Những người 'chạy đua' với tử thần, giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19

ngày 17/09/2021

Những bước chân vội vã, giao tiếp chỉ qua những động tác, cử chỉ, nhưng mỗi bác sĩ ở đây muôn người như một họ hiểu nhau đến tận tâm can. Mỗi khi nghe tiếng chuông báo động từ monitor theo dõi dấu hiệu sinh tồn của người bệnh vang lên, họ lập tức có mặt tại giường để hỗ trợ bệnh nhân COVID-19.

Nóng bức, cơ thể đầm đìa mồ hôi, khó thở là cảm giác mỗi khi phải khoác lên mình bộ trang phục bảo hộ chống dịch cấp bốn, nhưng điều đó không cản được bước chân và niềm tin của các y bác sĩ ở nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới với mục tiêu cao nhất là cứu sống người bệnh.

Trước đó, Bệnh viện hữu nghị Việt Nam- Cuba Đồng Hới được Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh Quảng Bình giao nhiệm vụ là nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch thuộc tầng 3 trong tháp 3 tầng của Bộ Y tế. Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng được thành lập vào ngày 26/8/2021 trên cơ sở lấy khu nhà 3 tầng của Khoa Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới, tòa nhà này cách biệt với khu điều trị bệnh nhân thông thường khác.

Công việc thường ngày của các điều dưỡng tại khu điều trị bệnh nhân COVID nặng rất vất vả

Đơn nguyên có quy mô 50 giường bệnh hồi sức tích cực, dự phòng thêm 50 giường nếu số bệnh nhân nặng tăng thêm. Tại đây, được trang bị hệ thống oxy khí nén tổng, hệ thống máy thở, monitor theo dõi bệnh nhân, hệ thống máy xét nghiệm, máy chụp X-quang tại giường và thuốc men điều trị đầy đủ cho bệnh nhân. Ngoài ra, tại đây còn có một phòng mổ và một phòng đẻ để phục vụ cho sản phụ mổ đẻ và bệnh nhân cần phẫu thuật bị mắc COVID-19.

40 nhân viên y tế tình nguyện đến từ các khoa phòng trong bệnh viện gồm 10 bác sĩ, 15 điều dưỡng và 5 nhân viên Kiểm soát nhiễm khuẩn. Ngày cũng như đêm, các nhân viên y tế di chuyển liên tục giữa các buồng bệnh để giành giật sự sống cho bệnh nhân thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Mệ nuốt đi để nhanh khỏi bệnh mà về với con cháu

Hiện tại, Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng tiếp nhận điều trị các bệnh nhân nặng. Đa số là bệnh nhân lớn tuổi kèm các bệnh nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, xơ gan...

Bệnh nhân là người già yếu,nhiều lúc trí nhớ kém, lẫn lộn, lúc nhớ lúc quên. Khi mắc bệnh, các bệnh nhân này dễ cáu gắt hơn. Đây là một trong những khó khăn của nhân viên y tế khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân.

Các điều dưỡng đang chăm sóc cho bệnh nhân tại Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Điều dưỡng Nguyễn Thị Hoài Thương kể, một vài bệnh nhân khó tính, không muốn điều trị, không muốn ăn và chỉ muốn về nhà. Điều dưỡng chúng em phải dỗ dành, lựa lời để khuyên họ tuân thủ điều trị, nhất là chế độ dinh dưỡng hàng ngày, vì khi mắc bệnh này họ mất vị giác và khứu giác nên không muốn ăn uống gì. Chúng em phải đút từng thìa cháo và động viên là "mệ nuốt đi để nhanh khỏi mà về với con cháu", dần dần người bệnh cũng nghe lời.

Ngoài công việc đút cháo cho người bệnh, các điều dưỡng hàng ngày phải thay bỉm, dùng khăn ẩm lau sạch cơ thể, vỗ lưng cho người bệnh dễ thở, thực hiện y lệnh cho bệnh nhân chính xác và đúng giờ. Cứ thế, họ chăm sóc hết bệnh nhân này rồi sang bệnh nhân khác. Họ không chỉ chăm sóc bệnh nhân bằng hành động mà còn động viên tinh thần để bệnh nhân có thêm nghị lực vượt qua bệnh tật.

"Nhiều ca làm, chúng em vất vả lắm, có bệnh nhân tự tháo mask thở oxy vì khó chịu, nhưng khi tháo thì chỉ số SpO2 giảm ngay, chúng em động viên họ để họ phải tuân thủ điều trị. Có bệnh nhân không chịu nằm chung phòng với bệnh nhân khác mà yêu cầu phải có phòng riêng. Chúng em chỉ mong người bệnh nhanh khỏi bệnh để về với gia đình", điều dưỡng Hoài Thương chia sẻ.

Chúng tôi luôn có niềm tin sẽ thắng dịch bệnh

Đội ngũ nhân viên y tế ở đây có 40 người được chia thành ba ca và bốn kíp để có chút thời gian phục hồi sức khỏe sau những ca làm việc vất vả.

Bác sĩ chuyên ngành Hồi sức tích cực Lê Hồng Nhân, Trưởng Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nhớ lại: Đêm 12/9 một cụ bà 88 tuổi không có bệnh nền đang thở HFNC (Liệu pháp oxy lưu lượng cao qua ống thông mũi) thì đột ngột ngừng tim. Ê kíp trực hôm đó đã tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn bằng ép tim ngoài lồng ngực và bóp bóng, sau 35 phút bệnh nhân có nhịp tim trở lại. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành đặt nội khí quản và thở máy, nhưng bệnh nhân đi vào hôn mê sâu và tử vong hai ngày sau đó, mặc dù các bác sĩ hội chẩn và sử dụng đủ các loại thuốc.

Khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng

Bác sĩ Nhân cho biết, mặc dù đã đọc các bài báo và nghe các đồng nghiệp đang chống dịch tại miền Nam kể lại, nhưng đây cũng là lần đầu tiên nhân viên y tế trong bộ chống dịch cấp bốn tiến hành cấp cứu ngừng tuần hoàn. Các bác sĩ và điều dưỡng phải liên tục thay nhau ép tim ngoài lồng ngực, nóng và ướt sũng toàn thân. Sức lực bỏ ra thì nhiều, nhưng vẫn không cứu được người bệnh, anh em cảm thấy rất buồn, cũng chỉ biết động viên nhau tiếp tục cố gắng.

Tôi làm chuyên ngành Hồi sức tích cực đã lâu và chứng kiến bệnh nhân diễn biến nặng rất nhiều, nhưng rất ít trường hợp nào trở nặng nhanh như bệnh nhân COVID-19.

BS Lê Hồng Nhân, Trưởng Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19

"Chúng tôi có một chút buồn là Quảng Bình đã xuất hiện ca bệnh tử vong đầu tiên do COVID-19. Nhưng trong 26 bệnh nhân đang điều trị ở đây có 5 người chuyển biến tích cực và đã chuyển xuống tầng 2 điều trị tại Bệnh viên đa khoa TP. Đồng Hới. Chúng tôi tin rằng, chúng ta sẽ chiến thắng dịch bệnh", bác sĩ Nhân xúc động nói.

Tất cả bệnh nhân đang điều trị ở đây đều đang được giám sát chặt chẽ. Nếu chỉ sơ xảy một phút giây, nếu dây, mask thở oxy của bệnh nhân bị tuột trong lúc ngủ có thể bệnh nhân tử vong ngay sau đó. Hơn nữa các bệnh nhân nhiễm COVID-19 khi thông khí nằm sấp thì chỉ số SpO2 bình thường, nhưng khi nằm ngửa là chỉ số này tụt xuống. Do đó, nhân viên y tế không được phép rời mắt khỏi bệnh nhân.

Hiện tại, có 3 bệnh nhân thở HFNC và 3 bệnh nhân đang thở máy xâm nhập, số còn lại thở oxy qua gọng kính. Ngoài ra, các bác sĩ đang tích cực điều trị cho bệnh nhân thuốc chống đông máu và kháng viêm steroid theo phác đồ của Bộ Y tế ban hành.

Thèm bữa cơm gia đình

Gần một tháng trôi qua kể khi Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng đi vào hoạt động. Những bữa cơm vội vàng để nghỉ ngơi lấy lại sức rồi lại vào ca tiếp theo... Cứ thế, 40 thầy thuốc ở đây theo một chu kỳ khép kín và phải tuân thủ tuyệt đối quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn để phòng bị lây nhiễm cho bản thân.

Sau mỗi ca trực do mất nước, mất điện giải, khó thở và đau đầu nên cũng có nhiều nhân viên y tế không muốn ăn và chỉ muốn nằm ngủ. Nhưng họ lại động viên nhau cố gắng ăn uống đầy đủ, để có sức khỏe tiếp tục sứ mệnh chữa bệnh cứu người của mình.

Trước khi vào ca, chúng em uống rất nhiều nước, một ca làm 8 giờ đồng hồ liên tục, mọi người không uống nước và đi vệ sinh bởi vì mỗi lần như thế là phải thay đồ bảo hộ dẫn đến nguy cơ lây nhiễm và rất lãng phí. Khi có bệnh nhân nặng hoặc gặp sự cố tụt mask oxy... chỉ cần ra tín hiệu cho nhau bằng các cử chỉ từ xa là sẽ có người đến trợ giúp.

BS Phạm Thị Lê Na

BS Phạm Thị Lê Na cho biết thêm, ở đây, chúng em ăn uống đầy đủ. Khoa Dinh dưỡng cung cấp suất ăn hàng ngày, các món ăn được thay đổi để khỏi nhàm chán. Tuy nhiên, ai cũng thèm một bữa cơm bên gia đình mình.

"Tập thể thầy thuốc Đơn nguyên điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng luôn động viên nhau cố gắng điều trị thật tốt cho người bệnh để một ngày không xa, mọi thành viên được về bên mâm cơm gia đình ấm cúng ngày nào", BS Na trải lòng.

Nguồn suckhoedoisong.vn