Tân Hoàng Minh 'bỏ cọc' đất Thủ Thiêm: Lỗ hổng trong đấu giá đất?

ngày 14/01/2022

Theo luật sư Hoàng Tùng (Trưởng VP Luật Trung Hòa – Đoàn luật sư TP Hà Nội), việc Tân Hoàng Minh 'bỏ cọc' lô đất 3-12 khu đô thị mới Thủ Thiêm đã cho thấy lỗ hổng trong đấu giá đất hiện nay.

Mới đây, Chủ tịch Tân Hoàng Minh – ông Đỗ Anh Dũng đã có “tâm thư” gửi các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhiều cơ quan về việc Tân Hoàng Minh đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá tài sản ô đất 3-12, khu chức năng số 3 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Vụ đấu giá đất tại khu vực này đã từng gây xôn xao dư luận khi Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) trúng thầu lô đất 3-12 rộng 10.059,7 m², với giá 24.500 tỷ đồng. Mỗi mét vuông đất trị giá 2,43 tỷ đồng.

Lô đất 3-12, khu đô thị mới Thủ Thiêm

Đáng chú ý, Tân Hoàng Minh “bỏ cọc” lô đất sau khi Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại Quốc hội cho rằng: "Vụ việc đấu giá đất ở Thủ Thiêm là điển hình của việc làm nhiễu loạn thị trường” (tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội, ngày 4/1/2022).

Trao đổi với VOV.VN về vấn đề này, luật sư Hoàng Tùng (Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết: “Thực tế, việc nhà đầu tư bỏ cọc sau khi đấu giá trúng thời gian qua không phải là chuyện hiếm”.

Theo luật sư Hoàng Tùng, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định, người trúng đấu giá có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ tiền mua tài sản đấu giá cho người có tài sản đấu giá theo thỏa thuận trong hợp đồng.

“Trường hợp người trúng đấu giá không nộp tiền hoặc không nộp đủ tiền thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất. Ngoài việc bị hủy quyết định công nhận kết quả, họ còn mất khoản tiền đặt trước theo quy định của Luật Đấu giá tài sản năm 2016.” – Luật sư Hoàng Tùng cho biết.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng VP luật Trung Hòa, đoàn luật sư TP Hà Nội

Do đó, Công ty Ngôi Sao Việt (thành viên của Tập đoàn Tân Hoàng Minh) có thể phải mất khoản tiền đặt trước là gần 588,5 tỷ đồng - bằng 20% mức giá khởi điểm của lô đất 3-12 thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Khoản tiền đặt trước này sau khi trừ chi phí đấu giá tài sản, sẽ thuộc về ngân sách nhà nước.

Khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc, theo quy định, quyền sử dụng lô đất 3-12 sẽ được trao trả về Trung tâm quỹ đất TP HCM. Đơn vị trả giá thứ hai là Capital One Financial cũng không thể được xem là đơn vị trúng đấu giá. Bởi theo Điều 51 Luật Đấu giá tài sản, “Trường hợp giá liền kề cộng với khoản tiền đặt trước nhỏ hơn giá đã trả của người từ chối kết quả trúng đấu giá, hoặc người trả giá liền kề không chấp nhận mua tài sản đấu giá thì cuộc đấu giá không thành”.

Giá của Capital One Financial trả trong lần thứ 69 cộng với khoản tiền đặt trước là 24.388,5 tỷ đồng - vẫn chưa bằng giá đã trả của Tân Hoàng Minh là 24.500 tỷ đồng. Do vậy, ngay cả khi Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì đơn vị liền kề là Capital One Financial không thể xem là đơn vị trúng đấu giá.

Theo luật sư Hoàng Tùng, do luật không quy định chế tài, cũng không có văn bản hướng dẫn chung nên dẫn đến tâm lý coi thường cơ hội tham gia đấu giá, tham gia trả giá một cách “bạt mạng”. Đây là một lỗ hổng trong đấu giá cần sớm khắc phục.

“Bỏ cọc nhiều lần, nhưng ở các cuộc đấu giá tiếp theo, chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện tham gia đấu giá, thì tổ chức, cá nhân có nhu cầu lại tiếp tục được tham dự. Đây là một lỗ hổng lớn cần khắc phục. Các cơ quan có thẩm quyền cần quy định siết chặt việc nộp tiền trúng đấu giá, đồng thời quy định các chế tài đối với các tổ chức không có sự “nghiêm túc” khi tham gia đấu giá, không thực hiện được thì bỏ. Nhằm bảo đảm tính thực thi của quy định, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức tham gia đấu giá khác. Đồng thời tránh lãng phí thời gian, tiền bạc ngân sách Nhà nước để tổ chức các cuộc đấu giá công khai.” – Luật sư Hoàng Tùng cho biết./.

Nguồn: https://vov.vn/phap-luat/tan-hoang-minh-bo-coc-dat-thu-thiem-lo-hong-trong-dau-gia-dat-post918203.vov