Sai lầm của bố mẹ biến con thành “gà công nghiệp”

ngày 11/07/2012

Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, chính việc giáo dục con cái theo kiểu ủ trong “lồng kính” đã vô tình biến con họ thành “gà công nghiệp”.

“Gà công nghiệp” chỉ biết “gọi mẹ”

Là một cặp vợ chồng hiếm muộn, sau 6 năm kết hôn, chị Nguyễn Thu Hà (Lê Trọng Tấn, Hà Nội) mới có con đầu lòng. Cháu trai chào đời trong sự hân hoan của gia đình hai bên. Chính vì thế, cậu bé được “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa” từ nhỏ cho đến lớn. Đến tuổi tập đi, chị vẫn ẵm trên tay. Đơn giản chỉ vì chị sợ con trai cưng té ngã. Chị cũng hạn chế cho bé chơi với bọn trẻ hàng xóm vì sợ con mình bị chúng bắt nạt.

Sống trong vòng “bao bọc” quá “kín kẽ” của ông bà, bố mẹ nên dù đã 20 tuổi, cậu chẳng phải “động tay” làm bất cứ việc gì. Cả thời cấp 3, đi học có mẹ đưa đón. Lên đại học, cậu cũng chỉ biết mỗi đường đi từ nhà đến trường. Quần áo cũng mẹ mua, mẹ giặt là, đi cắt tóc cũng mẹ dẫn đi. Bất kể việc gì cậu cũng “gọi mẹ”. Đi lạc đường, cậu gọi điện về nhà “cầu cứu” mẹ. Chị chia sẻ: “Lớn từng này tuổi rồi mà con tôi chẳng biết gì. Cách giáo dục của tôi khiến nó trở thành “gà công nghiệp”, đến nỗi giờ khó mà có thể thả ra “ngoài đời” được”.

ga.jpg11072012

Nhiều bậc cha mẹ không biết rằng, chính việc giáo dục con cái theo kiểu ủ trong “lồng kính” đã vô tình biến con họ thành “gà công nghiệp”

Cùng chung tâm trạng với chị Hà, chị Phạm Hồng Hạnh (Đội Cấn, Hà Nội) cũng tâm sự: “Con gái mình từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ động tay vào bất cứ việc gì. Giờ nó sắp đến tuổi lấy chồng rồi  mà chẳng biết một chút gì về nữ công gia chánh hay chăm sóc bản thân. Nhà có giỗ chạp, con bé loay hoay chẳng biết làm gì. Tôi bị các cô em dâu “nói mát” đến “rát tai”. Giờ con bé lại không thích tiếp xúc hay đi đâu vì tự ti, thấy mình vụng về”.


“Gà gô” dễ bị “đưa vào tròng”

Trong một lần đi chơi với bạn, “cậu quý tử” nhà chị Hà đi “biệt tăm” mất mấy ngày. “Truy lùng” mãi, gia đình chị mới phát hiện cậu đang “tá túc” ở phòng trọ người bạn. Số là cậu bị bạn bè xấu rủ đánh tá lả, bị “vặt” hết tiền và “đi tong” cả chiếc điện thoại nên không dám về nhà. “Sự cố” này khiến cả nhà chị “tỉnh ngộ”, con trai chị đã 20 tuổi mà “ngô nghê” chẳng khác gì đứa trẻ. “Cũng may là chưa có chuyện gì nghiêm trọng nhưng tôi càng ngày càng lo. Giá như mình bao bọc con ít hơn, cho nó nghịch ngợm một chút, phá một chút, cho nó vấp ngã một vài lần thì giờ lại yên tâm hơn”, chị Hà nói.

Trường hợp của chị Hà chỉ là “hạt cát trên sa mạc” minh chứng cho hậu quả “tàn khốc” của việc “ủ” con trong “lồng kính”. Tốt nghiệp đại học từ tháng 6 năm ngoái, nhưng đến giờ Nguyễn Thùy Dung (Đống Đa, Hà Nội) vẫn không thuyết phục được bố mẹ mua xe máy cho để đi làm. Bởi ông bà sợ con “chân yếu tay mềm” không lái xe hay làm chủ tốc độ được. Thậm chí, lúc Dung mạnh dạn đề xuất sẽ tự đi làm bằng xe bus thì cũng bị cha mẹ gạt phắt, với lý do đi xe bus dễ bị móc túi, không có ghế ngồi phải đứng mỏi chân. “Hồi trước, có công ty nhận mình rồi nhưng bố mẹ không cho đi làm vì xa nhà quá. Suốt ngày mẹ ở nhà coi. Mình thấy mệt mỏi lắm, đôi khi ấm ức muốn khóc”, cô gái trẻ tâm sự.

Cũng từ những tình huống “dở khóc dở cười” như thế mà khái niệm “kỹ năng sống” thời gian gần đây được nhắc đến nhiều. Theo các chuyên gia, kỹ năng sống là tập hợp các kỹ năng mà con người sử dụng để xử lý những vấn đề, câu hỏi thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, các bậc cha mẹ không chú ý dạy kỹ năng sống cho con. Họ chỉ chú tâm dạy con kiến thức với mục tiêu cuối cùng là đỗ đạt, điểm cao.

Bàn luận về vấn đề này, Tiến sĩ giáo dục Nguyễn Thụy Anh cho biết: “Đứa trẻ từ khi mới được sinh ra đã bắt đầu học kỹ năng như: thở, nhìn, nghe, dùng tay nắm bắt, cách tự phục vụ bản thân, kỹ năng ứng xử, kỹ năng đối phó với nhiều tình huống trong cuộc sống... Nếu thiếu nhiều kỹ năng đơn giản để sống sót thì một người thông minh, học giỏi bỗng nhiên thuộc vào nhóm nguy cơ cao rơi vào trầm cảm, không điều chỉnh được tâm lý của mình hoặc rơi vào hoàn cảnh nợ nần, lô đề, cầm đồ... Nếu đến lúc việc đã rồi mới tá hỏa thì quá muộn”.

Theo chuyên gia này, hiện nay tồn tại thực tế, nhiều phụ huynh vô tình ngăn cản việc học kỹ năng của trẻ bằng cách làm thay cho con quá nhiều việc. Trẻ có ăn chậm, rơi vãi lung tung đó cũng là một cách giúp trẻ trải nghiệm. Vì thế, nếu cha mẹ làm thay con là đã tước đi của con cơ hội tự chăm lo cho bản thân. “Một bộ phận giới trẻ có biểu hiện sống ích kỷ, thiếu quan tâm đến người khác cũng là điều dễ hiểu. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan tâm, giáo dục, xây dựng cho con mình các kỹ năng sống một cách sâu sắc, biết quan tâm đến mọi người trong cả suy nghĩ và hành động”, TS Anh nói.

Theo Xuân Thanh