Trung Quốc đưa 3 phi hành gia đầu tiên lên trạm vũ trụ mới

ngày 17/06/2021

Nhóm 3 phi hành gia được đưa lên trạm vũ trụ của Trung Quốc trong ngày 17/6. (Ảnh: Xinhua)

Ba phi hành gia sẽ được tên lửa Trường Chinh-2F đưa lên trạm vũ trụ Thiên Cung và họ sẽ ở lại đó trong 3 tháng.

Tên lửa được phóng lên lúc 9h22 (giờ địa phương) từ bệ phóng Jiuquan thuộc cao nguyên Gobi ở phía tây bắc Trung Quốc.

Tàu vũ trụ Thần Châu -12 sẽ cập trạm Thiên Hòa. Trạm này là bộ phận chính của trạm vũ trụ và đã được đưa lên quỹ đạo từ ngày 29/4.

Trạm này có không gian riêng cho mỗi phi hành gia, có máy tập thể dục, trung tâm liên lạc bằng email và gọi truyền hình được điều khiển từ mặt đất.

Đây là sứ mệnh đưa người lên vũ trụ đầu tiên mà Trung Quốc thực hiện trong 5 năm qua.

Chuyến đi này sẽ tạo nên uy tín lớn cho Trung Quốc khi nước này chuẩn bị 100 năm thành lập đảng vào ngày 1/7.

Để chuẩn bị cho hành trình, nhóm phi hành gia đã trải qua hơn 6.000 giờ huấn luyện, bao gồm hàng trăm lần nhào lộn dưới nước trong trang phục phi hành gia.

Chỉ huy nhóm là Nie Haisheng, phi công của quân đội Trung Quốc và là người đã tham gia hai chuyến đi vào vũ trụ. Hai phi hành gia còn lại cũng là người của quân đội.

Trong một năm rưỡi tới, 11 sứ mệnh khác sẽ được triển khai để hoàn thành lắp đặt trạm Thiên Cung trên quỹ đạo.

Nhóm phi hành gia đầu tiên sẽ thử nghiệm và duy trì hệ thống, bước đi trong không gian và tiến hành các thí nghiệm.

Tham vọng vũ trụ của Trung Quốc được thúc đẩy một phần vì bị Mỹ cấm các phi hành gia của nước này lên Trạm vũ trụ quốc tế, công trình hợp tác giữa Mỹ, Nga, Canada, châu Âu và Nhật Bản.

Trạm này dự kiến sẽ dừng hoạt động sau năm 2024, nhưng NASA cho biết nó có thể duy trì đến sau năm 2028.

Thiên Cung có quy mô nhỏ hơn ISS và dự kiến có thể duy trì trong ít nhất 10 năm.

Nguồn Tiền Phong