Vì sao các nước đua nhau giành danh hiệu 'Di sản Thế giới' của UNESCO?

ngày 23/11/2021

Hàng năm, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) đều tiến hành công bố danh sách những điểm đến, di sản (vật thể và phi vật thể) của thế giới. Nhưng điều gì khiến danh hiệu này lại được quan tâm và có ý nghĩa nhiều đến vậy?

Trở thành 'Di sản Thế giới được UNESCO công nhận' không phải điều dễ dàng

Theo ông Kishore Rao, cựu Giám đốc Ủy ban Di sản Thế giới thì các quốc gia đều phải trải qua quá trình đăng ký rất lâu dài và gian khổ. Bởi lẽ, đây phải là những di sản mang giá trị phổ quát nổi bật của thế giới và đáp ứng được ít nhật một trong mười tiêu chí lựa chọn.

Tại sao lại có nhiều hồ sơ đăng ký tới vậy?

Khi Vườn Quốc gia Lake District (Quận Hồ) của Anh được đưa ra xem xét vào năm 2016, ông John Hodgson, người đứng đầu dự án xây dựng hồ sơ đăng ký cho biết danh hiệu này của UNESCO chính là một sự công nhận mang tầm quốc tế và trở thành động lực thúc đẩy du lịch và các doanh nghiệp địa phương.

Vườn Quốc gia Yellowstone của Mỹ cũng là một trong những địa danh đầu tiên được UNESCO trao danh hiệu này vào năm 1978. Theo phát ngôn viên Al Nash, những tác động kéo theo sau danh hiệu này cũng không gây ảnh hưởng tới cảnh quan và môi trường nơi đây nhờ vào những biện pháp bảo vệ chặt chẽ của Ban quản lý.

Mặc dù vậy, những lo lắng của các chuyên gia về ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên khi du lịch phát triển ngoài kiểm soát không phải không có cơ sở. Nhiều địa danh trong số hơn 1.000 di sản được UNESCO công nhận hiện đang phải đối mặt với mặt trái của sự nổi tiếng.

Một ví dụ điển hình là Quần đảo Galápagos đã liên tục được xếp vào 'danh sách nguy hiểm' cần bảo tồn của Ủy ban từ năm 2007 đến năm 2010 vì mối đe dọa của các loài xâm lấn, đánh bắt quá mức và du lịch thiếu quy hoạch gây ra.

Bà Denis Landenbergue, quản lý việc bảo tồn đất ngập nước của WWF (Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên Toàn Cầu) thừa nhận chính danh hiệu 'Di sản Thế giới' của UNESCO là một trong những lý do chính khiến lượng khách du lịch tới quần đảo Galápagos tăng đột biến và chính phủ Ecuador cần phải triển khai những biện pháp cấp bách để phát triển du lịch ở đây một cách bền vững hơn.

Đâu là ý nghĩa thực sự của danh hiệu này?

Danh hiệu 'Di sản Thế giới được UNESCO công nhận' có thể là thỏi nam châm thu hút khách du lịch cũng như các nguồn tài trợ bảo tồn. Đây cũng là động lực để các cấp quản lý địa phương phát triển những chính sách du lịch có trách nhiệm và bền vững.

Có thể bạn chưa biết?

Đầu tháng 8/2021, UNESCO vừa công bố danh sách 33 'Di sản Thế giới' mới.

Vườn Quốc gia Lake District từng hai lần bị UNESCO từ chối công nhận là 'Di sản Thế giới' vì không thể quyết định được đây là di sản 'tự nhiên' hay 'văn hóa'. Sau khi, tổ chức này ban hành thêm hạng mục những di sản 'cảnh quan văn hóa' thì Vườn Quốc gia Lake District mới chính thức được công nhận.

UNESCO đã ba lần tước danh hiệu 'Di sản Thế giới'. Đầu tiên là Khu bảo tồn động vật hoang dã ở Oman vào năm 2007 khi để nạn săn bắn trái phép diễn ra trầm trọng gây ảnh hưởng tới môi trường sống khiến loài linh dương ở đây gần như bị xóa sổ hoàn toàn. Thứ hai là Thung lũng Dresden Elbe của Đức khi chính quyền nước này quyết định xây một cây cầu 4 làn xe bắc qua con sông vào năm 2009. Và mới đây nhất, thành phố cảng Liverpool của Anh cũng đã chính thức bị UNESCO đưa ra khỏi danh sách các Di sản thế giới.

Việt Nam có 8 di sản vật thể được UNESCO vinh danh: Quần thể di tích cố đô Huế, Khu phố cổ Hội An, Khu di tích đền tháp Thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam), Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội), Thành nhà Hồ (Thanh Hóa), Vịnh Hạ Long (Quảng Ninh), Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Quần thể danh thắng Tràng An - Ninh Bình (Ninh Bình).

Nguồn: https://vietnamnet.vn/vn/du-lich/vi-sao-cac-nuoc-dua-nhau-gianh-danh-hieu-di-san-the-gioi-cua-unesco-794804.html