Sao chép, ăn cắp ý tưởng sao vẫn thành tiến sĩ?

ngày 11/11/2016

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước nhận định, hiện vẫn còn vấn đề “đạo văn” trong nghiên cứu, ăn cắp ý tưởng của người khác.

 

Sao chép, ăn cắp ý tưởng sao vẫn thành tiến sĩ? - 1

Bộ GD-ĐT và các nhà khoa học tọa đàm để mổ xẻ vấn đề đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.

Thời gian vừa qua, dư luận xôn xao về chất lượng đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam và cho rằng, đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam đang “lạm phát”. Nhiều tiến sĩ nhưng trình độ không đúng tầm, đào tạo nhưng không dùng được.

Trước tình hình này, ngày 10/11, Bộ GD-ĐT tổ chức Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” nhằm thăm dò, trưng cầu ý kiến của các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục tiến tới điều chỉnh quy định liên quan tới bậc học này.

Đang chạy theo số lượng

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga nhận định: “Hiện vẫn có cơ sở đào tạo chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng. Nhiều nơi chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đạt”.

Theo ông Ga, tiến sĩ phải nghiên cứu, có khả năng “sản sinh” ra tri thức mới. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu sinh không xác định rõ động cơ, mục tiêu. Ngoài ra, người hướng dẫn do hướng dẫn nhiều nên chất lượng chưa đảm bảo.

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo (ĐH Quốc gia Hà Nội) cũng thừa nhận vẫn có những luận án chưa có chất lượng, chưa đạt yêu cầu.

Theo GS Đức, quy mô đào tạo tiến sĩ quá nhiều. Điều này dẫn tới việc đào tạo không đảm bảo chất lượng. Ngay ở ĐHQG HN có gần một ngàn nghiên cứu sinh thì lĩnh vực khoa học xã hội chiếm 648, điều này cũng cần phải suy nghĩ.

Cũng theo GS Đức, chất lượng đào tạo và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Nhiều cơ sở đào tạo chưa nghiêm túc thực hiện đúng quy trình, lỏng lẻo trong quản lý và thẩm định đề tài, luận án dẫn tới tình trạng có những luận án tiến sĩ chưa đạt.

GS.TSKH Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước nhận định, hiện vẫn còn vấn đề “đạo văn” trong nghiên cứu, ăn cắp ý tưởng của người khác.

“Nếu luận văn sao chép, ăn cắp ý tưởng thì làm sao thành tiến sĩ”, GS Nhung bày tỏ.

Vì thế, theo GS.TSKH Trần Văn Nhung, để chống nạn “ăn cắp” ý tưởng, cách tốt nhất nên tận dụng cách làm của thế giới, yêu cầu tiến sĩ phải có bài báo công bố quốc tế. Bởi lẽ bài báo được đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín sẽ phải trải qua những vòng phản biện rất chặt chẽ.

Trước thực trạng tiến sĩ quá đông như hiện nay, Tổng Thư ký Hội đồng chức danh GS Nhà nước đề nghị, ngoài việc chia sẻ với lo lắng của xã hội về chất lượng đào tạo tiến sĩ, Bộ GD-ĐT nên cùng các cơ sở đào tạo có trách nhiệm giải thích rõ những bất cập hiện tại.

Sao chép, ăn cắp ý tưởng sao vẫn thành tiến sĩ? - 2

GS.TS KH Trần Văn Nhung (bên trái) và GS.TS KH Nguyễn Đình Đức (bên phải)thẳng thắn trao đổi những bất cập trong đào tạo tiến sĩ ở Việt Nam.

Siết chất lượng đầu vào

PGS.TS Vũ Lan Anh, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Luật Hà Nội cho rằng, để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, điều kiện tuyển sinh (tố chất nghiên cứu khoa học và trình độ ngoại ngữ) cần đặt lên hàng đầu. Việc xem có tố chất hay không căn cứ vào các công trình khoa học của nghiên cứu sinh. Ngoài ra, có vững ngoại ngữ thì nghiên cứu sinh mới đọc tài liệu nước ngoài, hội nhập với thế giới.

Cũng theo PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, có điểm khác biệt trong đào tạo tiến sĩ hiện nay so với trước đây. Trước đây, đa số tiến sĩ của Việt Nam đều được đào tạo ở nước ngoài, chủ yếu là các nước Đông Âu và Liên Xô. Còn hiện tại, tiến sĩ chủ yếu được đào tạo trong nước. Vì vậy, cần phải đặt ra mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, đạt chất lượng tương đương với các nước trên thế giới.

Trước ý kiến của các nhà khoa học, GS. TSKH Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD-ĐT đang xem xét để xây dựng các tiêu chí cho phù hợp với khung trình độ tiến sĩ trong khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra.

“Bộ GD-ĐT hy vọng sẽ thỏa mãn được yêu cầu chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn, đầu vào nghiên cứu sinh sẽ phải cải thiện”, ông Ga nói.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, trước đây vì quan niệm trình độ ngoại ngữ là điều kiện cho đầu ra nên đầu vào chúng ta đặt thấp. Bây giờ cần thay đổi quan điểm, nâng trình độ ngoại ngữ đủ để nghiên cứu sinh có thể đọc tài liệu nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu, tham gia cọ xát trong môi trường học thuật quốc tế.

Ông Ga khẳng định, Bộ GD-ĐT sẽ sửa đổi quy chế đào tạo tiến sĩ dựa trên ý kiến của dư luận và chất xám của nhiều nhà khoa học, các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, các nhà quản lý....

Nguồn 24h