Tập đoàn Cao su nhận đền bù 600 triệu mỗi ha đất sân bay Long Thành

ngày 18/06/2019

Tập đoàn Cao su cam kết bàn giao toàn bộ đất cao su trong vùng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành trước tháng 10/2020.

Ông Huỳnh Văn Bảo, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã chứng khoán: GVR), cuối tuần trước cho biết đang chỉ đạo các công ty thành viên giao khoảng 350 hecta đất trồng cao su cho UBND tỉnh Đồng Nai để xây khu tái định cư, phục vụ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Việc bàn giao dự kiến thực hiện trong tháng 7 và hoàn thành trước cuối năm nay.

Hơn 1.700 hecta còn lại thuộc khu vực quy hoạch được cam kết giao trong ba tháng từ lúc địa phương yêu cầu, đảm bảo trước tháng 10/2020 để triển khai dự án.

"Tập đoàn ước tính giá trị mỗi hecta đất đền bù khoảng 600 triệu đồng. Con số này chưa được phê duyệt, nhưng đang thấp hơn các đơn vị khác do nhiều năm nay vườn cao su không khai thác, chỉ chờ đến ngày bàn giao nên chất lượng gỗ giảm", đại diện tập đoàn nói. Theo  đơn vị này, việc giữ đất từ khi có quy hoạch dự án gây thiệt hại không nhỏ vì vườn cao su già nhưng không thể trồng lại mà còn tốn chi phí bảo vệ.

Tập đoàn Cao su ước tính giá đền bù mỗi hecta đất trong vùng dự án là 600 triệu đồng.

Tập đoàn đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm nay lần lượt hơn 24.200 tỷ và 4.150 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 7% và 24% năm trước. Vì không thể chủ động trong việc xác định giá bán cao su nên kế hoạch được xây dựng trên cơ sở biên lợi nhuận tối thiểu với mỗi tấn thành phẩm là 2-3 triệu đồng.

Công ty cho biết sẽ tập trung đầu tư ba lĩnh vực chính gồm sản phẩm cao su, chế biến gỗ và phát triển khu công nghiệp trên đất trồng cao su. Đặc biệt với lĩnh vực khu công nghiệp, dù phụ thuộc nhiều vào quy hoạch của địa phương, tập đoàn vẫn ưu tiên phát triển trong giai đoạn 2021-2015 nhằm hướng tới quy mô doanh thu 10 tỷ USD theo yêu cầu mới đây của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ.

"Thủ tục vô cùng phức tạp nhưng tập đoàn đang có kế hoạch đầu tư và mở rộng các khu công nghiệp tại Bình Phước, Bình Dương, Gia Lai với quy mô khoảng 5.000-7.000 hecta. Lĩnh vực này có thể mang đến nguồn thu đột biến và là động lực tăng trưởng chính cho tập đoàn trong vài năm tới", ông Bảo nhận định.

Trong trung và dài hạn, tập đoàn sẽ tái cơ cấu các nguồn lực của doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là tái cơ cấu quỹ đất và thoái vốn ngoài doanh nghiệp. Quỹ đất không phù hợp trồng cao su sẽ chuyển đổi cây trồng, thực hiện các mục tiêu kinh tế khác. Tính đến cuối năm ngoái, tập đoàn đã thoái vốn thu về hơn 1.700 tỷ đồng và còn khoảng 2.200 tỷ đồng phải thoái vốn.

Nguồn Vnexpress