Bạo lực gia đình - nỗi đau dai dẳng

ngày 20/05/2013

Suốt đêm, Hân đã tra khảo vợ về chuyện ngoại tình, kể cả việc vợ đã “quan hệ” như thế nào với tình nhân, rồi bí mật thu âm lại toàn bộ lời kể của vợ và phát đi phát lại đều đặn 24/24h trong nhà…. Kết cục là chị Thu đã nhảy từ lầu tự tử.

 

Theo thống kê của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2009 đến 6 tháng đầu năm 2012, cả nước có 178.847 vụ bạo lực gia đình. Trong đó, bạo lực gia đình với phụ nữ là 106.520 vụ, bạo lực gia đình với trẻ em là 23.346 vụ, bạo lực gia đình với người cao tuổi là 16.148 vụ.

Những vụ án thương tâm, những cái chết đau lòng xuất phát từ bạo lực gia đình đang diễn ra ngày càng nhiều trong xã hội. Gia đình - nơi được gọi bằng hai tiếng thân thương “tổ ấm” nhưng đối với nhiều người đã trở thành “địa ngục trần gian”. Nỗi đau từ những bản án và vết thương tâm hồn mãi là sự ám ảnh kéo dài trong suốt cuộc đời nhiều con người.

Từ bạo lực thể xác…

Ngày 7/3, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên án chung thân đối tượng Lê Thanh Tuấn (33 tuổi, ngụ tại Canh Tân, Bình Định) về tội “Giết người”. Nạn nhân trong vụ án chính là người vợ tội nghiệp của Tuấn, chị Nguyễn Thị Trang (31 tuổi).

Theo cáo trạng, đêm 6/11/2012, do cãi nhau với vợ tại đường tàu cách nhà 500m, Tuấn đã cầm cây búa bổ một nhát chí mạng vào gáy vợ khiến chị Trang chết ngay tại chỗ. Khi Công an lấy lời khai của Tuấn, y chối tội và cho rằng vợ mình bị tàu lửa cán. Tuy nhiên, tội ác của y không thể qua mắt cơ quan Cảnh sát điều tra. Ngày 29/11/2012, Công an tỉnh Bình Định xác định Tuấn chính là hung thủ giết vợ.

Trước đó, ngày 21/12/2012, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao TP Hồ Chí Minh cũng đã tuyên án 16 năm tù đối với bị cáo Đặng Đức Trường (56 tuổi, ngụ huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) về tội “Giết người”.

Theo án sơ thẩm, tháng 10/2011, vì không đồng ý về việc vợ (bà Huế) đứng tên sở hữu ngôi nhà, ông Trường đã âm thầm chế một quả mìn tự tạo từ thuốc nổ, bi, sắt và kíp điện. Khi biết bà Huế sắp thức dậy để đi bán hàng, bị cáo Trường đã bí mật cài quả mìn vào cánh cửa cổng nhà. Đến khi bà Huế đi ra mở cửa thì quả mìn phát nổ. Mặc dù thoát chết nhưng thương tích mà bà Huế phải gánh chịu là 44%.

Bạo lực gia đình - nỗi đau dai dẳng
Đối tượng Nguyễn Văn Hây bị các trinh sát Công an tỉnh Đồng Nai bắt giữ sau gần 12h tưới xăng, thiêu chết vợ và con. Nguồn: anninhthudo.vn.

Tương tự như hai vụ việc trên, ngày 23/8/2011, TAND Tối cao TP Hồ Chí Minh cũng đã tuyên án tử hình Nguyễn Văn Hây (41 tuổi, quê Đồng Nai) về tội “giết người”. Theo án sơ thẩm, tối 5/9/2010, khi trở về sau cuộc nhậu say, Hây tiếp tục đánh vợ là chị Trần Thị Diệu Hương (36 tuổi) như mọi bữa.

Trong cơn điên loạn, y trói chị Hương vào giường ngủ và lấy xăng đổ đầy lên giường. Khi thấy mẹ kêu cứu, con gái đầu của Hây là cháu Nguyễn Thị Hoài Thương, vội vàng trèo lên giường cởi trói cho mẹ.

Tuy nhiên, do Hây đã bật lửa nên chiếc giường bốc cháy ngùn ngụt, chị Hương và cháu Thương kêu khóc thảm thiết, ngập chìm trong biển lửa. Khi hàng xóm biết chuyện chạy vào thì 2 mẹ con chị Hương đã chết cháy một cách oan uổng…

Đến bạo hành tinh thần

Những bản án đã được thi hành, kẻ gây tội đã chịu sự trừng trị đích đáng của pháp luật. Thế nhưng, phiên tòa nào sẽ xử cho những bi kịch bắt nguồn từ bạo hành tinh thần, hàng ngày vẫn tồn tại ngầm trong nhiều gia đình, bám sâu, luồn lách, tung hoành, gây ra biết bao nỗi đau khổ cho những người phụ nữ.

Không biết Nguyễn Văn Hân (40 tuổi, nhân viên ngân hàng, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh) có ám ảnh về hành động của mình hay không khi y chính là nguyên nhân gây ra cái chết cho vợ.

Do chán cảnh người chồng độc đoán, gia trưởng, chi li đồng tiền với gia đình, chị Nguyễn Thị Thiên Thu (35 tuổi, nhân viên công ty du lịch) đã có quan hệ ngoài luồng với một đồng nghiệp.

Trong một buổi trưa, khi chị Thu cùng người tình đang ân ái trong khách sạn tại quận 3, Hân bất ngờ ập vào. Không đánh ghen ầm ĩ như những người khác, Hân bình thản đi về sau khi chứng kiến sự việc. Trong suốt một tháng sau đó, Hân im lặng, lạnh lùng, không mở miệng nói chuyện với Thu đến nửa lời.

Cho đến một đêm, Hân quay sang lay vợ dậy, nói sẽ tha thứ cho vợ nếu Thu kể rõ sự việc ngoại tình cho Hân nghe. Với hy vọng chồng sẽ tha thứ cho mình, chị Thu đã kể hết mọi chuyện. Từ 1h sáng cho đến 5h sáng hôm sau, Hân đã tra khảo vợ về chuyện ngoại tình, kể cả việc vợ đã “quan hệ” như thế nào với tình nhân.

Trong đêm ấy, Hân đã bí mật thu âm lại toàn bộ lời kể của vợ và phát đi phát lại đều đặn 24/24h trong nhà. Suốt hai tháng trời, âm thanh tiếng khóc và lời thú tội trong đoạn ghi âm ấy cứ xoáy vào trong tâm trí, ma mị, ám ảnh khiến chị Thu mắc bệnh trầm cảm nặng. Cho đến một ngày, trong lúc bí bách, quẫn trí vì người chồng tiếp tục bật đoạn ghi âm đó, chị Thu đã nhảy từ lầu 5 của khu chung cư tự tử.

Đây chỉ là một trong hơn hàng chục nghìn vụ bạo lực diễn ra hàng năm tại Việt Nam. Còn đâu đó, những câu chuyện thương tâm và bi kịch đang còn tiếp diễn khi nạn nhân của các vụ bạo hành trên không dám lên tiếng bảo vệ cho bản thân mình.

Chia sẻ về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Thị Như Quỳnh (giảng viên Khoa Tâm lý Giáo dục, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh) cho biết, chị đã từng chứng kiến nhiều vụ bạo hành gia đình mà trong đó nạn nhân chủ yếu là người phụ nữ. Nguyên nhân xuất phát chủ yếu do thái độ không tôn trọng, không đồng cảm và công bằng giữa người chồng và người vợ.

Trong cuộc sống gia đình, hai vợ chồng thiếu kiến thức về hôn nhân gia đình, thiếu kỹ năng giải quyết mâu thuẫn gia đình, nên đến lúc nóng giận, không biết kiềm chế đã gây ra những hậu quả rất đau lòng.

Thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy, Phó Giám đốc Công ty Tham vấn kỹ năng sống tâm sự rằng, với rất nhiều nạn nhân bị bạo hành gia đình chị từng tiếp xúc, bi kịch nặng nề bắt đầu từ chính sự nhẫn nhịn không đúng lúc.

Dẫu rằng, “chồng giận thì vợ bớt lời”, phụ nữ cần nhẹ nhàng, khéo léo song cũng cần có bản lĩnh, khẳng định được vị trí, vai trò của bản thân trong gia đình, không nên sống quá phụ thuộc vào chồng. Nếu có hiện tượng bị bạo hành, cần tìm sự trợ giúp từ người thân, đoàn thể, chính quyền địa phương để xử lý rốt ráo.

Với bạo hành gia đình, “phòng” vẫn tốt hơn chống. Đợi đến khi xô xát, gây hậu quả nghiêm trọng, cần đến pháp luật thì nguy cơ tan vỡ gia đình rất lớn. Nếu không chấm dứt được, cách tốt nhất là “thà đau một lần”, kéo dài dễ dẫn đến nhiều hệ lụy mà nạn nhân không chỉ là những người vợ, người mẹ.

Luật sư Huỳnh Minh Vũ, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh: Theo quy định hiện hành, tùy theo mức độ bạo hành, đối tượng bạo hành gia đình có thể bị nhắc nhở, phạt hành chính từ 100.000 đồng đến 2 triệu đồng. Nếu tái phạm nhiều lần, gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự. Về phía nạn nhân, trong Điều 5 của Luật Phòng chống bạo lực gia đình cũng ghi rõ: Nạn nhân bạo lực gia đình có nghĩa vụ cung cấp thông tin liên quan đến bạo lực gia đình cho cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền khi có yêu cầu. Như vậy, nếu nạn nhân không tố cáo, bao che đối tượng bạo hành cũng vi phạm pháp luật.

 

Theo Minh Phương
Công an nhân dân

 

 

 

 

 

 

{fcomment}