Những thông tin về tỷ lệ khó tìm việc làm sau tốt nghiệp của các tân cử nhân được đưa ra trong những năm gần đây đều cho thấy số cử nhân, kỹ sư thất nghiệp ngày một nhiều lên.
Đã có một số ý kiến cảnh báo ngay trong năm 2017 này sẽ có khoảng 200.000 cử nhân thất nghiệp. Những thông tin trên chính xác đến đâu và nguyên nhân vì sao dẫn đến tình trạng này? Do tính toán sai khi lựa chọn ngành nghề, hay tâm lý trọng bằng cấp vẫn còn nặng trong xã hội nên số người tốt nghiệp phổ thông vào đại học vẫn chiếm đa số?
Thí sinh chưa sử dụng quyền chủ động
Những cảnh báo về tỷ lệ thất nghiệp của cử nhân, kỹ sư là có nhưng theo đánh giá của nhiều chuyên gia, những con số này còn mang tính cơ học nhiều chứ chưa đi vào chi tiết để có thể đánh giá chính xác những ngành nghề nào có tỷ lệ thất nghiệp cao hay nguyên nhân vì sao. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể về thị trường lao động và các nguồn cung thì cũng phần nào thấy rằng, một con số khá lớn cử nhân mới ra trường hoặc đã tốt nghiệp nhiều năm nhưng lại chưa có việc làm là có.
Nhưng nói đi phải nói lại, các bạn đó đã chọn lựa đúng ngành nghề cho mình để phù hợp với nhu cầu nhân lực trong xã hội chưa, hay nhiều người vẫn chạy theo tâm lý đám đông - ngành nghề nào hot thì theo học. Chính từ những suy nghĩ chưa thấu đáo đó đã dẫn đến việc có những cử nhân, kỹ sư thậm chí là thạc sĩ cũng chấp nhận làm trái ngành được đào tạo, chấp nhận làm những công việc đơn giản, không yêu cầu bằng cấp đang là thực tế của thị trường lao động hiện nay.
Về việc này, ông Đào Quang Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) - cho rằng: Những năm gần đây, việc tỷ lệ lao động tốt nghiệp ĐH, CĐ có tỷ lệ thất nghiệp cao hơn nhóm lao động khác đều có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.
Trước hết, trong cơ cấu đào tạo hiện nay thì số lượng đào tạo ĐH, CĐ cao hơn hẳn so với bậc trung cấp, sơ cấp. Hiện nay, trong tỷ lệ đào tạo chung, cứ 1 người được đào tạo đại học thì chỉ có 0,36% người theo học là cao đẳng và 0,68% là trung cấp và 0,86% là sơ cấp.
Tác động từ gia đình cũng có tính quyết định, khi mà nhiều bậc cha mẹ vẫn hướng con em mình vào học ngành nghề chưa phù hợp, chủ yếu phục vụ mong mỏi của họ. Đó còn là hiệu quả của hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm và hướng nghiệp cho các em học sinh trong nhà trường chưa được tốt và thông tin thị trường lao động, nhất là việc kết nối cung và cầu thị trường lao động nhiều người, nhiều học sinh, nhiều gia đình không nắm được các doanh nghiệp họ đang cần loại lao động nào, trình độ nào để hướng con em mình và học ngành nghề đó.
Thêm một nguyên nhân không kém phần quan trọng là chất lượng đào tạo tại các trường, cơ sở đào tạo chưa đạt cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng thất nghiệp.
Khách quan mà nói, một tỷ lệ khá cao sinh viên tốt nghiệp ra trường mà không có việc làm không chỉ gây lãng phí cho gia đình, cho xã hội. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc để ngành Giáo dục và Lao động tìm lời giải cho bài toán này là quá khó vì thực tế giữa đào tạo lao động và nhu cầu lao động luôn có những biến động. Thực tế này không phải chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới cũng phải chấp nhận có một tỷ lệ nhất định sinh viên tốt nghiệp ra trường thất nghiệp.
Vấn đề ở đây là số khó tìm việc chỉ là thiểu số trong mỗi khóa đào tạo. Tất nhiên số ít này sẽ thường rơi vào những bạn có năng lực làm việc hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Trong số này cũng không ít người còn “nhầm lẫn” trong tính toán khi lựa chọn ngành nghề theo học nên có những đổi thay về nghề nghiệp sau này.
Hãy là người học thông thái
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2017, Bộ GD&ĐT chủ trương để các trường tự chủ ngày càng cao, thí sinh được đăng ký xét tuyển không hạn chế nguyện vọng… những quy định mới này có lợi cho cả nhà trường và thí sinh. Với nhà trường, việc tự chủ cao trong xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc thêm trách nhiệm giải trình với xã hội, còn thí sinh thì tăng thêm cơ hội xét tuyển cũng đồng nghĩa với việc phải tính toán sao cho chính xác để sự lựa chọn của mình phù hợp với năng lực học tập và trúng tuyển vào ngành, trường nào đó theo đúng nguyện vọng của mình.
Các chuyên gia cảnh báo thí sinh là mùa tuyển sinh năm 2016 đã có tình trạng những trường đại học lớn đưa ra mức điểm thu nhận hồ sơ (chứ không phải trúng tuyển) khá thấp nên làm cho thí sinh “lạc quan” không đúng. Vì thực chất đây chỉ là ngưỡng để nhận hồ sơ, còn khi xét tuyển thì họ lấy từ trên xuống nên những thí sinh không sáng suốt, điểm thấp mà nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển thì chắc chắn trượt.
Về vấn đề này, PGS.TS Bùi Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương - cho rằng: Thông thái trong việc tự đánh giá năng lực học tập của mình đến đâu để đăng ký xét tuyển vào trường nào đó cho phù hợp là điều cần thiết. Trường nào, người học đó, như Trường Đại học Ngoại thương chắc chắn thí sinh trúng tuyển vào trường phải là những em có năng lực học tập xuất sắc nhất.
Các bạn cần biết rằng không chỉ Trường Đại học Ngoại thương mà những trường đại học tốp đầu khác, điểm xét tuyển nếu có được đưa ra ở mức trung bình thì cần phải hiểu đây là mức điểm sàn, mức điểm này không phải mức trúng tuyển, mức trúng tuyển thường cao hơn so với mức điểm sàn được đưa ra. Trước khi xét tuyển vào trường nào đó, các bạn cần tham khảo thêm mức điểm trúng tuyển hàng năm của những trường này, trên cơ sở đó có thể đưa ra lựa chọn cuối cùng cho chính xác.
Nguồn GDTĐ
-
Giá đất Cần Giờ tăng hơn 200% sau các cơn sốt đất
-
Chi tiết Mazda3 phiên bản kỷ niệm 100 năm tại Việt Nam
-
Vì sao khách hàng `mê` The Sun Avenue?
-
Thi thể người đàn ông nổi trên sông Gò Công
-
Giá vàng hôm nay 15/2 (Mùng 4 Tết): Lại tụt sâu
-
Mỹ phẩm nghi gây ung thư vẫn ngập thị trường
-
Nợ công Việt Nam cận kề ngưỡng rủi ro
-
Thớt là vật dụng chứa nhiều vi khuẩn trong gian bếp nhà bạn
-
Ford triệu hồi hơn 660.000 xe Explorer tại Bắc Mỹ
-
Bộ Giao thông lại yêu cầu địa phương bỏ quy định gây khó lưu thông