Chàng trai trẻ muốn biến bột mỳ, vỏ trấu thành nhựa sinh học

ngày 10/05/2021

Đến với Shark Tank, anh Nguyễn Châu Long - CEO và cũng là nhà sáng lập của BioPlas đã mang tới một dự án đầy tham vọng, đó là tạo ra một loại nhựa làm bằng các nguyên liệu sinh học để thay thế cho nhựa dùng 1 lần.

Loại nhựa sinh học với khả năng phân hủy thành đất, nước, CO2 và không để lại vi nhựa này chính là lời giải cho câu hỏi làm sao để đối phó được với “con quái vật” mang tên rác thải nhựa. Việc sử dụng nhựa sinh học là giải pháp giúp chúng ta giữ được sự trong sạch của môi trường sống, nhà sáng lập BioPlas chia sẻ.

Anh Nguyễn Châu Long - CEO và cũng là nhà sáng lập của dự án nhựa sinh học - BioPlas.

Theo anh Nguyễn Châu Long, sản phẩm nhựa sinh học của BioPlas đã được chứng nhận OK Compost tại Châu Âu và Mỹ.

Hiện BioPlas đã thành công trong việc tạo ra các dòng sản phẩm nhựa sinh học dùng cho sản xuất bao bì mềm, tương tự bao bì nhựa thông thường như túi T-shirt, túi đựng thực phẩm, găng tay,... và nhựa sinh học dùng trong việc sản xuất khay, ly, chén, muỗng.

Ngoài sản xuất nguyên liệu, BioPlas hiện đã có một nhà máy sản xuất găng tay sinh học và một số sản phẩm bao bì sinh học khác. Tham vọng của BioPlas là gọi được thêm vốn để mở rộng quy mô và hướng tới công suất 1.000 tấn/tháng.

Các hạt nhựa sinh học của BioPlas được tạo thành từ PLA, PBAT và tinh bột mỳ.

Chia sẻ tại Shark Tank, CEO Nguyễn Châu Long cho biết, sản phẩm hạt nhựa sinh học của công ty được tạo từ các thành phần gồm PLA, PBAT và tinh bột mỳ. Anh thực hiện dự án này với mong muốn để lại một niềm tự hào cho gia đình mình và giải được bài toán chung về môi trường của xã hội.

Theo anh Long, giá hạt nhựa thành phẩm của BioPlas khoảng 82.000, gấp hơn 2 lần so với giá hạt nhựa phổ biến trên thị trường (khoảng 35.000). Nếu tính cả thuế môi trường đang được áp vào các sản phẩm nhựa truyền thống, giá 2 loại này sẽ tương đương nếu được sản xuất với quy mô đủ lớn.

Ở thị trường nội địa, ngoài các loại bao bì để bán trực tiếp cho người dùng, BioPlas còn bán sản phẩm cho các đối tác để xuất khẩu. Công ty này cũng đặt mục tiêu cung ứng sản phẩm cho các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật và các nước châu Âu.

Một mẫu găng tay được tạo bằng nhựa sinh học BioPlas.

Vị CEO này chia sẻ, hiện sản phẩm nhựa sinh học của BioPlas được làm bằng chính bột mỳ của Việt Nam. Nếu được đầu tư, công ty này ấp ủ dự định sẽ tạo nhựa sinh học bằng các vật liệu khác như tre và vỏ trấu. BioPlas sẽ tạo ra các dòng sản phẩm nhựa tiếp xúc trực tiếp với con người như găng tay hay các loại túi nilong đựng thực phẩm.

Trước tâm huyết và những tiềm năng của dự án, CEO Nguyễn Châu Long cùng dự án nhựa sinh học BioPlas đã nhận được khoản đầu tư dưới hình thức cho vay chuyển đổi 15 tỷ đồng với lãi suất 10% từ Shark Phú. Nếu dự án thành công, khoản vay 15 tỷ sẽ được chuyển đổi lấy 35% cổ phần của dự án này.

Theo nhà sáng lập Nguyễn Châu Long, ngoài vốn đầu tư, điều mà anh mong muốn nhận được từ các “cá mập” là sự đồng hành để đi trên một chặng đường dài. Do vậy, CEO của BioPlas đã chấp nhập khoản đầu tư và hướng tới việc mở rộng quy mô sản xuất để tiến ra thị trường quốc tế.

Nguồn VietnamNet