'Chóng mặt' với học phí đại học chất lượng cao

ngày 08/08/2022

Từ năm 2022, học phí đại học (ĐH) tăng theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP của Chính phủ. Cùng với đó, mức học phí của chương trình chất lượng cao (CLC) ở những trường công lập và công lập tự chủ cũng tăng rất cao.

Sinh viên Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TPHCM) trong giờ học thực hành

Học phí cao ngất ngưỡng

Nhìn vào bảng học phí của nhiều trường ĐH công lập tự chủ công bố năm 2022, nhất là hệ CLC, sẽ thấy sự chênh lệch rất lớn so với chương trình đại trà. Theo công bố của Trường ĐH Luật Hà Nội, từ năm học 2022-2023, mức học phí với sinh viên hệ chính quy khóa mới nhất là 572.000 đồng/tín chỉ cho hệ đại trà và 1,605 triệu đồng/tín chỉ cho hệ CLC. Năm ngoái, mức học phí hệ đại trà là 280.000 đồng/tín chỉ và 990.000 đồng/tín chỉ với hệ CLC. Mức học phí này cao gần gấp đôi so với năm trước.

Trong khi đó, Trường ĐH Y Hà Nội tăng học phí trong năm học 2022-2023 của khối ngành Y dược và Răng - Hàm - Mặt với mức 24,5 triệu đồng/năm, tăng 71% so với mức 14,3 triệu đồng của năm 2021. Trường ĐH Kinh tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) dự kiến tăng học phí đối với khóa tuyển sinh năm 2022, và mức thu cho năm học 2022-2023 là 42 triệu đồng/sinh viên (năm 2021 là 35 triệu đồng/năm/sinh viên). Theo kế hoạch trong 3 năm tiếp theo, trường tiếp tục tăng học phí thêm 2 triệu đồng/năm. Trường ĐH Y Dược (ĐH Quốc gia Hà Nội) có học phí các ngành hệ chuẩn là 2,45 triệu đồng/tháng, tương đương 24,5 triệu đồng/năm học. Riêng học phí ngành Răng - Hàm - Mặt hệ CLC là 6 triệu đồng/tháng, tương đương 60 triệu đồng/năm.

Theo thông tin Trường ĐH Luật TPHCM vừa công bố mới đây, từ năm học 2022-2023, học phí của trường sẽ tăng theo lộ trình của Nghị định 81/2021/NĐ-CP. Sinh viên nhập học năm 2022-2023 hệ đại trà các ngành Luật, Luật thương mại quốc tế, Quản trị kinh doanh có mức học phí là 31,25 triệu đồng/năm, ngành Quản trị - Luật là 37,08 triệu đồng/năm, ngành Ngôn ngữ Anh, chuyên ngành Anh văn pháp lý là 39 triệu đồng/năm. Hệ CLC có học phí tăng cao hơn rất nhiều, như ngành Luật, Quản trị kinh doanh học phí là 62,5 triệu đồng/năm (tăng gấp đôi so với hệ đại trà); ngành Quản trị luật là 74,16 triệu đồng/năm (tăng gấp đôi so với hệ đại trà); ngành Luật hệ CLC giảng dạy bằng tiếng Anh có mức học phí “kỷ lục” là 165 triệu đồng/năm (tăng gấp 5,28 lần so với hệ đại trà)...

Hiện nay, ngoài 23 trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết 77/NQ-CP giai đoạn 2014-2017, thì từ các trường công lập vừa tự chủ từ năm 2021 cho đến các trường công lập chưa tự chủ đều có chương trình CLC. Cùng với đó, mức học phí của chương trình CLC luôn cao gấp 2, 3 lần so với chương trình hệ đại trà.

Chất lượng chưa rõ ràng

Chủ trương thí điểm đào tạo chương trình tiên tiến rồi đến chương trình CLC khởi đầu từ năm 2006. Có thể nói, khi chính sách học phí quá thấp thì chương trình CLC là hướng đi đúng để đảm bảo chất lượng đào tạo, trong bối cảnh cạnh tranh của nền kinh tế tri thức. Song, theo các chuyên gia giáo dục, qua một thời gian, chương trình CLC đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, thậm chí cách làm lệch chuẩn của một số cơ sở đào tạo đã khiến dư luận cho rằng chương trình không còn thực sự là CLC, và muốn đậu vào chương trình này thì không cần điểm cao mà chỉ cần có tiền nhiều là được!

Là người xây dựng và mở chương trình CLC của Trường ĐH Tài chính Marketing TPHCM, ThS Hứa Minh Tuấn, nguyên Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, thực tế cách thức tuyển sinh chương trình CLC hiện nay của nhiều trường rất khác nhau. Có trường sau khi SV trúng tuyển rồi mới vận động học chương trình CLC, có trường công khai điểm xét tuyển - điểm trúng tuyển, chỉ tiêu rõ ràng ở từng ngành, chuyên ngành. Điều đáng nói, hiện cả nước không có chương trình CLC nào có điểm chuẩn tuyển sinh cao hơn chương trình đại trà. Đầu vào không cao hơn hệ đại trà nhưng học phí lại cao hơn gấp 2, 3 lần, có trường hiện nay cao gần gấp 6 lần. Vậy có thật sự là CLC hay không hay chỉ là dịch vụ CLC để thu tiền cao? Điều này chính các trường có hệ CLC mới trả lời được sự nghịch lý này.

Nguyên một Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM chia sẻ, Khoản 2, Điều 5, Thông tư 23 yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình CLC phải cao hơn chương trình đại trà tương ứng về năng lực chuyên môn, năng lực ngoại ngữ, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, năng lực dẫn dắt, chủ trì và làm việc nhóm, khả năng thích nghi với môi trường công tác, riêng năng lực ngoại ngữ tối thiểu phải đạt bậc 4/6 theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (hoặc tương đương). Ngoài ra, thông tư cũng quy định, chương trình CLC phải đảm bảo có ít nhất 20% số tín chỉ các học phần thuộc khối kiến thức cơ sở ngành, ngành và chuyên ngành được dạy bằng ngôn ngữ của chương trình đào đạo nước ngoài hoặc tiếng Anh… Tuy nhiên, thực tế có sinh viên hệ CLC học tiếng Anh chuyên ngành không nổi và phải chuyển sang dạy bằng tiếng Việt. Như vậy, việc “biến tấu”, úp mở thông tin, điểm đầu vào thấp, chương trình CLC bằng tiếng Việt, tiếng Anh - tiếng Việt, đã khiến dư luận hoài nghi về chương trình CLC. Chưa kể, hiện nay rất nhiều chương trình đào tạo CLC chưa được kiểm định về chất lượng, trong khi rất nhiều chương trình đại trà lại đạt chuẩn kiểm định trong nước và khu vực, quốc tế.

TS HOÀNG NGỌC VINH, thành viên Tổ tư vấn của Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021: Kiểm soát chặt điều kiện đảm bảo chất lượng

Trước khi có Thông tư số 23/2014 quy định về đào tạo chất lượng cao (CLC) trình độ ĐH thì đã có một số trường thực hiện chương trình kiểu này - qua cái gọi là chương trình tiên tiến, và vài trường khác đã tuyển hệ B, sau chuyển theo tên gọi mới CLC, có đầu vào tuyển sinh thấp hơn chuẩn, nhưng nhận được “dịch vụ” tốt hơn và sinh viên được học bằng tiếng Anh… Một số người thường nghĩ đây là cách lách luật khi trường chịu chi phối bởi trần học phí (theo Nghị định 86 của Chính phủ và nay là Nghị định 81), nên “vẽ” ra chương trình này để tuyển sinh viên có học lực có thể thấp hơn (qua điểm thi), thu học phí cao hơn dành cho những sinh viên có điều kiện gia đình khá giả vào học. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy! Giáo dục là ngành dịch vụ nên cũng chịu sự chi phối của quy luật thị trường. Chương trình CLC thực chất là phân khúc thị trường cho một nhóm đối tượng “khách hàng” nào đó, nhưng ý nghĩa thì lớn hơn; như giúp trường tập trung đội ngũ giảng viên giỏi, tăng cường cơ sở vât chất, quản lý người học và đặc biệt là chương trình một số môn dạy bằng tiếng Anh. Bên cạnh đó, chương trình CLC được thực hiện ở các trường cũng là cách cạnh tranh tốt giữa trường trong nước và trường của nước ngoài ở Việt Nam.

Tuy nhiên, có rất nhiều chương trình CLC chưa đạt chuẩn kiểm định so với với chương trình đại trà. Vậy thì cơ sở gì để minh chứng cho tên gọi là chương trình CLC? Bộ GD-ĐT cần kiểm soát xem các trường có thực hiện đúng quy định về các điều kiện đảm bảo chất lượng - từ việc triển khai chương trình, đội ngũ giảng viên, tổ chức dạy và học cùng quản lý quá trình - hay không. Nếu thấy chương trình nào trái quy định thì đóng ngay lập tức!

PGS-TS TRẦN HOÀNG HẢI, Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM: Phải có sự đầu tư
và chi phí cho tương xứng

Mức học phí mới được trường công bố từ năm học 2022 đến năm 2026 là theo khung của Nghị định 81 của Chính phủ. Riêng với chương trình CLC giảng dạy bằng tiếng Anh lên đến 165 triệu đồng/năm và tăng cho đến 219,7 triệu đồng/năm vào năm 2026 là chương trình mà trường hướng đến đào tạo sinh viên ngành luật chuẩn quốc tế. Chương trình dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, và mời các giảng viên quốc tế giảng dạy nên chi phí rất cao. Chưa kể, học phí chương trình này bao gồm nhiều khoản khác như đưa sinh viên ra nước ngoài kiến tập, tổ chức lớp học ngoại khóa, trang bị cơ sở vật chất hiện đại trong lớp học. Mục tiêu của trường mở chương trình này là để đào tạo nguồn nhân lực CLC cho ngành luật, bởi hiện nay khi có tranh chấp quốc tế, chúng ta không có luật sư quốc tế mà phải thuê luật sư quốc tế với chi phí rất đắt đỏ. Trong khi đó, mức học phí của các trường THPT quốc tế tại TPHCM lên đến 300-500 triệu đồng/năm nhưng vẫn có phụ huynh cho con theo học. Nói như vậy để thấy rằng, đào tạo đại học, đặc biệt là ngành đặc thù như ngành luật, để có nhân lực chuẩn quốc tế thì phải có sự đầu tư và chi phí cho tương xứng.

Nguồn: sggp.org.vn