'Tuýt còi' ngân hàng mẹ bơm vốn cho công ty chứng khoán

ngày 09/07/2012

Theo Ủy ban Chứng khoán, việc hỗ trợ vốn quá mức giữa ngân hàng mẹ và công ty chứng khoán gây rủi ro lớn với thị trường tài chính. Cơ quan quản lý cũng đã yêu cầu các nhà băng sớm thu hồi nguồn vốn này.

nguyen-doan-hung-090720127
Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán - Nguyễn Đoan Hùng cho rằng việc hỗ trợ vốn của ngân hàng cho công ty chứng khoán là rất rủi ro. Ảnh: N.M

Nhận định này được Ủy ban Chứng khoán đưa ra sau khi tiến hành kiểm tra tài chính tại một số công ty chứng khoán thuộc ngân hàng như Nông nghiệp (Agriseco), Công thương (VietinbankSC) và BIDV (BSC). Theo Phó chủ tịch Nguyễn Đoan Hùng thì phần hỗ trợ lớn và tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất được ghi nhận ở Agriseco.

Không tiết lộ số tiền hỗ trợ cụ thể là bao nhiêu nhưng trao đổi với VnExpress.net, ông Hùng cho biết các khoản tiền này chủ yếu được cung ứng thông qua các nghiệp vụ như môi giới, giao dịch trái phiếu… Việc kiểm tra tại Agriseco được Ủy ban tiến hành vào cuối năm 2011. Sau đó, công việc tiếp tục được triển khai tại 2 công ty chứng khoán khác là VietinbankSC và BSC. Tuy nhiên, kết quả tại VietinbankSC hầu như không thấy sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng mẹ trong khi BSC vẫn đang trong quá trình tổng hợp kết quả.

Tuy vậy, đại diện Ủy ban Chứng khoán vẫn nhận định việc ngân hàng bơm vốn cho công ty chứng khoán hiện khá phổ biến. “Các công ty chứng khoán hiện có vốn chủ sở hữu khoảng 36.000 tỷ đồng, tổng tài sản khoảng 100.000 tỷ, chưa kể đến các công ty quản lý quỹ… thì việc luân chuyển vốn thiếu giám sát là rất rủi ro”, ông nhận định.

Cũng theo Phó chủ tịch Nguyễn Đoan Hùng thì việc giám sát luân chuyển vốn giữa các thị trường tiền tệ - chứng khoán - bảo hiểm đang là mối lo chung của các cơ quan giám sát tài chính quốc tế, được thể hiện tại Hội nghị ủy ban chứng khoán quốc tế (IOSCO) tháng 5 vừa qua tại Trung Quốc. Về phía Việt Nam, sau khi phát hiện những trường hợp hỗ trợ nêu trên, Ủy ban Chứng khoán và Bộ Tài chính đã có văn bản đề xuất Chính phủ yêu cầu các ngân hàng thu hồi các phần vốn “bơm” cho công ty chứng khoán, thu hẹp phạm vi các khoản hỗ trợ sau này.

Ngoài ra, để kiểm soát tài chính của các công ty chứng khoán, kể từ 1/7, Ủy ban đã đưa vào áp dụng Thông tư 226, theo đó, tiến hành phân loại các công ty thành 3 nhóm: kiểm soát đặc biệt, trung bình, khá - dựa trên báo cáo tài chính 6 tháng, một năm. Theo ông Hùng, hiện có 7 công ty nằm trong diện kiểm soát đặc biệt (có tỷ lệ vốn khả dụng trên tổng rủi ro dưới 120%). Trước đó, Ủy ban Chứng khoán đã công bố 6 trong số này, bao gồm: Chứng khoán Cao su, Vina, Hà Nội, Trường Sơn, Đà Nẵng và Mê Kông.

Nhật Minh