Pháp bắt tay cùng Mỹ "trừng phạt" Syria bất chấp người dân Mỹ không đồng tình

ngày 31/08/2013

Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 30/8 tuyên bố sẵn sàng cùng Mỹ tạo thành một liên minh quốc tế để trừng phạt Syria, bất chấp việc Anh không thể tham gia. Trong khi đó đa số người Mỹ lại phản đối việc can thiệp vào quốc gia Trung Đông.

 

Theo AFP, trong những tín hiệu được phát đi hôm 29/8, Washington khẳng định Tổng thống Obama, với sứ mệnh vì “lợi ích cao nhất” của nước Mỹ, sẵn sàng một mình quyết định tấn công Syria sau vụ tấn công bằng vũ khí hóa học hồi tuần trước.

 

 

Tổng thống Pháp Hollande (trái) ủng hộ Mỹ tấn công Syria.
Tổng thống Pháp Hollande (trái) ủng hộ Mỹ tấn công Syria.

Tuy nhiên, Nga, đồng mình lớn nhất của chính quyền Syria đã đặt câu hỏi về thông tin tình báo của Mỹ đối với vụ tấn công khí độc, và cảnh báo bất kỳ hành động quân sự nào không được Liên Hợp Quốc phê chuẩn sẽ gây tổn hại nghiêm trọng tới “trật tự thế giới”.

Tại Damascus, các chuyên gia Liên Hợp Quốc đã bước vào ngày cuối cùng thu tập bằng chứng về vụ tấn công với việc tới thăm một bệnh viên quân đội, nơi các nạn nhân được cho là đang điều trị. Sáng thứ Bảy theo giờ địa phương, họ sẽ rời nơi đây để ngay lập tức báo cáo cho Tổng thư ký Ban Ki-moon.

Đối diện với những cản trở tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, trong khi chính phủ Anh lại bị nghị viện bác đề xuất trừng phạt Damascus, Mỹ đã phải tìm kiếm những đồng minh quốc tế khác. Khi mà Đức và Canada đã từ chối tham dự bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào, Pháp - nước từng phản đối quyết liệt việc tấn công vào Iraq – cho biết kết quả bỏ phiếu tại Anh không ảnh hưởng tới quan điểm của chính phủ mình.

“Pháp muốn có một hành động mạnh mẽ và tương xứng chống lại chính quyền Damascus”, Tổng thống Hollande khẳng định trong bài phỏng vấn với tờ Le Monde.

Trong khi đó Bộ trưởng quốc phòng Mỹ khẳng định, bất chấp kết quả bỏ phiếu tại Anh, Nhà Trắng vẫn đang tìm kiếm “một liên minh quốc tế sẵn sàng hành động cùng nhau” chống lại chính quyền của ông Bashar al-Assad.

“Chúng tôi vẫn đang tiếp tục tham vấn Anh và tất cả các đồng minh của chúng tôi. Việc tham vấn đó bao gồm các phương thức cùng nhàu hướng tới một phản ứng đối với vụ tấn công hóa học tại Syria”, ông Hagel phát biểu tại Philippines.

 

 

Nhiều người biểu tình phản đối tấn công Syria bên ngoài Nhà Trắng hôm 29/8
Nhiều người biểu tình phản đối tấn công Syria bên ngoài Nhà Trắng hôm 29/8

Đa số người dân Mỹ phản đối can thiệp

Theo kết quả một cuộc khảo sát được kênh truyền hình NBC của Mỹ thực hiện với 700 người dân tại nước này, có tới 50% khẳng định Mỹ không nên can thiệp vào Syria trong khi chỉ có 42% ủng hộ. 8% còn lại không có ý kiến.

Trong đó gần 80% người Mỹ được hỏi tin rằng Tổng thống Obama cần phải có sự phê chuẩn của quốc hội trước khi sử dụng vũ lực tại Syria.

Với câu hỏi liệu hành động quân sự chống lại chính quyền Syria có phải vì lợi ích quốc gia của Mỹ hay không, chỉ có 21% người được hỏi trả lời có, 33% phản bác, 45% tiếp theo trả lời không có đủ thông tin để đưa ra ý kiến và 1% còn lại nói rằng “không dám chắc”.

Ngoài ra chỉ có 27% người Mỹ tin rằng các lực lượng quân sự Mỹ sẽ giúp cải thiện tình hình cho người dân Syria, nhỏ hơn rất nhiều tỷ lệ 41% người được hỏi phản bác.

Cũng trong cuộc khảo sát này, tỷ lệ người ủng hộ những việc làm của ông Obama đã giảm xuống 1% so với tháng trước, chỉ còn 44%. Đây cũng là mức thấp nhất trong các cuộc khảo sát do NBC News/Wall Street Journal thực hiện.

Tỷ lệ người ủng hộ các chính sách đối ngoại của người đứng đầu Nhà Trắng cũng chỉ còn 41%, thấp nhất từ trước đến nay. Ngoài ra, chỉ 35% người được hỏi đồng tình với cách xử lý tình hình Syria của ông Obama.

 

Thanh Tùng
Tổng hợp

 

a

 

 

{fcomment}