Trung Quốc: Cuộc sống khó khăn trong trường nội trú

ngày 09/05/2017

 Hệ thống trường nội trú tại Trung Quốc được lập ra với ý nghĩa tốt đẹp ban đầu là tạo thuận lợi cho học sinh vùng xa trung tâm, bảo đảm thể chất… Tuy nhiên, kinh phí hạn hẹp khiến cơ sở vật chất trường nội trú nghèo nàn, ngay dinh dưỡng học sinh cũng không được bảo đảm…

Trung Quốc: Cuộc sống khó khăn trong trường nội trú

Trường học đa lợi ích

Thứ 6 là ngày mong đợi với cậu bé 8 tuổi Yang Zongtao. Cậu sẽ được gặp mẹ và em gái sau cả tuần học nội trú tại Trường Tiểu học Jiaoba tại Quý Châu, tỉnh phía Nam và thuộc loại nghèo nhất Trung Quốc. Từ nhà của Yang tới trường mất khoảng 1 giờ đi bộ và quá xa để một mình đi lại hàng ngày. Vì thế giống như nhiều triệu học sinh nông thôn Trung Quốc, Yang ở nội trú tại trường cả tuần. Có nhiều học sinh nông thôn bắt đầu cuộc sống nội trú khi mới 3 tuổi.

Tại Trung Quốc, giáo dục cho người dân nông thôn từ lâu là một thách thức lớn. Vào những năm 1990, hầu như mỗi làng có 1 trường tiểu học hoặc “điểm dạy học”, nơi trẻ từ 6 - 10 tuổi thường học chung trong 1 lớp. Tuy nhiên, số lượng học sinh giảm dần do tỉ lệ sinh giảm và làn sóng di cư ra thành phố. Chính quyền địa phương đã đóng cửa những trường làng ít học sinh và dồn nguồn lực vào những trường lớn hơn như Trường Tiểu học Jiaoba. Năm 2001, việc sát nhập trường đã trở thành chính sách quốc gia. Từ năm 2000 đến 2015, gần 3/4 tổng số trường tiểu học nông thôn, tức khoảng hơn 300.000 trường, bị đóng cửa.

Bởi hành trình tới trường xa hơn – thường tốn phí hơn, mệt mỏi hơn và nguy hiểm hơn – nhiều em không có lựa chọn nào khác ngoài học bán trú. Vào năm 2010, năm gần đây nhất thống kê số liệu, khoảng 10 triệu học sinh tiểu học tại nông thôn Trung Quốc học nội trú – chiếm khoảng 12% học sinh trong nhóm tuổi này. Ở cấp THCS, khoảng một nửa tổng số học sinh nông thôn Trung Quốc học nội trú.

Đối mặt khó khăn

Tuy nhiên, nhiều trường nông thôn chỉ được trang bị thiếu thốn và không thể đáp ứng nhiệm vụ đề ra. Tại Quý Châu, chính quyền chi đầu người cho giáo dục tại nông thôn cũng như đô thị thấp hơn một nửa mức chi tại Bắc Kinh – theo UNICEF. Tại Trường Tiểu học Jiaoba, nơi có hơn 100 học sinh nội trú (khoảng 1/10 tổng số), hiệu trưởng thừa nhận là cơ sở vật chất “nghèo nàn”. Các bức tường bê tông của những căn phòng 8 giường dơ bẩn, cửa sổ không có rèm che. Bàn chải đánh răng để chung trong một chiếc cốc trên chiếc bàn nhỏ tới mức không để được thứ gì khác. Cũng không có chỗ cho trẻ làm bài tập về nhà. Phòng nội trú không được sưởi ấm và giá rét cả khi tiết trời mùa xuân.

Đó là cơ sở vật chất ở Jiaoba đã tốt hơn so với nhiều trường khác, nơi trẻ thường phải nằm chung giường, nhà vệ sinh nằm cách xa khu nội trú. Chính quyền chi 1.000 tệ (145 USD/năm) cho tiền ăn ở của mỗi học sinh. Nhưng phụ huynh vẫn phải đóng góp thêm mới đủ chi dùng. Nhiều trường thậm chí không cấp 3 bữa ăn/ngày – dẫn tới trẻ suy dinh dưỡng. Một nghiên cứu năm 2009 tại tỉnh Thiểm Tây, phía Bắc Trung Quốc, cho thấy, trẻ nông thôn học nội trú thấp hơn so với trẻ không học nội trú trung bình 3 cm. Đáng chú ý là mức chênh chiều cao tăng lên theo tuổi tác, gợi ý rằng việc học trường nội trú là nguyên nhân lớn nhất.

Có 2 loại trường nội trú chính tại Trung Quốc: Một là số ít trường dành cho gia đình giàu có đô thị, gia đình gửi con vào đây để rèn tính tự lập; Hai (và phổ biến) là những trường nông thôn như Tiểu học Jiaoba. Những trường này do chính quyền và nhà nước đài thọ. Học sinh được hưởng lợi khi không phải đi lại, làm các công việc trồng trọt hay chăn nuôi phụ giúp gia đình.

Nguồn GDTĐ