Uber lôi kéo tài xế ở nước đang phát triển với khoản trợ cấp béo bở nhưng sau đó làm suy yếu lợi ích người lao động bằng các chính sách khiến việc chạy xe rủi ro hơn.
Thời gian đầu lái xe cho Uber ở Nam Phi, Shaun Cupido, 44 tuổi, cho rằng đã tìm được công việc có thể giúp mình đổi đời. Nhưng dần dần, các điều chỉnh chính sách của Uber khiến thu nhập của Cupido ngày một giảm trong khi rủi ro lại tăng, như việc cho phép thanh toán bằng tiền mặt.
Tuy biết về những vụ tài xế bị cướp tiền, Cupido vẫn tin tưởng vào trực giác cảm nhận nguy hiểm của bản thân. Nhưng rồi đến một ngày, chính anh trở thành nạn nhân bị cướp xe và đánh đập, khiến anh nằm viện một tháng.
Câu chuyện của Cupido không phải trường hợp cá biệt.
Trong nỗ lực làm đảo lộn ngành vận tải toàn cầu và làm giàu cho nhà đầu tư, Uber đã tô vẽ ra một viễn cảnh thăng tiến cho những tài xế như Cupido. Nhưng sau nhiều năm, một số tài xế nói tình cảnh của họ còn tồi tệ hơn lúc đầu vì chính sách của Uber làm họ mất khả năng kiếm sống.
Đó cũng là kết luận của cuộc điều tra do Hiệp hội Các nhà báo Điều tra Quốc tế (ICIJ) tổ chức dựa trên hơn 124.000 hồ sơ mà ông Mark MacGann, Giám đốc chính sách đối ngoại của Uber tại châu Âu, Trung Đông và châu Phi giai đoạn 2014-2016, đã cung cấp cho báo chí. Số hồ sơ này có tên “Hồ sơ Uber”.
Trong nỗ lực làm đảo lộn ngành vận tải toàn cầu và làm giàu cho nhà đầu tư, Uber đã tô vẽ ra một viễn cảnh thăng tiến cho những tài xế như Cupido. Ảnh: AP.
Uber biết chính sách sẽ gây khó khăn
Email, slide thuyết trình và tin nhắn trong giai đoạn 2013-2017 cho thấy dưới sự chỉ đạo của CEO khi ấy là Travis Kalanick, giới quản lý Uber đã thực hiện kế hoạch kinh doanh ngày một làm suy yếu quyền lợi của tài xế.
Các giám đốc cấp cao của Uber đã chỉ thị cấp quản lý khu vực trên khắp thế giới chi hàng triệu USD vào các khoản lợi ích béo bở để lôi kéo tài xế mới. Sau đó, Uber dần dần tăng tỷ lệ hoa hồng của Uber, làm giảm thu nhập của tài xế và tăng dòng tiền cho công ty, theo số hồ sơ trên.
Trước công chúng, Uber lặp đi lặp lại thông điệp họ muốn trao quyền cho tài xế trở thành “người khởi nghiệp”. Nhưng Hồ sơ Uber, cùng với nội dung phỏng vấn 4 cựu quản lý và 20 tài xế đang hoặc từng làm việc cho Uber, cho thấy công ty này tạo ra điều kiện làm việc mà họ biết rõ sẽ khiến nhiều tài xế chật vật kiếm sống.
Không chỉ vậy, Uber lôi kéo người đăng ký chạy xe với số lượng nhiều hơn cần thiết, cắt giảm thu nhập tài xế, và tạo ra hệ thống thúc đẩy lái xe chạy theo lịch trình và tại địa điểm đầy rẫy rủi ro bạo lực, theo nội dung số hồ sơ trên và các cuộc phỏng vấn.
Trả lời câu hỏi từ Washington Post, người phát ngôn cho Uber, ông Gus Glover, cho biết thông qua ứng dụng của họ, tài xế đã tìm được cơ hội kinh tế tốt, kể cả khi thu nhập của họ dao động “theo quy luật kinh doanh thông thường”. Ông Glover không trả lời câu hỏi về trường hợp của Cupido hay bất cứ thông tin cụ thể trong Hồ sơ Uber.
Travis Kalanick, người đồng sáng lập Uber. Email, slide thuyết trình và tin nhắn trong giai đoạn 2013-2017 cho thấy dưới sự chỉ đạo của CEO khi ấy là Travis Kalanick, giới quản lý Uber đã thực hiện kế hoạch kinh doanh ngày một làm suy yếu quyền lợi của tài xế. Ảnh: Reuters.
Thách thức đối diện tài xế đặc biệt lớn ở các nước như Nam Phi, nơi tỷ lệ thất nghiệp và bất bình đẳng cao khiến Uber có thể tiếp cận lượng lớn người lao động sẵn sàng làm công việc khó khăn nhưng lợi ích thấp. Cứ 3 người trong tuổi lao động ở Nam Phi lại có một người thất nghiệp, cao bậc nhất thế giới, theo số liệu Ngân hàng Thế giới.
“Đại đa số người lao động không thể bỏ việc để chuyển sang công việc khác vì chẳng có công việc gì khác”, Darcy du Toit, luật sư và giáo sư đã nghỉ hưu thuộc Đại học Tây Cape chuyên nghiên cứu về điều kiện lao động trong nền kinh tế số, nói.
Uber cho biết hiện công ty có khoảng 20.000 tài xế ở khắp Nam Phi, bao gồm tài xế vận chuyển đồ ăn cho dịch vụ Uber Eats. Một số người nói họ phải chật vật để kiếm mức lương tối thiểu, tương đương 1,4 USD/giờ, sau khi trừ hoa hồng cho Uber, trả tiền thuê xe và phí tổn khác.
Lôi kéo bằng trợ giá rồi tăng tỷ lệ hoa hồng
Khi đặt chân tới Nam Phi vào năm 2013, Uber bắt đầu dùng khoản tiền 300 triệu USD huy động từ nhà đầu tư để tuyển mộ lượng lớn tài xế ở hàng chục thành phố.
Uber nói với một số doanh nghiệp địa phương rằng họ đặt mục tiêu có 10.000 xe ở Cape Town, con số được một số người cho là quá sức chịu đựng của thị trường, theo Yazeed Orrie, cựu lãnh đạo một hội đồng ngành công nghiệp taxi của Nam Phi từng họp với Uber sau khi công ty gọi xe tới Cape Town.
Tài xế biểu tình phản đối Uber tại Mỹ. Ảnh: Reuters.
“Thay vì chạy 10 cuốc/ngày, chúng tôi sẽ chạy chỉ một cuốc/ngày. Nó không bền vững”, ông David Drummond, chủ một doanh nghiệp taxi kiêm thành viên hội đồng ngành taxi trên, nói.
Trong khi đó, ông Glover, người phát ngôn của Uber, phủ nhận công ty này có ý định đưa 10.000 xe tới Cape Town khi mới vào thành phố.
Tại Cape Town, Uber ban đầu chiêu mộ tài xế bằng những khoản thưởng gia nhập ứng dụng trị giá khoảng 400 USD, theo ông Swart. Những tài xế gia nhập sớm nhất còn được trợ giá rất mạnh tay với mức 4 USD/cuốc xe.
Một trong những người dân Cape Town đầu tiên ký hợp đồng với Uber là Ongansie. “Số tiền ấy quá hời. Chúng tôi sẽ thu về khoảng 290 USD/ngày (chưa trừ chi phí - PV) mà chỉ cần lái xe vòng vòng”, Ongansie nói.
Nhưng một nhóm nghiên cứu độc lập khẳng định theo thời gian, Uber bắt đầu rút lại những khoản trợ giá trên, tăng tỷ lệ hoa hồng và gia tăng số lượng tài xế ở mức cấp số nhân. Cách làm này làm thay đổi bức tranh tài chính cho những tài xế đã trở nên phụ thuộc vào ứng dụng, theo nội dung phỏng vấn và Hồ sơ Uber.
“Điều đó xảy ra thường xuyên. Bạn lôi kéo tài xế bằng trợ cấp rồi dần dần rút lại”, một cựu giám đốc cấp cao của Uber nói với Washington Post.
Uber bị tài xế taxi biểu tình phản đối tại Tây Ban Nha vào năm 2014. Ảnh: AFP.
Khi số lượng tài xế đã đông đúc, đội phụ trách giá cả tại trụ sở của Uber tại San Francisco (Mỹ) gửi thư cho các quản lý khu vực ở Trung Đông và châu Phi vào tháng 12/2015. Trong thư cho biết đây có vẻ là thời điểm tốt để nâng mức hoa hồng từ 20% lên 25% mỗi cuốc.
Các quản lý cấp khu vực phản đối vì việc lấy thu nhập từ tài xế có thể sẽ phản tác dụng. Nhưng rốt cuộc Uber vẫn tăng tỷ lệ hoa hồng, khiến Nam Phi trở thành một trong những thị trường có lãi nhất của công ty.
Động thái “quay xe” 180 độ
Washington Post không tìm thấy dữ liệu cho thấy Uber khiến tỷ lệ tội phạm ở Nam Phi gia tăng. Nhưng các quyết sách của Uber, như việc tạo điều kiện cho thanh toán tiền mặt dù trước đó đã chối bỏ ý tưởng này vì thiếu an toàn, khiến một số người lao động phải đối diện với mức rủi ro ngoài tưởng tượng.
Khi gọi xe trở thành phương tiện di chuyển phổ biến ở Nam Phi, tài xế cũng trở thành mục tiêu của tội phạm. Các băng đảng cướp tài xế ứng dụng gọi xe gần như mỗi ngày sau khi họ nhận ra có thể gọi xe có chứa tiền mặt tới tận cửa nhà chỉ với một nút bấm, theo công tố viên Dail Andrews.
Năm 2016, Uber bắt đầu yêu cầu một số tài xế chấp nhận thanh toán tiền mặt ở một số nước như Nam Phi, nơi khoảng 40% người trưởng thành không có thẻ ghi nợ hoặc thẻ tín dụng, theo Ngân hàng Thế giới.
Trong khi đó, trong quá trình marketing và vận động nhiều năm trước, Uber luôn khẳng định ứng dụng của mình an toàn hơn taxi truyền thống vì không dùng tiền mặt.
Các doanh nghiệp taxi truyền thống đã phải đấu tranh trước Uber. Ảnh: Reuters.
Và chưa đầy 2 năm trước khi khởi động thanh toán tiền mặt, Uber thậm chí còn vận động chính quyền Nam Phi cấm dịch vụ gọi xe dùng thanh toán tiền mặt, theo dự thảo quy định do các giám đốc Uber lưu hành vào tháng 10/2014.
“Không giống taxi và công ty vận tải truyền thống phải mang theo lượng lớn tiền mặt, tài xế Uber hoạt động dựa trên hệ thống không tiền mặt và vì thế có ít rủi ro bị cướp”, bản dự thảo viết. Việc cấm tiền mặt sẽ “đảm bảo tài xế an toàn hơn”, dự thảo nói.
Giới tài xế phản đối, yêu cầu Uber loại bỏ lựa chọn thanh toán tiền mặt trong ứng dụng này, theo các cuộc phỏng vấn và bản tin truyền thông.
Tới năm 2017, Uber cho phép tài xế được chọn có chấp nhận thanh toán tiền mặt hay không. Nhưng nhiều tài xế, bao gồm Cupido, vẫn tiếp tục sử dụng tính năng tiền mặt vì nó cho phép họ tìm được nhiều cuốc hơn và cho họ có thêm tiền để dùng tại trạm xăng.
Stephan Swart, một cựu quản lý cho Uber ở Nam Phi, nói Uber biết rõ việc yêu cầu tài xế mang tiền mặt trong người sẽ làm tăng rủi ro họ bị cướp.
Nhưng theo ông Swart, Uber vẫn triển khai chính sách này vì cho rằng sẽ giúp thu hút hàng triệu người Nam Phi không có thẻ ghi nợ, từ đó làm tăng tới 30% cuốc xe và giúp Uber cạnh tranh với các hình thức vận tải khác như taxi truyền thống.
Trước thông tin này, ông Glover nói “mô hình ban đầu” của Uber tập trung vào thanh toán bằng thẻ nhưng khi quy mô kinh doanh tăng trưởng, “chúng tôi giới thiệu thanh toán tiền mặt để bao trùm hơn, cung cấp lựa chọn linh hoạt cho nhiều người nhất có thể”.
Nguồn: zingnews.vn
-
Leonardo DiCaprio đặt kỳ vọng lớn trước ngày 'Don't Look Up' công chiếu
-
Sự xuất hiện của xe điện đã tạo bước đà phát triển bền vững cho các khu du lịch tâm linh
-
Chủ tịch Hà Nội: Sau 22/4 chắc chắn không gỡ hết lệnh giãn cách xã hội
-
`Huyền thoại` xe đạp Phượng Hoàng trở lại, giá 4 triệu đồng
-
Tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Hàn Quốc
-
Nghệ An: Công ty Tình Vinh 'chuyên gia' trúng thầu ở huyện Nam Đàn
-
Thông tin mới nhất liên quan vụ chìm tàu trên sông Thạch Hãn
-
Trung Quốc kêu gọi bình tĩnh, chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh
-
Thêm Xperia M trong phân khúc giá rẻ
-
Giá xăng tiếp tục giảm