Châu Âu khó tách rời kinh tế với Trung Quốc

ngày 18/05/2023

Chủ tịch Ủy ban châu Âu đề xuất "giảm thiểu rủi ro" cho EU bằng cách cắt bớt liên hệ kinh tế với Trung Quốc nhưng không dễ thực hiện.

Châu Âu đang lựa chọn cách cư xử với Trung Quốc. Là đồng minh thân cận nhất của Mỹ, nhưng nội bộ các nước châu Âu vẫn đang dao động giữa cứng rắn và hòa dịu với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuần trước, Josep Borrell, nhà ngoại giao hàng đầu của EU, thúc giục các bộ trưởng ngoại giao tìm ra "một chiến lược chặt chẽ" khi đối mặt với "sự cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc". Vẫn chưa rõ chiến lược đó có thể là gì và liệu khối này có tiếp tục liên kết chặt chẽ với Mỹ nếu địa chính trị leo thang hơn.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo châu Âu có những thái độ khác nhau vài tháng qua, cho thấy khối này thiếu một kế hoạch chung. Tháng 10/2022, Bộ trưởng Ngoại giao Đức đến Trung Quốc với giọng điệu cứng rắn. Nhưng chỉ tháng sau, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cùng các lãnh đạo doanh nghiệp sang thăm. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez thì chọn mở cửa thương mại. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa 53 CEO sang Bắc Kinh và nhấn mạnh rằng châu Âu nên tránh xa căng thẳng Trung - Mỹ. Bình luận của ông sau đó gây náo động ở châu Âu và Mỹ.

Xung đột Ukraine càng làm phức tạp thêm tình hình. Hầu hết quốc gia ở phía đông của Liên minh Châu Âu - những quốc gia trước đây chào đón các nhà đầu tư Trung Quốc - đã trở nên quyết liệt hơn. Họ cảm thấy lo lắng không chỉ về mối quan hệ bạn bè giữa Moskva và Bắc Kinh, mà còn về việc Tổng thống Macron đề cập đến "tự chủ chiến lược" với Mỹ.

Với nhiều diễn biến này, Economist cho rằng, châu Âu ở tình thế đỉnh điểm của tiến thoái lưỡng nan. Bài toán của các lãnh đạo EU là giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức độ nào và cần làm gì nếu Mỹ khắt khe hơn.

Xét về kinh tế, họ đang gắn bó với Trung Quốc ra sao?

Châu Âu tiếp xúc với Trung Quốc nhiều hơn về mặt kinh tế so với Mỹ. Khoảng 8% doanh thu của các công ty đại chúng của châu Âu đến từ Trung Quốc, so với 4% của các công ty Mỹ, theo Morgan Stanley. Châu Âu và Mỹ có tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa tương tự sang Trung Quốc (7-9%), nhưng do châu Âu là nền kinh tế thâm dụng thương mại nhiều hơn nên độ nhạy cảm cao hơn. Các khoản đầu tư vào Trung Quốc trị giá 2% GDP của châu Âu so với 1% của Mỹ.

Để có một cái nhìn toàn diện, Economist đưa ra thước đo về "tổng mức độ tiếp xúc với Trung Quốc". Nó gồm 3 yếu tố: xuất khẩu hàng hóa, xuất khẩu dịch vụ và doanh số các công ty con do phương Tây sở hữu tại Trung Quốc. Những số liệu sử dụng là năm 2020 - năm cuối cùng có dữ liệu. Sáu nền kinh tế lớn nhất, bao gồm cả Anh, được chọn ra để tính toán. Việc tiếp xúc kinh tế với Trung Quốc có tính cả Hong Kong ở mảng dịch vụ.

Kết quả, tỷ lệ tiếp xúc với Trung Quốc của 6 ông lớn châu Âu đạt 5,6% tổng GDP của họ, tăng từ 3,9% vào 2011. Con số này cao hơn Mỹ (4,2%). Italy và Tây Ban Nha tiếp xúc ở mức 1-2%, Pháp và Anh là 4-5%, còn Đức đến 9,9%.

Trong trường hợp chuỗi cung ứng châu Âu và Trung Quốc bị chia tách cứng nhắc, tổng chi tiêu quốc gia của khu vực đồng euro sẽ giảm hơn 2%, theo Ngân hàng Trung ương châu Âu. Thiệt hại ở Đức sẽ cao hơn trung bình.

Tương tự, một nghiên cứu của IMF vào tháng 4 cho biết trong trường hợp có sự chia rẽ đầu tư giữa phương Tây và Trung Quốc, GDP của châu Âu sẽ giảm 2%, gấp đôi so với Mỹ. Ngoài ra, sự chia tách sẽ gây ra khủng hoảng tại một số công ty hàng đầu châu Âu phụ thuộc vào Trung Quốc, bao gồm các nhà sản xuất ôtô của Đức, đế chế hàng xa xỉ của Pháp và ngành ngân hàng của Anh.

Những năm gần đây, ở châu Âu nổi lên thảo luận về chính sách "giảm thiểu rủi ro" (de-risking), nghĩa là giảm bớt các liên kết thay vì tách rời kinh tế tổng thể với Trung Quốc. Nó manh nha xuất hiện 4 năm trước, với một bài phân tích chiến lược cho rằng Trung Quốc không chỉ là một đối tác lẫn cạnh tranh kinh tế, mà còn là một đối thủ có hệ thống. Các thủ đô trên khắp châu Âu, vốn đã bán các cảng và cơ sở hạ tầng khác cho các nhà đầu tư Trung Quốc, bắt đầu suy nghĩ lại.

Trục trặc chuỗi cung ứng thời đại dịch cho thấy những nguy cơ của việc phụ thuộc quá nhiều vào ngành công nghiệp Trung Quốc. "Thỏa thuận toàn diện về đầu tư" Sino-EU, được ký kết vào tháng 12/2020, đã bị châu Âu gạt sang một bên.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Von der Leyen cho rằng "giảm thiểu rủi ro" là bước tiếp theo và người châu Âu có thể đồng ý. Nhưng nó vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nó không có nghĩa là đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc, mà là đa dạng hóa, củng cố an ninh kinh tế.

Giống Mỹ, châu Âu dễ bị tổn thương nhất về mặt chiến lược khi nói đến sự phụ thuộc nghiêm trọng vào Trung Quốc với một số nguồn cung nhất định. Vào năm 2022, Trung Quốc đã khai thác gần ba phần năm nguyên tố đất hiếm toàn cầu, được sử dụng trong thiết bị điện tử. Nước này tinh chế 60% lượng lithium và 80% lượng coban của thế giới, hai nguyên liệu đầu vào cốt lõi để sản xuất pin.

Châu Âu nhập khẩu 98% đất hiếm từ Trung Quốc, thậm chí nhiều hơn cả Mỹ với mức 80%. Theo một nghiên cứu của Merics (Đức), 97% chloramphenicol được sử dụng để sản xuất thuốc kháng sinh của EU phụ thuộc vào Trung Quốc. Đối với Mỹ, con số này là 93%.

Đến nay, các công ty châu Âu đã đa dạng hóa các nhà cung cấp, "kết bạn" với đồng minh. "Tất cả chúng tôi học được từ Covid-19 rằng phải tăng gấp đôi và gấp ba nguồn cung, không chỉ từ Trung Quốc", một công ty khổng lồ của Pháp cho biết. Các công ty đang tìm đến Mexico, Ấn Độ, Morocco, Na Uy và Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà hoạch định chính sách EU công bố "Đạo luật về nguyên liệu thô quan trọng", được thiết kế để đảm bảo rằng không quá 65% lượng tiêu thụ hàng năm với bất kỳ nguyên liệu nào được liệt kê có nguồn gốc từ một quốc gia vào 2030.

Trong lĩnh vực công nghệ, các công ty châu Âu tham gia vào một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Mỹ. ASML (Hà Lan) - sản xuất thiết bị dùng để chế tạo chất bán dẫn, đã hạn chế bán máy móc tiên tiến cho Trung Quốc. Các công ty đa quốc gia của châu Âu cũng đang điều chỉnh cách hoạt động ở Trung Quốc. Trong một số trường hợp, họ đang thoái vốn.

Một cách khác là giúp các công ty con ở Trung Quốc tự cung tự cấp hơn. Một thước đo là vốn đầu tư của các công ty con đến từ lợi nhuận chính họ, thay vì từ tiền gửi từ châu Âu. Đối với các công ty con của Đức ở Trung Quốc, tỷ lệ này đã tăng từ 2% vào năm 2002 và 52% vào năm 2012, rồi lên 85% vào năm 2022.

Yếu tố cuối cùng của việc giảm thiểu rủi ro là sàng lọc chặt chẽ hơn các khoản đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu. Đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013, theo Merics và công ty tư vấn Rhodium. FDI của Trung Quốc đạt đỉnh ở châu Âu vào năm 2016.

Con đường để châu Âu "giảm thiểu rủi ro" không dễ dàng. Các công ty lớn, vẫn quan tâm đến "giấc mơ Trung Hoa" có thể từ chối tham gia. "Có một số lĩnh vực cấm nhất định về công nghệ ở Trung Quốc, nhưng phần còn lại thì chúng tôi không thể tách rời. Đó là công việc kinh doanh thông thường và càng nhiều càng tốt", một nhà công nghiệp cấp cao của châu Âu cho biết. Khi Tổng thống Pháp Macron ở Bắc Kinh, Airbus đã đồng ý mở rộng dây chuyền lắp ráp ở Thiên Tân và xác nhận đơn hàng bán 160 máy bay cho Trung Quốc.

Chiến lược này cũng có thể gặp khó khăn trong việc thích ứng với sự thay đổi công nghệ và các tác động thương mại của nó. Ôtô là một ví dụ điển hình. EU hầu như không xuất khẩu xe điện sang Trung Quốc nhưng gần như tất cả ôtô xuất khẩu của Trung Quốc sang EU đều chạy bằng pin. Người châu Âu tìm kiếm phương tiện giao thông thân thiện với môi trường, còn Trung Quốc vừa háo hức vừa có vị trí thuận lợi để phủ sóng xe điện "Made in China" khắp lục địa già.

Các cuộc thảo luận của khối trong những tháng tới sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Pháp và Đức, hai nền kinh tế lớn nhất của khối và nằm trong số những nền kinh tế tiếp xúc nhiều nhất với Trung Quốc. Ông Macron từ lâu đã thúc đẩy châu Âu trở nên tự chủ hơn trước Mỹ. Ông Scholz thì đối mặt với những quan điểm khác nhau trong chính phủ liên minh. Ông định tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương với Trung Quốc tháng tới.

Cả Pháp và Đức đều dè dặt về các biện pháp "giảm thiểu rủi ro" của bà Von der Leyen, nhưng họ ủng hộ nguyên tắc này. Trong khi, phần lớn các nước thành viên Đông Âu lại có vẻ cảnh giác với ảnh hưởng của Trung Quốc. Châu Âu cần một cuộc tranh luận có cân nhắc về những việc cần làm tiếp theo, theo Economist.

Nguồn: VnExpress