung lắc trên thị trường tài chính Việt Nam. Cơ hội đầu tư đã không còn dễ dàng như trước.
Cơ hội có nhưng ít
Tuy mới trải qua 6 tháng đầu năm, nhưng đến thời điểm này có thể nói dòng tiền của nhà đầu tư (NĐT) đã đón nhận vô vàn những cảm xúc.
Đưa ra đánh giá các tác động của thế giới tới thị trường chứng khoán Việt Nam, TS Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đông Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia nhận định: Những ảnh hưởng là không nhỏ, trong đó bao gồm chiến sự Nga - Ukraine, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước bắt đầu thu hẹp. Điều này tác động lan tỏa tới mặt bằng lãi suất, tỷ giá và chứng khoán, dẫn đến hiện tượng dịch chuyển kênh đầu tư, tài sản đến khu vực an toàn hơn.
“Trong khó khăn, thách thức, vẫn có nhiều cơ hội khi kinh tế phục hồi, lạm phát cơ bản được kiểm soát và đầu tư công, đầu tư cơ sở hạ tầng được quan tâm, thể chế pháp luật hoàn thiện ở mức độ tốt hơn” - TS Cấn Văn Lực tin tưởng.
Cơ hội đầu tư chứng khoán có nhưng ít.
Chuyên gia Phan Dũng Khánh - Giám đốc Tư vấn đầu tư Maybank Investment Bank cho hay, hiện nay số lượng tài khoản mở mới vẫn rất đông nhưng thị trường chứng khoán không tăng lên được. Dù thị trường chứng khoán có những phiên tăng, nhưng chỉ cần giảm 1 phiên đã mất hết thành quả tăng 2 - 3 phiên. Do đó, cơ hội luôn có nhưng hiện thì rất ít, nhà đầu tư chưa có nhiều kinh nghiệm vẫn nên đứng ngoài thị trường. Nếu đầu tư thì chỉ nên dùng một tỷ trọng nhỏ, và lượng tiền mặt phải chiếm tỷ trọng cao.
Theo ông Phan Dũng Khánh, cơ hội rõ ràng đó là khi chúng ta thấy được dòng tiền quay trở lại mạnh hơn, hoặc quay trở lại với một nhóm ngành nào đó, khi đó giải ngân sẽ an toàn hơn. Cũng theo ông Phan Dũng Khánh, lạm phát là tốt cho thị trường tài chính nếu nó nằm trong ngưỡng quy định cho phép.
“Khi lạm phát tăng quá nhanh, quá nóng buộc các ngân hàng trung ương quốc gia của các nước phải thực hiện những biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Đó mới là mối đe dọa của tài chính thế giới, chứ không phải lạm phát là mối nguy của kinh tế” - ông Phan Dũng Khánh nói.
Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Hoàng Quang Phòng nhận định, thị trường chứng khoán Việt Nam sau 2 năm bùng nổ trong đại dịch đã bộc lộ những lỗ hổng và các vấn đề chưa được hoàn thiện. Nhưng với sự vào cuộc khẩn trương của Chính phủ, thị trường đã nhận được các tín hiệu tích cực của nhà đầu tư, DN.
Điểm đến nào an toàn?
Thị trường bất động sản chững lại, thị trường chứng khoán đang le lói phục hồi sau khi sụt giảm sâu trong quý II, tiền ảo lao dốc không phanh, vàng biến động khó lường và chênh lệch quá cao so với thế giới, trài phiếu DN đóng băng, lãi suất tiết kiệm tuy có xu hướng tăng song vẫn ở mức thấp… khiến nhà đầu tư loay hoay tìm nơi rót vốn nửa cuối năm 2022.
Nhận định cho 6 tháng cuối năm, chuyên gia Phan Dũng Khánh cho rằng, việc thị trường chứng khoán có thể tăng trở lại là rất khó. Khi thị trường chứng khoán giảm thì tất cả các ngành đều giảm, chỉ là ít hay nhiều. Nên việc trong bối cảnh thị trường chứng khoán giảm như hiện nay mà cố gắng kiếm một nhóm ngành tăng, đó đã là một rủi ro rất lớn rồi. Để có thể đảm bảo đầu tư đúng đắn, buộc chúng ta phải đi chung với thị trường chứng khoán. Khi thị trường giá xuống muốn sinh lợi chỉ có thể trên thị trường phái sinh mà thôi.
Tuy nhiên, cơ hội vẫn có nếu NĐT biết tận dụng và đặc biệt là phải kiên nhẫn. NĐT muốn làm giàu nhanh không sai, nhưng chính tâm lý nóng vội đó khiến không ít người mất tiền nhiều hơn. Bằng kinh nghiệm của mình, ông Khánh khuyên mọi người nên thích nghi đặc biệt ở thị trường tài chính.
“Lúc thị trường tốt tôi đầu tư vào các kênh mạo hiểm như chứng khoán, ngoại hối nhưng khi thị trường biến động tôi chọn những kênh an toàn như tiết kiệm, vàng hay bảo hiểm” - ông Phan Dũng Khánh nói.
Nhìn nhận dưới góc nhìn của nhà đầu tư, ông Cao Minh Hoàng - Giám đốc Công ty Quản lý quỹ IPA lại có quan điểm ngược lại. Ông Cao Minh Hoàng cho rằng, triển vọng của năm nay tương đối lạc quan nhờ dư địa của những gói hỗ trợ của Chính phủ còn rất nhiều. Mặt khác, nền kinh tế của Việt Nam bắt đầu có những dấu hiệu sôi động trở lại sau 2 năm chịu ảnh hưởng mạnh từ Covid-19. Vì vậy, chứng khoán vẫn là kênh đầu tư tuyệt với đối với nhà đầu tư cá nhân.
Sở dĩ nhà đầu tư rất khó để mua bất động sản với giá trị thấp, trong khi chỉ cần bỏ ra vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng để sở hữu cổ phiếu của một DN tăng trưởng cao.
“Tham gia từ năm 2016, tôi từng trải qua rất nhiều biến động của thị trường. Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định những nhà đầu tư dài hạn đều có có hội chiến thắng sau mỗi biến động của thị trường. Do đó, thị trường chứng khoán vẫn là một kênh đầu tư rất hiệu quả nếu ta đi dài hạn” - ông Cao Minh Hoàng chia sẻ.
Đưa ra lời khuyên cho NĐT, Chủ tịch HĐQT AquaOne Đỗ Liên, nhà sáng lập ứng dụng bảo hiểm LIAN, rằng vàng, chứng khoán, hay bitcoin đều là nơi trú ẩn cho những NĐT chuyên nghiệp. Tuy nhiên, việc nhiều người trẻ hiện nay quan tâm đến đầu tư BĐS, đầu tư cho sản xuất dường như bị bỏ ngỏ.
Nguồn: kinhtedothi.vn
-
Cây xấu hổ - 'thần dược' giá siêu rẻ cho mọi gia đình
-
Sau kết hôn, Công Phượng ở lại CLB TP.HCM thêm 1 năm
-
Ba anh em mồ côi nuôi nhau đi thi
-
Thị trường BĐS: Không gỡ sẽ càng sa lầy
-
Cô gái 8x quan niệm `lạ` về độc thân tuổi 30
-
Vàng tiếp tục giảm, tỷ giá lấy lại đà tăng
-
Chi 42 triệu đồng làm `ông hoàng, bà chúa` một đêm
-
Giá nguyên liệu giảm, sao giá sữa vẫn giữ nguyên?
-
Đà Nẵng nói không với việc xin điều chỉnh sai phạm tại The Summit Building
-
Nhiều dự án lọc dầu… đủng đỉnh