Trụ điện 220 KV ở Nam Định bị dân tố gian dối có gì?

ngày 27/05/2016

Người dân xã Đại An, H.Vụ Bản, tỉnh Nam Định đang tố cáo một nhà thầu rút ruột công trình móng trụ điện cao thế 220 kV đi qua địa bàn.

Theo thiết kế, công trình đường dây 220kV Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định có tổng chiều dài 29,437km và cần trên 50 cột đỡ. Tại mỗi móng cột, để đảm bảo các hệ số an toàn, cần khoảng 300m3 bêtông mác 200.

Công trình do Tổng công ty truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) làm chủ đầu tư, Công ty CP tư vấn xây dựng điện 1 tư vấn thiết kế, liên danh Công ty CP Sông Đà 11 và Công ty CP xây lắp điện 1 thực hiện thi công.

Một số người dân nơi đây đã tố cáo, trong quá trình thi công những móng cột tại địa phận xã Đại An, huyện Vụ Bản (tỉnh Nam Định), phần lớn bêtông đã bị đánh tráo bằng hỗn hợp đất, cát, bùn...

Dân phát hiện `bí mật động trời`

Theo thông tin trên báo Gia đình xã hội , anh Vũ Đức Thuận (SN 1970), trú tại thôn An Hưng (xã Đại An, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) đã phát hiện ra `bí mật động trời` và phản ánh đến báo chí.
Một xe rùa chứa toàn đất được đổ vào để thi công trụ móng công trình (ảnh cắt từ clip).
Một xe rùa chứa toàn đất được đổ vào để thi công trụ móng công trình (ảnh cắt từ clip) - Ảnh: Lao động

Theo đó, đầu tháng 3/2016 anh Thuận được em trai cho đi phụ máy trộn bê tông cho công trình trên tại xã Đại An.

Đến giữa tháng 4/2016, khi việc xây dựng đế móng cho cột điện thứ nhất ở xã Đại An được triển khai, anh Thuận được gọi mang máy trộn đến để đổ bê tông. "Trong quá trình làm, tôi giật mình khi tốp thợ yêu cầu chỉ bỏ một phần xi măng vào trộn cùng đá sỏi, phần còn lại là đất cho phần đế móng.

Diện tích làm một cột điện khoảng 18m2. Phía đáy sâu chừng 80cm, 4 chân bệ cọc cao chừng 1m. Ước tính, mỗi cột điện sẽ làm hết 285 khối xi măng. Với kinh nghiệm của tôi thì để đổ bê tông làm đế cho một công trình này phải mất khoảng 25 - 30 ngày. Tuy nhiên, chỉ trong 2 ngày đêm, họ đã đổ xong phần đế móng”, anh Thuận kể lại trên báo Gia đình & xã hội.

Anh Vũ Ngọc Hồi (em trai anh Thuận) cũng cung cấp thông tin trên báo Thanh niên.
“Họ thi công phần móng 2 cột cao thế 220 kV ở đây, mỗi cột gồm một khoang móng và 4 cọc trụ. Chỉ 1 trụ ở hướng tây nam là chắc chắn hơn, còn khoang móng và 3 trụ còn lại đều bị rút xi măng, trộn đất vào để đổ bê tông.`

Anh Hồi cho biết, ngay sau khi đổ xong cọc trụ đầu tiên, anh đã thông báo điều này với ông Nguyễn Văn Toán, Đội trưởng đội thi công của chi nhánh Công ty CP Sông Đà 11 nhưng ông Toán không nghe .

Theo thông tin trên Lao động, đêm 21, rạng sáng 22/5, anh Thuận cũng lội tắt ruộng lúa để xâm nhập vào khu vực thi công để xem xét (có ghi hình) quá trình thi công phần móng cột điện thứ 2 thì thấy tình trạng tương tự cũng lặp lại khi dưới móng chỉ có đất, đá và cát, không hề có ximăng.
Dùng đất ruộng để đổ bê tông móng cột cao thế 220 kV tại Nam Định Ảnh: cắt từ clip do anh Hồi cung cấp
Dùng đất ruộng để đổ bê tông móng cột cao thế 220 kV tại Nam Định Ảnh: cắt từ clip do anh Hồi cung cấp - Ảnh: Thanh niên

Chi 100 triệu để rút đơn tố cáo?


Theo thông tin trên báo Thanh niên, ngay tối 24/5, sau khi anh Hồi gửi clip tố cáo, có hai nhóm người tự xưng là cán bộ của Công ty CP Sông Đà 11 tìm đến nhà anh để “nói chuyện”.

“Lúc 4 giờ chiều có một nhóm, sau đó 11 giờ đêm họ lại đến nữa. Họ nói chuyện đến gần 12 giờ đêm, đề nghị biếu tôi 30 triệu đồng, sau tăng lên 100 triệu đồng để tôi rút lại các đơn thư nhưng tôi đã từ chối”, anh Hồi kể lại.

Sau đó đến chiều hôm qua (26/5), anh Hồi cho biết, từ 10 giờ sáng cùng ngày, một đoàn công tác do người tự xưng là Nguyễn Văn Đương, chỉ huy trưởng công trình đến nhà để “nói chuyện” với anh Hồi.

Theo đó, ông này đề nghị anh Hồi “giải quyết mâu thuẫn công việc” bằng cách thừa nhận là ảnh và các clip quay là “mô tả cảnh công nhân để các xe chở đất ở cạnh trụ, móng cột cao thế” chứ không phải là dùng để đổ bê tông như anh đã tố cáo. “Họ có ghi rõ trong biên bản lập sẵn là sẽ bồi thường cho tôi nhưng tôi không đồng ý ký vào biên bản này”, anh Hồi khẳng định.

Chỉ huy trưởng công trình khẳng định `không dối trá`


Theo ghi nhận của PV báo Gia đình& xã hội, chiều 25/5, tại công trường thi công hai móng cột trên địa bàn xã Đại An (thuộc công trình trọng điểm đường dây 220kV đoạn Trực Ninh cắt đường dây 220kV Ninh Bình - Nam Định) đã không còn bóng dáng công nhân làm việc. Dưới cái nắng đầu hè, những chiếc máy xúc nằm chỏng chơ trên miệng hố.

Lý giải về đoạn video mà anh Thuận ghi lại được, ông Nguyễn Văn Đương – Chỉ huy trưởng công trình xây lắp đường dây 220kV trả lời PV Gia đình & xã hội rằng, thời điểm làm cột móng thứ 2, nhóm công nhân đã tự ý đổ bê tông.

Đoạn video mà anh Thuận cho rằng đã ghi nhận công nhân đổ bê tông lẫn đất khi làm móng cột là do lúc đó có thể công nhân đang dùng xe rùa nạo vét số bê tông còn sót lại có cả đất. "Chứ chúng tôi không làm dối trá như vậy”- ông Đương nói.

Trả lời PV báo Thanh niên, ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà 11 thừa nhận công trình trụ cọc trên do đơn vị trúng thầu và thi công.

Đối với nội dung tố cáo của anh Hồi, ông Tuấn nói “đã nhận được thông tin” và đang cử người xuống Nam Định kiểm tra. Về thông tin cán bộ công ty đến nhà anh Hồi để “dàn xếp” vụ việc, ông Tuấn khẳng định: “Tôi không hề biết việc này”.

Được biết từ ngày 25/5, Phòng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Nam Định đã gặp anh Hồi để thu thập chứng cứ và xác minh làm rõ.
Hà An (Tổng hợp)

Nguồn GDTĐ