Vàng châu Á vững giá phiên sáng 5/4

ngày 05/04/2021

Vàng châu Á vẫn vững giá phiên sáng 5/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Giá vàng giao ngay đứng ở mức 1.728,6 USD/ounce, vào lúc 8 giờ 46 phút (theo giờ Việt Nam). Giá vàng kỳ hạn tăng 0,1%, lên 1.729,5 USD/ounce.

Kinh tế Mỹ đã tạo được nhiều việc làm nhất trong bảy tháng vào tháng 3, khi nhiều người dân được tiêm vaccine hơn và chính phủ tăng cường các biện pháp hỗ trợ, đánh dấu sự khởi đầu cho hoạt động kinh tế có thể là mạnh nhất trong gần 4 thập kỷ trong năm nay.

Lợi suất trái phiếu ngắn hạn của Mỹ ở gần mức đỉnh của 14 tháng, trong khi đồng USD có thể tiếp tục đà tăng trước các đồng tiền mạnh trong phiên này, sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo việc làm tháng 3.

Vàng được xem như tài sản an toàn trước sự gia tăng lạm phát, nhưng lợi suất trái phiếu tăng đã làm tăng chi phí cơ hội cho việc nắm giữ vàng, gây sức ép lên giá kim loại quý này.

Trong phiên sáng, giá bạc tăng 0,2%, lên 25,01 USD/ounce, trong khi giá bạch kim tăng 0,4%, lên 1.214,03 USD/ounce và giá palladium ổn định ở mức 2.666,43 USD/ounce.

Tại thị trường trong nước, vào lúc 9 giờ 57 phút ngày 5/4, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 54,7 - 55,1 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

Giá dầu châu Á dứt đà tăng mạnh

Giá dầu châu Á đi xuống trong phiên đầu tuần 5/4, dứt đà tăng mạnh của tuần trước sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất ngoài khối (gọi chung là nhóm OPEC+) đồng ý nới lỏng dần một số kế hoạch cắt giảm sản lượng từ tháng 5 - 7/2021.

Phiên này, giá dầu Brent giao tháng 6/2021 giảm 33 xu Mỹ (tương đương 0,5%) xuống 64,53 USD/thùng lúc 9 giờ 6 phút (giờ Việt Nam). Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng 5/2021 giảm 25 xu Mỹ(0,4%) xuống 61,20 USD/thùng.

Sau cuộc họp mới nhất vào tuần trước, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng thêm 350.000 thùng/ngày vào tháng 5, thêm 350.000 thùng/ngày nữa vào tháng 6 rồi lên 400.000 thùng/ngày vào tháng 7.

Với sự điều chỉnh này, mức cắt giảm sản lượng của OPEC+ sẽ chỉ trên 6,5 triệu thùng/ngày từ tháng Năm, giảm so với mức gần 7 triệu thùng/ngày trong tháng 4.

Hầu hết nguồn cung dầu gia tăng sẽ đến từ nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia. Quốc gia Vùng Vịnh này cho biết họ sẽ dừng việc cắt giảm bổ sung tự nguyện vào tháng 7 - động thái sẽ khiến sản lượng của Saudi Arabia tăng thêm 1 triệu thùng/ngày.

Sau đó hôm 4/4, tập đoàn dầu mỏ Saudi Aramco cũng thông báo tăng giá bán chính thức (OSP) cho khu vực châu Á trong tháng 5.

Giới quan sát cho rằng những động thái trên thể hiện sự lạc quan của Saudi Arabia và OPEC+ về đà phục hồi nhu cầu năng lượng thế giới.

Tuần này, các nhà đầu tư sẽ dành nhiều sự chú ý vào các cuộc đàm phán tại Vienna, Áo giữa Iran và Mỹ. Đây là một phần trong khuôn khổ các cuộc đàm phán rộng hơn nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Tehran và các cường quốc toàn cầu.

Trước cuộc đàm phán, Bộ Ngoại giao Iran cho biết họ muốn phía Mỹ dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt và bác bỏ biện pháp nới lỏng từng bước các hạn chế.

Nhà phân tích Henry Rome của công ty tư vấn Eurasia cho biết nhiều khả năng các lệnh trừng phạt của Mỹ, bao gồm các hạn chế đối với việc bán dầu của Iran, chỉ được dỡ bỏ sau khi các cuộc đàm phán hoàn tất và Iran tuân thủ trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015.

Nguồn Tin Tức TTXVN