Gạo ST25 - loại gạo ngon nhất thế giới đang đứng trước nguy cơ bị mất thương hiệu khi có đến 5 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ.
Cụ thể, 4 doanh nghiệp nước ngoài đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ST25 tại thị trường Mỹ. Việc này đã được các doanh nghiệp xúc tiến từ năm 2020, nhưng đến gần đây Việt Nam mới biết vụ việc này.
Tiếp đó, đầu tháng 5 này, Văn phòng Sở hữu trí tuệ Australia cho biết, một công ty ở nước này đã nộp đơn xin bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24 và ST25. Đó là Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD, nộp đơn ngày 22/4.
Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho biết, sự việc gạo ST25 chỉ nối dài chuỗi câu chuyện bài học kinh doanh của doanh nghiệp Việt. Nhiều thương hiệu đình đám của Việt Nam như nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Quốc, kẹo dừa Bến Tre, mít sấy Vinamit... đã rơi vào tay nước ngoài khi doanh nghiệp Việt chậm chân bảo hộ thương hiệu ra nước ngoài và hành trình đòi lại thương hiệu Việt còn gian nan, vất vả, tốn kém công sức và tiền của hơn nhiều.
Đối với gạo ST25, nếu không nhanh chân, nguy cơ mất thương hiệu không chỉ xảy ra ở thị trường Mỹ, Úc... Khi ấy, sẽ rất khó khăn cho doanh nghiệp Việt xuất khẩu gạo vào các thị trường này, thậm chí phải trả tiền cho doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25 để được bán ở thị trường này.
"Các doanh nghiệp Việt Nam mới chú ý tới bảo vệ thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở trong nước mà chưa chú ý tới bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu, hoặc có chú ý tới nhưng vì chi phí, thủ tục phức tạp mà làm chậm.
Bởi rất ít chú ý đến các biện pháp phòng ngừa, thường bị chậm chân nên doanh nghiệp phải chịu hậu quả, rơi vào cảnh "mất bò mới lo làm chuồng", chuyện xảy ra rồi mới xử lý hậu quả", PGS.TS Phạm Tất Thắng nêu thực tế.
Vị chuyên gia cũng lưu ý, đa phần doanh nghiệp Việt Nam không có kinh nghiệm về sở hữu trí tuệ, do vậy, các nhà xuất khẩu phải phối hợp với tác giả sáng chế để làm việc này. Với sự vào cuộc của các tham tán thương mại Việt Nam ở các nước sở tại, ông tin rằng trong cuộc chiến giành thương hiệu, Việt Nam sẽ thắng nhưng chi phí để giành lại cũng "kha khá", bởi kinh nghiệm cho thấy giải quyết hậu quả bao giờ cũng mất chi phí lớn hơn so với làm lúc ban đầu.
Để không phải chạy theo giải quyết hậu quả, PGS.TS Phạm Tất Thắng cho rằng, doanh nghiệp sở hữu gạo ST25 cũng như các doanh nghiệp Việt khác cần đi trước một bước, xác định chiến lược xuất khẩu hàng hóa, thị trường tiềm năng nào sản phẩm của mình có thể xuất khẩu, cân nhắc giữa chi phí và hiệu quả thu được từ đó tiến hành các thủ tục đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ ở thị trường đó, tránh tình trạng đăng ký tràn lan theo phong trào. Bởi nếu những sản phẩm hàng hóa không xuất khẩu sang thị trường nước ngoài mà vẫn đi đăng ký thì doanh nghiệp sẽ bị mất tiền, tốn kém chi phí. Chưa kể, nếu doanh nghiệp chỉ đăng ký mà không phát triển sản phẩm trên thị trường, không phân phối, bán hàng, thì theo quy định ở nhiều quốc gia, cơ quan chức năng sẽ thu lại.
Liên quan đến vấn đề này, theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN), mỗi một quốc gia đều có một hệ thống pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ mà các nhà xuất khẩu tiềm năng cần phải tìm hiểu rõ. Tốt hơn cả là các nhà xuất khẩu tiềm năng cần tìm đến các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này trước khi xuất khẩu sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.
Khi nghiên cứu thị trường xuất khẩu, một trong số những yếu tố quan trọng nhất là phải hiểu được các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu, bởi trước khi xuất khẩu các doanh nghiệp ít nhất phải bảo đảm rằng sản phẩm của mình tuân thủ các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở thị trường xuất khẩu và không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác trên thị trường đó.
Mỗi một sản phẩm, dịch vụ có thể được bảo hộ dưới nhiều hình thức khác nhau, điều quan trọng là doanh nghiệp cần lựa chọn cách thức để bảo hộ một cách hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép hoặc làm giả sản phẩm hoặc thậm chí cấm ngược lại việc mình sử dụng sản phẩm của chính mình.
Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, địa chỉ tốt nhất để doanh nghiệp bắt đầu tìm kiếm thông tin về các quy định và thủ tục bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ là các cơ quan sở hữu trí tuệ của nước đó (ví dụ như tại Mỹ là Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ (uspto.gov); Cơ quan sở hữu trí tuệ Châu Âu (euipo.europa.eu) v.v.).
Ngoài ra doanh nghiệp có thể nghiên cứu hệ thống pháp luật các nước cũng như các cơ sở dữ liệu toàn cầu về nhãn hiệu, sáng chế v.v. trên trang web của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Trong trường hợp doanh nghiệp có nhiều thị trường xuất khẩu tiềm năng và cần phải thực hiện việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều quốc gia khác nhau thì cần cân nhắc đến các hệ thống đăng ký quốc tế (ví dụ hệ thống PCT đối với sáng chế, hệ thống Madrid đối với nhãn hiệu hay hệ thống La Hay (The Hague) đối với kiểu dáng công nghiệp) để tiết kiệm được thời gian và chi phí.