Tranh luận gay gắt quy định lớp tiểu học có chủ tịch, phó chủ tịch

ngày 17/07/2015

Dự thảo điều lệ trường tiểu học sửa đổi có đưa ra ý kiến lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản.

“Học sinh được tổ chức theo lớp học. Lớp học có lớp trưởng, lớp phó hoặc chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản học sinh do tập thể học sinh bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Mỗi lớp học có không quá 35 học sinh.
học sinh tiểu học
Quy định lớp học tiểu học sẽ có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng tự quản khiến nhiều phụ huynh không đồng tình
Mỗi lớp học có một giáo viên chủ nhiệm phụ trách giảng dạy một hoặc nhiều môn học. Biên chế giáo viên một lớp theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Ở những địa bàn đặc biệt khó khăn có thể tổ chức lớp ghép học sinh nhiều trình độ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đi học. Số lượng học sinh và số lớp trình độ trong một lớp ghép phù hợp năng lực dạy học của giáo viên và điều kiện địa phương.

Mỗi lớp học chia thành các tổ hoặc ban hoặc nhóm học sinh. Mỗi tổ ban, nhóm có tổ trưởng, tổ phó hoặc trưởng ban, phó ban, nhóm trưởng, thư ký do học sinh trong tổ, ban, nhóm bầu hoặc do giáo viên chủ nhiệm lớp chỉ định luân phiên trong năm học. Những lớp cùng trình độ lập thành khối lớp để phối hợp các hoạt động chung.

Tuỳ theo điều kiện ở địa phương, trường tiểu học có thể có thêm điểm trường ở những địa bàn khác nhau để thuận lợi cho trẻ đến trường. Hiệu trưởng phân công một Phó Hiệu trưởng hoặc một giáo viên chủ nhiệm lớp phụ trách điểm trường”.

Điều 17 này đã khiến các bậc phụ huynh và các giáo viên có nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều phụ huynh đề nghị vẫn giữ quy định trong lớp học có lớp trưởng và lớp phó. Phụ huynh cũng đề nghị không nên đưa chức danh “Chủ tịch, phó chủ tịch” vào trong lớp học vì khiến học sinh được đảm nhận những vị trí dễ tự cao, tự mãn.

"Các em mới có mấy tuổi thì làm gì cần phải thành lập hội đồng tự quản, cần gì phải có chủ tịch, phó chủ tịch. Điều đó rất dễ khiến các cháu chạy đua vào vị trí chủ tịch, phó chủ tịch", một phụ huynh chia sẻ.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng cần phải có những tên gọi mới, hiện đại để thay thế cho cách gọi lớp trưởng, lớp phó tồn tại lâu nay.

Dự thảo Điều lệ trường tiểu học sửa đổi cũng đưa vào nhiều quy định theo tinh thần Thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học.

Theo đó, trường tiểu học phải tổ chức kiểm tra, đánh giá học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện, không tập trung vào kết quả đánh giá cuối kì, cuối năm như trước.

Học sinh học hết chương trình tiểu học có đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo được Hiệu trưởng trường tiểu học xác nhận trong học bạ Hoàn thành chương trình tiểu học; kết quả đánh giá của học sinh được tổ chức bàn giao cho trường trung học cơ sở cùng địa bàn.

Học sinh có tiến bộ vượt bậc, có thành tích nổi bật trong học tập và rèn luyện đ­ược nhà trư­ờng và các cấp quản lí giáo dục khen thưởng theo các hình thức: Khen trước lớp; Khen trước toàn trường;Tặng giấy khen.

Đặc biệt dự thảo nhấn mạnh, những học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập và rèn luyện, giáo viên không được công bố tên học sinh trước cả lớp và tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp sau: Nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn;Thông báo với gia đình nhằm giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Hiện tại, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến các Sở Giáo dục và Đào tạo các địa phương trước khi hoàn thiện dự thảo.

Nguồn VTC News