Có gì mới trong phê duyệt quy hoạch điều chỉnh của Đà Nẵng đến 2030?

ngày 17/03/2021

Điều chỉnh quy hoạch Đà Nẵng năm 2030 vừa được Thủ tướng phê duyệt

Theo phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã được thông qua, phạm vi lập quy hoạch gồm toàn bộ địa giới hành chính TP Đà Nẵng, tổng diện tích khoảng 129.046ha.

Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, thông minh, sáng tạo, bản sắc, bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Dự báo đến năm 2030 Đà Nẵng có khoảng 1,79 triệu dân.

Dự báo đến năm 2030, dân số Đà Nẵng khoảng 1,79 triệu người, trong đó dự báo dân số thường trú, tạm trú khoảng 1,56 triệu người. Đến năm 2045 khoảng 2,56 triệu người. Diện tích đất xây dựng đô thị đến năm 2030 khoảng 31.836ha, đến năm 2045 khoảng 35.054ha.

Mô hình và cấu trúc phát triển không gian Đà Nẵng được gắn với cảnh quan đặc trưng theo 3 vùng đô thị, gồm vùng ven mặt nước, vùng lõi xanh, vùng sườn đồi và 1 vùng sinh thái, gồm khu vực rừng, núi, đồi phía tây và phía Bắc, Khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa, các sông và hồ cùng với đường bờ biển trong vùng sinh thái.

Đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, Đà Nẵng sẽ hình thành 2 vành đai kinh tế gồm Vành đai phía Bắc là vành đai "Công nghiệp công nghệ cao và cảng biển - logistics"; vành đai phía Nam là vành đai "Đổi mới sáng tạo và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao".

Đà Nẵng sẽ điều chỉnh cấu trúc đô thị đơn tâm (Thanh Khê và Hải Châu) thành phát triển đa cực, bổ sung 4 cụm việc làm ưu tiên tập trung gồm cụm công nghiệp công nghệ cao; cụm cảng biển và logistics; cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cụm đổi mới sáng tạo.

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung cũng xác định phát triển du lịch trên toàn thành phố với trọng tâm ven bờ đông (ven biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn) và vịnh Đà Nẵng.

Mô hình phát triển của Đà Nẵng được xác định là phát triển các trung tâm phân tán, gồm: trung tâm đô thị gắn với trung tâm thành phố; trung tâm dịch vụ công nghệ cao tại khu vực tây bắc thành phố; trung tâm thương mại dịch vụ gắn với ga đường sắt mới; trung tâm đổi mới sáng tạo tại phía Nam thành phố.

Đồ án xác định hệ thống trung tâm hành chính, cơ quan bao gồm các chức năng chính trị và hành chính quan trọng có quy mô diện tích đất khoảng 43ha, trong đó UBND huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính đặc thù, thực hiện hoạt động đấu tranh, bảo vệ và khẳng định chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đồ án cũng nhắc đến việc Đà Nẵng cần tập trung hoàn thành một số dự án dịch vụ trọng điểm; hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế, hình thành tuyến phố thương mại, tài chính; thành lập khu phi thuế quan nằm trong khu phức hợp đô thị, thương mại, phi thuế quan.

Đà Nẵng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao

Hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao phía Tây Nam thành phố, quy mô diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch khoảng 4.619ha.

Mở rộng các cơ sở giáo dục, đào tạo, tập trung ở phía Nam thành phố, đặc biệt là làng Đại học Đà Nẵng hình thành lên khu đô thị đại học mới. Các thiết chế văn hóa được đầu tư đảm bảo đời sống tinh thần cho người dân...

Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho giai đoạn 2020 - 2030 bao gồm nguồn đầu tư từ ngân sách TP, nguồn ngân sách Trung ương và các nguồn vốn khác. Giai đoạn 2030 - 2045 sẽ tái thiết hoàn chỉnh khu đô thị hiện tại, các vùng đất dự trữ ở phía Nam và phía Tây cũng được phân vùng để sử dụng phù hợp.

Nguồn Pháp Luật VN