Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức tháng 11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng với khát vọng 'chấn hưng văn hóa Việt Nam'. Để chấn hưng văn hóa, để văn hóa nước nhà có vị thế và chỗ đứng trên thế giới, những người làm văn hóa xác định cần 'đưa văn hóa trở thành thương hiệu quốc gia'.
Điện ảnh là ngành được xác định là tiên phong trong công nghiệp văn hóa ở Việt Nam. Làm sao để Điện ảnh phát triển, thực sự đem lại GDP, quảng bá văn hóa con người Việt Nam ra thế giới, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Điện ảnh để làm rõ hơn vấn đề này.
Ông Vi Kiến Thành- Cục trưởng Cục Điện ảnh
+ Thưa ông, Điện ảnh được xem là một ngành nghệ thuật và cũng là một ngành kinh tế. Trong thời gian qua, theo ông, việc phát triển Điện ảnh Việt Nam đang gặp những khó khăn gì?
- Điện ảnh nước ta hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, trong đó đặc biệt là việc kinh phí đặt hàng phim và mới đây là việc xây dựng Quỹ phát triển Điện ảnh đã được đề cập trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh.
Thực tế có nhiều dự án của nước ngoài đang tài trợ cho việc làm phim ở nước ta, đầu tư cho các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập và phim nghệ thuật…Đương nhiên, họ hỗ trợ thì họ có quyền chi phối, định hướng, điều chỉnh mình. Trong khi Điện ảnh của chúng ta không có Quỹ phát triển thì không có kinh phí hỗ trợ các nhà làm phim và các quỹ nước ngoài sẽ nhảy vào. Vậy chúng ta phải làm thế nào? Phải có Quỹ để nắm quyền chủ động đối với các đối tượng là nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập. Nhưng khi đưa Quỹ vào dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi thì rất nhiều ý kiến không đồng thuận. Cho nên, tôi thực sự buồn vì thực tế, đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước đã xác định rất đúng nhưng khi đưa vào triển khai thực hiện thì khó vô cùng.
Ngoài vấn đề thể chế như đã nói ở trên, một điểm nữa là hoạt động sự nghiệp cụ thể. Mỗi năm, trung bình các doanh nghiệp tư nhân họ sản xuất gần 40 phim truyện chiếu rạp. Trong khi phim nhà nước đặt hàng chỉ có 3 phim trong 2 năm. Đấy là một tương quan không cân xứng. Và vấn đề nữa là ở chỗ, phim của tư nhân làm để có doanh thu, lợi nhuận, bán được vé, vì thế, họ chỉ đề cập những đề tài dễ xem, giải trí, hành động, tình yêu….để thu hút khán giả, bán được vé. Đó là điều đương nhiên vì họ phải có lời thì mới sống được, mới làm phim.
Còn phim Nhà nước đặt hàng về đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, đề tài lãnh tụ…chỉ có 3 phim trong 2 năm thì tương quan quá chênh lệch, mất cân đối. Nhưng yêu cầu đặt ra đòi hỏi phải có phim chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử… để phục vụ nhân dân. Giữa yêu cầu và thực tế triển khai bất cập, mất cân đối như vậy.
Không thể quay ra nói các nhà làm phim tư nhân thiếu những tác phẩm có giá trị tư tưởng, người ta làm sao làm phim đề tài chiến tranh, cách mạng, lịch sử được. Người ta phải tồn tại và phát triển đã chứ. Đặt mình vào vị trí của các nhà làm phim độc lập đều thấy họ không có gì sai cả. Vấn đề là nhà nước phải quan tâm thực sự, đầu tư cho những đề tài nhà nước cần, không thể để thực trạng chỉ đầu tư 3 phim trong 2 năm như thời gian vừa qua.
Trong hai năm qua, chỉ có 3 bộ phim được Nhà nước đặt hàng (ảnh phim Bình minh đỏ)
+ Vậy ông có mong muốn gì để Điện ảnh Việt Nam có thể phát triển, trở thành ngành đi tiên phong trong công nghiệp văn hóa?
- Như tôi đã nói ở trên về tỉ lệ mất cân đối giữa phim của các nhà làm phim tư nhân và phim Nhà nước đặt hàng. Ngoài tỉ lệ thì số tiền đầu tư cho mỗi bộ phim cũng quá ít. Phim Nhà nước đặt hàng không quá 20 tỉ/phim, thường thì 15 tỉ/phim, trong khi phim tư nhân họ làm 30-50 tỉ trở lên. Luôn luôn họ gấp đôi, gấp 3 thậm chí cả chục lần. Vì vậy, không có đủ phim Việt để chiếu phục vụ nhân dân.
Hiện cả nước có 228 đội chiếu phim lưu động, là những đội chiếu phim chiếu phục vụ nhân dân miễn phí trong các sự kiện lớn, các dịp lễ của đất nước, nhưng hiện giờ không có nguồn phim để chiếu. Phim phục vụ nhân dân không lấy tiền là phim do Cục Điện ảnh cấp, trong khi 2 năm 3 phim thì lấy đâu phim chiếu. Muốn lấy phim tư nhân đi chiếu thì phải bỏ tiền mua, cấp cho các địa phương. Cũng không có ngân sách để Cục mua bản quyền và cấp cho địa phương.
Vì vậy, tôi nghĩ, Điện ảnh chẳng đòi hỏi cao sang gì nhiều, không dám xin nhưng Nhà nước cần quan tâm mỗi năm làm 10 phim truyện về đề tài Đảng, Nhà nước cần. Mỗi năm 10 phim để các địa phương chiếu các dịp kỷ niệm lớn của đất nước. Giờ không có phim để sản xuất, không có tiền mua phim tư nhân để đi chiếu.
Điện ảnh Việt còn rất nhiều vấn đề. Như quản lý trên không gian mạng, tiền kiểm hay hậu kiểm. Trang thiết bị thiếu thốn trong khi kiểm soát phim trên không gian mạng thì phải bằng công nghệ mới hiện đại 4.0 chứ không phải xem cơ học rồi duyệt. Hiện nay, chúng ta mới chỉ kiểm soát được âm thanh, chữ, chưa kiểm soát được hình ảnh. Nghĩa là về kỹ thuật chúng ta đang "bó tay". Như vậy, không kiểm soát được. Trong khả năng, điều kiện của mình như vậy, chúng ta chấp nhận hậu kiểm. Nhiều người đề nghị tiền kiểm, ai cũng muốn, nếu muốn bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ trương của Đảng thì tốt nhất là tiền kiểm, nhưng phần mềm kỹ thuật còn lạc hậu, nhiều nước trên thế giới cũng bị chứ không phải chỉ chúng ta.
Bên cạnh đó, cần phát giữ và triển khai được Quỹ phát triển Điện ảnh. Nó là cánh tay nối dài, là công cụ quản lý của Nhà nước để định hướng và thực hiện các dự án phim của những đối tượng tương lai của nghệ thuật điện ảnh. Bây giờ nhận thức của chúng ta về Quỹ điện ảnh vẫn lúng túng. Chúng ta mới đang hiểu là Quỹ kinh tế mà không hiểu là công cụ quản lý nhà nước. Chúng ta nắm và điều chỉnh lực lượng sáng tác như thế nào? Hiện nay, các Hội có quản lý được Hội viên trẻ không? Họ có vào các Hội không? Lực lượng nghệ sĩ trẻ rất đông và họ sáng tác độc lập, không tham gia các Hội. Điện ảnh cũng vậy, nếu không có Quỹ phát triển Điện ảnh, không thu hút được các nhà làm phim trẻ, làm phim độc lập thì khó để phát triển.
Ngoài ra, rất nhiều nước duyệt phim theo phân loại độ tuổi, còn chúng ta ngoài phân loại độ tuổi còn kiểm soát nội dung tư tưởng. Thể chế chúng ta khác, chúng ta là Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện, không thể áp cách quản lý của nước ngoài vào Việt Nam được. Việc kiểm duyệt phim của chúng ta, ngoài nội dung (phân loại theo độ tuổi) chúng ta còn phải bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Các nhà làm phim Việt Nam cũng cần nâng cao trình độ, khả năng làm phim lên (ảnh minh họa phim Bố già)
+ Trên thực tế, ở một số nước lân cận chúng ta như Hàn Quốc, Trung Quốc, các nhà làm phim tư nhân, độc lập họ không trông chờ ngân sách nhưng vẫn có những tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa, quảng bá được hình ảnh đất nước, con người của quốc gia ra với thế giới. Vậy vì sao chúng ta lại không?
- Điện ảnh Việt Nam cũng làm được chứ nếu nhiệm vụ định hướng chính trị, tuyên truyền giáo dục chỉ đặt ra cho Điện ảnh khoa học, tài liệu thôi, còn Điện ảnh chiếu rạp thì phải xem là một ngành kinh tế, nghệ thuật vận hành đúng theo cơ chế thị trường. Chúng ta có dám mạnh dạn như thế không? Nếu Điện ảnh chiếu rạp vận hành theo cơ chế thị trường thì sẽ làm được, trở thành ngành công nghiệp.
Ngoài ra, các nhà làm phim Việt Nam cũng cần nâng cao trình độ, khả năng làm phim lên. Nhưng cũng cần gỡ bỏ rào cản về tâm lý sáng tạo cho anh em, thông thoáng hơn nữa thì làm phim tốt hơn.
Bên cạnh đó là vấn đề trong nhận thức. Tất cả các ngành phải thực sự muốn ủng hộ Điện ảnh. Muốn điện ảnh trở thành công nghiệp văn hóa, công nghiệp điện ảnh, đem lại kinh tế, đem lại GDP cho đất nước và quảng bá hình ảnh, văn hóa, đất nước con người Việt Nam ra thế giới một cách tốt nhất thì mọi người phải thay đổi nhận thức, quan tâm phải thực sự chứ không chỉ quan tâm trên lý thuyết.
Như vừa qua, khi xây dựng Dự thảo sửa đổi một số điều của Luật Điện ảnh, một thể chế mà tôi đã thấy không thể hiện được sự quan tâm của các bộ, ngành. Đưa phương án nào ra để thúc đẩy phát triển Điện ảnh thì không Bộ này lại Bộ kia gạt ra.
Vì vậy, như tôi đã nói, chủ trương, chính sách của Đảng thì rất đúng, rất trúng, nhưng khi thực hiện còn khó khăn.
+ Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Nguồn: https://toquoc.vn/xay-dung-thuong-hieu-van-hoa-tu-dien-anh-hay-thay-doi-nhan-thuc-thuc-su-quan-tam-den-dien-anh-20220505163403232.htm
-
Ánh Viên suýt bị loại ở nội dung 400m hỗn hợp
-
NSƯT Hạnh Thúy trở thành 'mẹ chồng' NSƯT Mỹ Uyên
-
TX Hồng Lĩnh hỗ trợ 100 ngàn đồng/m2 thảm nhựa đường rộng 3m trở lên
-
Aston Martin và AMG bắt tay hợp tác
-
Làm thế nào để quản lý nhân viên làm việc từ xa hiệu quả?
-
HN: Dân chen chân ở phố cổ trước đêm phá cỗ trông trăng
-
Chiến lược của Nga trong cuộc chiến thông tin với phương Tây
-
Chồng Khánh Ly qua đời
-
Đơn vị thi công bồn chứa xăng dầu đảm bảo uy tín, chất lượng
-
Vì nắng nóng, tay vợt người Nhật xin thua Đỗ Minh Quân