Dự án nhóm A, do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư
Ngày 27/11, Văn phòng Đoàn ĐBQH-HĐND-UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ vừa có Tờ trình số 7830/TTr-UBND (ngày 18/11) đề nghị HĐND TP tại kỳ họp cuối năm 2019 xem xét, có ý kiến để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tại di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải (giai đoạn 2).
Theo đó, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) là dự án nhóm A, công trình dân dụng cấp II, do Thủ tướng Chính phủ là cấp quyết định chủ trương đầu tư, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là cấp quyết định đầu tư, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng làm chủ đầu tư và Ban QLDA Đầu tư xây dựng TXD các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng là đơn vị quản lý dự án.
Theo Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) nhằm bảo tồn tối đa các thành phần, dấu vết cấu thành di tích gốc, tái tạo một phần không gian cảnh quan và thành phần kiến trúc gốc trong khu vực thành nội. Bổ sung một số thành phần kiến trúc mới nhằm làm rõ hơn giá trị gốc của di tích, tôn vinh và phát huy giá trị của di tích trong cuộc sống đương đại.
Dự án có tổng diện tích sử dụng đất 26.519m2 trong khuôn viên di tích Thành Điện Hải (thuộc phường Thạch Thang, quận Hải Châu). Tổng mức đầu tư của dự án không quá 84.314.060.000 đồng từ nguồn vốn ngân sách TP Đà Nẵng. Thời gian thực hiện dự án 2019 – 2022.
Hạ giải, tôn tạo tượng Nguyễn Tri Phương
Đáng chú ý, dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải (giai đoạn 2) sẽ bao gồm nhiều nội dung công việc chính hết sức quan trọng. Trước hết là “Hạ giải, di dời các thành phần, công trình không phù hợp”.
Cụ thể là hạ giải, di dời Bảo tàng Đà Nẵng và khối nhà 1 tầng phía tả trên nguyên tắc gìn giữ tối đa các thành phần nội thất trưng bày, các trang thiết bị, các vật liệu còn tốt đưa vào tái sử dụng sau này hoặc có các biện pháp thanh lý nguyên vật liệu cụ thể để thu hồi ngân sách, tránh lãng phí, thất thoát.
Diện tích mặt bằng nền phá dỡ Bảo tàng 210m2 (công trình 3 tầng); diện tích phá dỡ khối nhà 1 tầng mái tôn phía tả khoảng 10m2. Đồng thời di dời các thành phần trưng bày ngoài trời không có liên quan tới lịch sử Thành Điện Hải về trưng bày tại khu bảo tàng mới. Di dời tạm, đưa vào bảo quản để tái sử dụng các khẩu súng thần công.
Đặc biệt, sẽ tiến hành “Hạ giải tượng danh tướng Nguyễn Tri Phương”, tôn tạo đưa vào vị trí thích hợp trên tổng thể. Theo đó, sẽ tiếp tục giữ lại tượng Nguyễn Tri Phương, di dời vị trí vào sâu hơn để tạo không gian phía trước rộng rãi. Sử dụng lại phần tượng đá, làm lại hệ thống chân bệ bằng các vật liệu bền vững. Hạ giải di dời toàn bộ cây xanh, thảm cỏ, toàn bộ cấu trúc sân, nền, đường đi lối lại khu vực trong thành nội.
Nội dung quan trọng tiếp theo là “Tiến hành thám sát khảo cổ học” khoảng 50% diện tích trong thành nội làm cơ sở khoa học trong việc phục dựng, tái tạo (trừ các vị trí đã được khảo sát để xây dựng các công trình lớn bên trong).
Cùng với đó, trên cơ sở tư liệu cũ, vị trí quy mô nền móng hiện trạng và kiến trúc cổng thành phía Nam sẽ “Phục dựng lại cổng thành phía Đông”. Cổng được xây bằng gạch mặt bằng chữ nhật có diện tích 15,5m2, hai mặt chính kiến trúc với kiểu cổng cuốn vòm gạch trần, hai bên tường hồi trát vữa vôi truyền thống quét vôi màu ghi, cửa gỗ hai cánh đặc sơn màu nâu, phía trên nóc có tường hoa cao 0,7m trát vữa, quét vôi màu ghi sáng bao quanh. Chiều rộng cửa 2,6m; chiều cao cửa 3,1m; chiều cao lớn nhất 5,05m.
Đồng thời cũng sẽ tiến hành “Phục dựng cổng và cầu phía Tây”. Trong đó, đối với phần cổng phục hồi lại như cổng Nam, đối với phần cầu có thể phục hồi theo hướng phục dựng lại theo hình mẫu cây cầu rút thời Nguyễn.
Phục dựng kỳ đài
Đáng chú ý, dự án cũng sẽ tiến hành “Phục dựng kỳ đài” trong khuôn viên di tích Thành Điện Hải. Hướng kỳ đài nằm ở phía Nam, với vị trí nằm ở hướng Nam chếch Đông đã được đề xuất trên tổng thể. Kỳ đài bao gồm hai thành phần chính: phần đài và phần cột cờ.
Phần đài có chiều ngang 15,04m; chiều sâu 12,96m; cao 2,82m có hai cầu thang rộng 3,8m đi lên từ hai phía Đông và Tây. Thân kỳ đài được xây gạch vồ để trần không trát, cầu thang và lan can xung quanh xây gạch chỉ trát vữa xi măng, quét vôi màu ghi xám.
Phần cờ gồm một thân cột nằm chính giữa đài gồm hai đoạn: Đoạn 1 cao 15,275m, đường kính gốc 0,42m; Đoạn 2 cao 8,25 m đường kính gốc khoảng 0,22m hai đoạn được nối với nhau bằng hai thanh gỗ kẹp dài 5,17m. Về kết cấu sẽ sử dụng các ống thép cuốn hình côn, thép hộp, bề mặt sơn màu giả gỗ.
Toàn bộ phần bên dưới của đài được hạ thấp tận dụng làm không gian nghỉ ngơi, bán đồ lưu niệm, giải khát với diện tích 160m2, chiều cao thông thủy 3,22m.
Đối với việc “Sắp đặt, bảo quản và bổ sung các khẩu thần công”, Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, hiện số lượng súng thần công còn lại tại di tích Thành Điện Hải là 11 khẩu. Sẽ trưng bày tập trung một góc hoàn chỉnh gồm 7 khẩu tại góc phía Đông Bắc, 4 khẩu trong nhà để súng.
Đồng thời phục chế thêm 23 khẩu trong đó 21 khẩu trưng bày tại vị trí của 3 góc thành còn lại là góc Tây Bắc, Tây Nam, Đông Nam của thành; 02 khẩu còn lại trưng bày hai bên của kỳ đài. Các khẩu pháo phải được vệ sinh, bảo quản đặt trên bệ, giá gỗ đảm bảo tồn tại trong điều kiện môi trường tự nhiên.
Cùng với đó, tiến hành “Phục dựng nhà để súng” với kiến trúc theo phong cách Nguyễn, mặt bằng công trình 3 gian, 2 hàng chân cột, mái ngói; kết cấu khung cột gỗ đơn giản. Diện tích mặt bằng 42m2; chiều cao nền 0,15m; chiều cao tàu mái 2,23m; chiều cao thượng lương 4,78m và chiều cao nóc 4,91m.
Dự án cũng sẽ thực hiện “Tu bổ các bờ tường thành”. Cụ thể là hạ giải, thay thế, gia cố sửa chữa lại toàn bộ các vị trí trên tường thành đã bị hư hỏng hoặc đã được sửa chữa thay thế bằng các vật liệu không phù hợp làm ảnh hưởng tới cấu trúc và thẩm mỹ của di tích. Các vật liệu thay thế phục chế theo đúng hình thức, chất liệu của vật liệu nguyên gốc và phải được phân biệt với các vật liệu gốc để thấy rõ quá trình, thời gian của quá trình tu sửa.
Đồng thời tiến hành “Làm sạch, bảo quản toàn bộ bề mặt trong và ngoài tường thành”, bằng các công nghệ khoa học kỹ thuật hiện đại loại bỏ toàn bộ các thành phần gây hư hại trên bề mặt tường của di tích: Cây cỏ dại, nấm mốc, địa y, rêu tảo…
Bảo quản toàn bộ bề mặt bằng phương pháp hóa học tránh sự xâm nhập trở lại của các nhân tố gây hư hại. Đây là công tác định kỳ cần có kế hoạch thường xuyên liên tục trong quá trình khai thác, vận hành, sử dụng di tích.
Dự án cũng sẽ “Xây dựng Miếu thờ” nằm ở góc Tây Nam của thành, phía sau tượng đài Nguyễn Tri Phương. Miếu được xây dựng trên một cấp nền cao hơn nền sân 0,75m, lát gạch đỏ 300x300. Phía trước miếu thờ trên trục chính được bố trí các thành phần khác như bình phong, lư hương đá, hai cây lưu niên nằm hai bên nhằm tăng thêm vẻ trang nghiêm, cổ kính cho khu vực miếu thờ.
Miếu thờ có hình thức kiến trúc theo phong cách các di tích kiến trúc gỗ truyền thống khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng. Miếu thờ mặt bằng chữ nhất 1 gian 2 chái, 5 hàng chân cột, nền lát gạch bát 300x300, mái lợp ngói âm dương; hệ thống khung cột gỗ lim, có hệ thống tường gạch bao quanh. Diện tích mặt bằng 44m2; chiều cao nền 0,15m; chiều cao tàu mái 2,23m; chiều cao thượng lương 4,78m và chiều cao nóc 4,91m.
Xây dựng Nhà trưng bày ngầm dưới lòng đất
Trong khi đó, “Nhà trưng bày” sẽ được xây ngầm toàn bộ dưới lòng đất, quy mô công trình nhỏ chìm phía dưới không cản trở tầm nhìn tầm bao quát chung toàn bộ tổng thể khu di tích. Kiến trúc công trình phong cách hiện đại không gây cảm giác lẫn lộn với các thành phần chính của di tích.
Nhà trưng bày có tổng diện tích xây dựng 453,8m2, gồm: 1 phòng trưng bày chính (174,1m2); 1 phòng trải nghiệm thực tế ảo 3D (92,8m2); 1 phòng làm việc (45m2); 1 phòng kỹ thuật phục vụ âm thanh, ánh sáng cho toàn bộ khu vực nhà trưng bày (16,5m2); 1 khu vệ sinh nam (14,7m2) và 1 khu vệ sinh nữ (15m2).
Giao thông lên xuống gồm 3 lối: Lối chính rộng 2,8m tiếp cận từ chính giữa phục vụ nhu cầu tham quan, đi lại hàng ngày; 2 lối phụ rộng 1,2m nằm ở hai bên phòng trải nghiệm thực tế ảo, chạy ra phía sau, hai thang này chỉ sử dụng thoát người khi cần thiết.
Nội dung trưng bày, trình diễn và mô phỏng di tích bao gồm ba thành phần cơ bản chính:
+ Hệ thống trưng bày được đặt trong phòng trưng bày chính bao gồm các tủ kệ trưng bày các hiện vật lịch sử, các tranh ảnh, tài liệu, tư liệu, bản đồ liên quan tới lịch sử, quá trình hình thành di tích Thành Điện Hải.
+ Hệ thống trình diễn sa bàn 3D về lịch sử, địa thế Thành Điện Hải: Kết hợp sử dụng âm thanh, ánh sáng để trình diễn. Sa bàn được đặt tại phòng trưng bày chính với mặt bằng hình vuông 4,5mx4,5m; gần sát khu vực tường hậu phía trên là màn hình chiếu phim 3D.
+ Xây dựng phim 3D về lịch sử hình thành kiến trúc Thành Điện Hải.
Cùng với đó sẽ xây dựng hệ thống trải nghiệm thực tại ảo 3D về một trận đánh tiêu biểu tại Thành Điện Hải.
“Nhà nghỉ chân” sẽ được xây dựng tại vị trí hướng Bắc chếch Đông trong tổng thể khu di tích với hình thức kiến trúc đơn giản, hiện đại gồm 3 gian, khung cột thép, mái lợp kính sẫm màu, nền lát gạch bát phục chế 300x300x50, bó vỉa đá xanh. Diện tích xây dựng 57,6m2, chiều cao nền 0,15m, chiều cao đỉnh mái 4,25m.
“Nhà bảo vệ” ở phía trong cổng phía Đông sẽ được xây dựng với kiến trúc, hình thức đơn giản phù hợp với di tích, kết cấu dễ dàng di chuyển, tháo lắp trong quá trình sử dụng. diện tích 5m2. Đồng thời dự án cũng sẽ xây dựng hệ thống bia, biển chỉ dẫn, giới thiệu; hệ thống hạ tầng kỹ thuật cấp điện; cấp thoát, nước; PCCC; chống mối, vệ sinh môi trường khu vực…
Dự án sẽ mang lại hiệu quả về văn hóa và phát triển du lịch
Theo NSND Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng, di tích Thành Điện Hải có giá trị to lớn về lịch sử văn hóa và kiến trúc, là một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử chiến đấu hào hùng của dân tộc trong giai đoạn đầu chống thực dân Pháp.
Việc bảo tồn, tu bổ phục hồi di tích Thành Điện Hải không chỉ nhằm bảo tồn một di tích lịch sử có giá trị mà việc làm này còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của cha ông cho các thế hệ mai sau.
Việc đầu tư vào di tích sẽ đem lại hiệu quả cao, trước tiên là trong việc gìn giữ các giá trị lịch sử văn hóa của Việt Nam cũng như toàn nhân loại; đồng thời cũng mang lại những lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế - du lịch, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân TP Đà Nẵng.
“Di tích cần có sự đầu tư lớn, xứng tầm để nâng cao vị thế, phát huy tốt nhất các giá trị trong cuộc sống hiện đại và mai sau. Do vậy, việc tiếp tục đầu tư tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2 là cần thiết. Dự án được đầu tư sẽ mang lại hiệu quả về mặt văn hóa và phát triển du lịch của TP Đà Nẵng” – NSND Huỳnh Văn Hùng nhấn mạnh khi trao đổi với PV Infonet.
Nguyễn Tri Phương (1800 – 1873), quê ở làng Đường Long (Chí Long), xã Điền Lộc, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế, là một đại danh thần thời nhà Nguyễn.Ông là vị Tổng chỉ huy quân đội triều đình Nguyễn chống lại quân Pháp xâm lược lần lượt ở các mặt trận Đà Nẵng (1858), Gia Định (1861) và Hà Nội (1873).
Ngày 1/9/1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng xâm lược Đà Nẵng. Quân dân Đà Nẵng dưới sự chỉ huy lần lượt của các danh tướng Đào Trí, Lê Đình Lý... và đặc biệt là danh tướng Nguyễn Tri Phương đã cầm chân và gây thiệt hại cho liên quân xâm lược Pháp - Tây Ban Nha, làm thất bại âm mưu "đánh nhanh thắng nhanh" của lực lượng viễn chinh này ngay tại Đà Nẵng.
Thắng lợi của buổi đầu Đà Nẵng kháng Pháp 1858 – 1850 là một trong những trang sử đẹp nhất trong lịch sử chống Pháp của dân tộc ta nửa cuối thế kỷ 19. Và danh tướng Nguyễn Tri Phương cũng được ghi nhận là vị tướng đầu tiên giành thắng lợi trong công cuộc chống xâm lược từ phương Tây.