Vì sao hầu hết mục tiêu trong năm mới đều thất bại

ngày 03/01/2023

Những kế hoạch được thiết lập trong những ngày đầu tiên của năm có xu hướng thất bại vì thiếu trách nhiệm, mơ hồ và không có lộ trình chi tiết để theo dõi.

Các nhà khoa học cho rằng lập kế hoạch mỗi tuần hiệu quả hơn vào đầu năm.

Theo một cuộc khảo sát vào năm 2021, khoảng 67 triệu người Mỹ trưởng thành đã đặt ra các mục tiêu trong năm mới để cải thiện sức khỏe của họ.

Tuy nhiên, trong số những người chọn quyết tâm lành mạnh, 18% đã thất bại vào tháng 1 và 41% không còn đi đúng hướng với dự định ban đầu sau 7 tháng.

Nhằm thúc đẩy người dân nghĩ đến kế hoạch cho bản thân vào mỗi thứ 2 thay vì chỉ một lần duy nhất vào năm mới, nhóm phi lợi nhuận tại thành phố New York đã đề xuất sáng kiến về sức khỏe cộng đồng có tên “The Healthy Monday Refresh”, theo New York Post.

Những thành viên của chiến dịch này tin rằng một khởi đầu tốt đẹp được lặp lại thường xuyên sẽ chấm dứt các bệnh mạn tính và bệnh có thể phòng ngừa được.

“Nghiên cứu mà chúng tôi đang thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg đã cho thấy thứ 2 là thời điểm tối ưu để thúc đẩy các hành vi lành mạnh”, Ron Hernandez, giám đốc điều hành của tổ chức trên, nói với Fox News Digital.

Việc thiết lập mục tiêu cần sự kiên trì và tính trách nhiệm. Ảnh: Pexels.

Lama Bazzi, bác sĩ tâm thần tư nhân, cho biết việc đặt tiêu trong những ngày đầu tiên của năm không mang lại hiệu quả cao.

Điều này được lý giải thông qua bằng chứng khoa học về đằng sau sự hình thành của thói quen. Theo đó, thói quen là một cách để bộ não tự động hóa các kiểu hành vi lặp đi lặp lại nhằm đảm bảo chúng ta sử dụng nhận thức của mình tốt hơn.

Để thay đổi chúng, bản thân mỗi người phải xem xét động cơ thúc đẩy và phần thưởng nhận được khi làm như vậy.

“Ví dụ, nếu tôi muốn ngừng uống rượu vào các ngày trong tuần, tôi cần xác định mong muốn giải tỏa sau giờ làm việc và cân nhắc điều đó có thực sự cần thiết hay không”, Bazzi nói.

Bazzi cho hay nhiều quyết tâm trong năm mới liên quan đến việc điều chỉnh nếp sống. Nhưng thông thường, mọi người không tính đến thực tế là không thể loại bỏ quy tắc cũ khi chưa có thực hành mới thay thế.

Do đó, hầu hết kế hoạch có xu hướng thất bại vì thiếu trách nhiệm, mơ hồ và không có lộ trình chi tiết để theo dõi.

“The Healthy Monday Refresh” gợi ý nếu muốn đạt được kết quả lâu dài, người tham gia nên coi mỗi thứ 2 như một năm mới thu nhỏ. Bằng cách đó, họ có 52 cơ hội để làm mới ý định của mình so với chỉ một lần.

Katy Milkman, nhà khoa học hành vi tại Đại học Pennsylvania, đã phát hiện ra rằng nhiều người giỏi hơn trong việc thiết lập các mục tiêu xung quanh các mốc thời gian, chẳng hạn “hiệu ứng khởi đầu mới”.

Những quyết tâm được đưa ra trong năm mới thường mơ hồ, thiếu chuẩn xác. Ảnh: NY Post.

Nhóm của Milkman đã tiến hành một cuộc khảo sát trên toàn quốc để tìm hiểu xu hướng đó.

Kết quả cho thấy việc bắt đầu các hoạt động như tập thể dục, ăn uống đúng bữa vào đầu tuần sẽ tạo ra động lực để tiếp tục hành vi đó trong những ngày còn lại.

Các nhà nghiên cứu tại Đại học Johns Hopkins cho biết thứ 2 có ý nghĩa đặc biệt với văn hóa phương Tây, được coi là một ngày tốt lành để gửi thông điệp sức khỏe.

Nguồn: zingnews.vn