Thị trường ô tô điện ở VN có khả thi?

ngày 08/07/2012

(24h) - Dù nhiều ưu điểm nổi bật nhưng dường như ô tô điện phải mất một tương lai xa để phát triển tại VN.

Mặc dù ô tô chạy điện có nhiều ưu điểm như sạch, yên tĩnh, không gây ô nhiễm môi trường, song các doanh nghiệp ô tô cho rằng, để công nghệ này phát triển ở Việt Nam và người Việt tiêu thụ thì phải một tương lai rất xa nữa.

Electric-4-161008

Thông tin nhà chế tạo ô tô Yo Auto của Nga chuẩn bị ký thỏa thuận hợp tác với một đối tác tại Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất dòng xe ô tô chạy điện được coi như một điểm sáng đối với ngành công nghiệp ô tô gần như đang “đóng băng” tại Việt Nam. Theo đó, vào đầu năm 2013, Yo Auto sẽ cùng đối tác Việt Nam thành lập liên doanh xây dựng nhà máy sản xuất xe hybrid chạy điện Yo Mobile có công suất 100.000 chiếc/năm. Kế hoạch này dự định được ký vào tháng 5, nhưng gặp trục trặc nên phải hoãn lại đến đầu năm sau.

Thế nhưng, nhiều liên doanh và doanh nghiệp ô tô trong nước lại không mặn mà với vấn đề này.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó tổng trưởng phòng Toyota Việt Nam, nguyên thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), việc đầu tư vào công nghệ ô tô chạy điện tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay có lẽ hơi sớm, kể cả trong trường hợp Nhà nước đưa ra các chính sách ưu đãi cho ngành này. “Tôi nghĩ nhà chế tạo ô tô Yo Auto hợp tác với Việt Nam để xây dựng nhà máy sản xuất xe chạy điện là nhằm xuất khẩu sang các nước, chứ không phải tiêu thụ chính ở Việt Nam. Nhìn vào con số họ công bố sẽ sản xuất 100.000 chiếc xe/năm với nhà máy xây dựng tại Việt Nam có thể khẳng định điều này. Bởi tại thị trường Việt Nam, hiện có hơn 20 hãng xe mà chỉ chia nhau một “chiếc bánh” thị trường loanh quanh mức 120.000 chiếc/năm, thậm chí năm nay còn được dự báo tổng số ô tô tiêu thụ cả nước chỉ đạt khoảng 80.000 chiếc. Vậy thì ô tô điện làm sao tiêu thụ nổi 100.000 chiếc mỗi năm ở trong nước. Bên cạnh đó, hiện nhu cầu về ô tô điện của người Việt rất nhỏ, bởi cơ sở hạ tầng như các trạm nạp điện cho xe chưa có, hơn nữa ưu điểm của ô tô chạy điện là thân thiện với môi trường lại không phải là tiêu chí quan trọng để người tiêu dùng Việt chọn mua một chiếc xe hơi. Nhìn vào thị trường xe đạp, xe máy điện có thể thấy, dù giá thành rẻ hơn, giá xăng ngày càng cao song người dân vẫn không “mặn mà” với việc bỏ xe máy chạy xăng để xài xe máy điện”, ông Tuấn nói.

Theo nhận định của ông Tuấn, ngành ô tô chạy điện nếu có phát triển ở Việt Nam chắc cũng phải đợi một tương lai rất xa, và quan trọng nhất là Nhà nước cần đưa ra các chính sách ưu đãi như thuế, phí, đầu tư cơ sở hạ tầng… Khi đó, Toyota Việt Nam và nhiều liên doanh, doanh nghiệp ô tô khác mới hoàn toàn có thể đầu tư vào ngành này. Hiện chi phí để đầu tư vào công nghệ, dây chuyền sản xuất ô tô chạy điện không cao hơn so với chi phí đầu tư vào nhà máy sản xuất ô tô chạy xăng, song chỉ một doanh nghiệp đứng ra sản xuất xe chạy điện là không thể bởi họ không bao giờ đủ khả năng để đầu tư xây dựng các trạm nạp điện trên toàn quốc như hệ thống các trạm xăng dầu. Ở nhiều nước tiên tiến, họ rất coi trọng vấn đề môi trường và có những chính sách để khuyến khích phát triển các sản phẩm không gây ô nhiễm môi trường, tuy nhiên ở quốc gia có lượng ô tô chạy điện lưu thông nhiều nhất thì số lượng các trạm nạp điện cũng hạn chế. Tại Nhật Bản, các trạm nạp điện được bố trí ở các bãi đỗ xe Park & Ride, một số gara hoặc một số trạm dừng chân trên xa lộ, rất ít so với trạm xăng dầu.

Đồng tình với quan điểm trên, Ông Nguyễn Hải Sơn, Giám đốc chi nhánh Hà Nội, Tập đoàn Thành Công, nhà nhập khẩu chính hãng xe Huyndai, cho rằng, ngành công nghiệp ô tô phụ thuộc phần lớn vào chính sách của Nhà nước. Giá thành sản xuất một chiếc ô tô chạy điện cũng đắt hơn tương đối so với sản xuất một chiếc ô tô chạy xăng cùng chủng loại do chi phí đầu tư vào ắc quy/pin cao nên sẽ kéo giá bán xe điện cao hơn xe chạy xăng nếu Nhà nước không có ưu đãi cho xe điện. Thực tế, công nghệ ô tô chạy điện có khá nhiều điểm tiên tiến hơn ô tô động cơ đốt trong (chạy bằng xăng dầu...). Chẳng hạn, có những chiếc ô tô chạy điện trong lúc sạc pin dù chủ nhân ở đâu cũng có thể “giao tiếp” với xe bằng điện thoại di động. Xe sẽ thông báo qua điện thoại di động khi bộ pin đã được sạc ở mức chủ xe mong muốn. Chủ nhân cũng có thể ra lệnh bật máy lạnh hay máy sưởi trên xe bằng điện thoại di động, miễn là xe được đặt trong tình trạng kết nối. Người lái có thể dùng thiết bị dẫn đường trên xe để tìm đường đến điểm sạc pin gần nhất.

Song một điểm hạn chế của xe hơi chạy điện là người tiêu dùng không có nhiều lựa chọn về công suất như với ô tô chạy xăng. Và quan trọng hơn, mỗi lần sạc điện để cho đầy pin thông thường mất vài tiếng đồng hồ, trong khi xe chạy xăng mỗi lần nạp đầy xăng chỉ mất vài phút. Nếu đang đi trên đường mà xe điện hết nhiên liệu thì quả là một sự bất tiện cho chủ nhân khi phải đợi vài giờ để nạp. Bên cạnh đó, nhiều người dân Việt Nam có khả năng mua ô tô nhưng nhà riêng chưa chắc đã có chỗ để xe mà phải gửi ở các bãi đỗ xe. Như vậy, họ không thể mang ô tô về nhà sạc nhiên liệu như với một chiếc xe máy điện. Khi đó, yêu cầu các bãi đỗ xe phải có trạm nạp điện, nhưng bãi đỗ xe là của tư nhân, ai bắt được họ phải đầu tư vào trạm nạp điện hay không. Một điểm đáng lưu ý nữa của xe chạy điện là giúp thành phố giảm tiếng ồn vì xe điện chạy rất êm do không sử dụng động cơ đốt trong. Song đây cũng là nhược điểm khi gây mối nguy cho người đi bộ, đi xe máy, xe đạp bởi họ khó nhận ra ô tô đang đến gần.

{fcomment}