Người Nga dè dặt ủng hộ chiến dịch oanh tạc ở Syria

ngày 14/10/2015

Khi Nga phóng tên lửa diệt IS ở Syria, truyền thông nước này đăng đi đăng lại hình ảnh đó như pháo hoa ăn mừng, nhưng trong thâm tâm, nhiều người Nga vẫn hoài nghi và e ngại.

nguoi-nga-ung-ho-nhung-van-e-de-ve-chien-dich-khong-kich-tai-syria

Chiến dịch không kích tại Syria được truyền thông Nga đưa tin dồn dập. Ảnh: BBC

Theo BBC, từ khi chiến đấu cơ Nga mỗi ngày xuất kích hàng chục lượt tại Syria, cỗ máy truyền thông nước này dường như hoạt động hết công suất. Tin tức và các chương trình thảo luận trên sóng truyền hình quốc gia luôn đầy ắp bình luận về cuộc xung đột. Chúng phát đi thông điệp chung là chính sách của phương Tây tại Syria thất bại, và Tổng thống Vladimir Putin là người ra tay giải cứu.

"Nga lần thứ tư trong lịch sử cứu vãn châu Âu khỏi sự man rợ", phóng viên Dmitry Kiselyov nói trong một chương trình bình luận hàng tuần. "Hãy cùng điểm lại: người Mông Cổ, Napoleon, Hitler và giờ là IS".

Trước những ý kiến chỉ trích từ truyền thông phương Tây rằng Nga thực chất đang nhắm vào của phe đối lập chống chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad thay vì IS, báo giới Nga xem đây là chiêu trò tuyên truyền.

"Đây thực sự là vấn đề an ninh quốc gia", người phát ngôn Bộ ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định trong một cuộc họp báo tuần trước. "Chúng ta đã chứng kiến chủ nghĩa khủng bố. Chúng ta không muốn phải trải qua nó một lần nữa".

Do đại bộ phận người dân Nga tiếp cận tin tức qua TV, vì vậy thông điệp nêu trên dường như đã có sức ảnh hưởng lên dư luận. Một khảo sát được thực hiện ở trung tâm độc lập Levada tại Moscow vào tuần này cho thấy, 72% người Nga ủng hộ chiến dịch không kích tại Syria.

Kết quả này cho thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ trong dư luận so với khảo sát trước đó, trước khi các chiến dịch quân sự và truyền thông khởi động. Khi đó, đa phần người được hỏi phản đối việc Nga can thiệp vào Syria.

Kết quả này sẽ khiến Tổng thống Nga Vladimir Putin thêm tự tin, bởi với ông, chiến dịch tại Syria là một cơ hội nữa để chứng tỏ ông là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và tái khẳng định vị thế của Nga trên bản đồ cường quốc toàn cầu, BBC bình luận.

Những tên lửa hành trình diệt IS đầu tiên được Nga phóng đi trên chiến trường đúng vào sinh nhật lần thứ 63 của ông Putin. Những hình ảnh đó được truyền hình Nga phát đi phát lại. Ngay ngày hôm sau vụ bắn tên lửa, báo giới Nga đồng loạt có bài viết khẳng định đây là bằng chứng cho thấy Nga đã trở lại để thách thức Mỹ, sau khi Tổng thống Putin có những khoản đầu tư khổng lồ để hiện đại hóa quân đội.

Lo ngại

Tuy nhiên, khảo sát của trung tâm Levada cũng cho thấy những số liệu thống kê quan trọng khác.

"Có một mối lo ngại rõ ràng rằng Nga có thể sa lầy tại Syria, như từng xảy ra với Liên Xô tại Afghanistan; rằng đây sẽ là một cuộc chiến dài, với tổn thất lớn về người và chi phí", giám đốc trung tâm Levada, Lev Gudkov chỉ ra.

Điều này đối nghịch với lời trấn an lặp đi lặp lại của điện Kremlin rằng sẽ không điều binh sĩ tham chiến trên bộ tại Syria.

"Kremlin nhấn mạnh rằng đây chỉ là một chiến dịch ngắn hạn, và chỉ diễn ra trên không. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu phiến quân tấn công căn cứ không quân của Nga? Không thể đoán được mọi chuyện sẽ tiến triển ra sao sau đó", ông Gudkov nói tiếp.

Còn một mối lo ngại khác, đó là truyền thông Nga không ngừng khẳng định cuộc chiến tại Syria là nhằm chống lại những kẻ khủng bố. Nhưng không ít người Hồi giáo tại Nga không thể bỏ qua thực tế rằng Nga đang hỗ trợ cho một liên minh Hồi giáo dòng Shitte, chống lại những người Hồi giáo dòng Sunni. Trong khi đó, ước tính khoảng 11% người Nga là tín đồ Hồi giáo và đa phần theo dòng Sunni.

Trong một buổi lễ gần đây tại nhà thờ Hồi giáo trung tâm ở Moscow, nhiều người đã bày tỏ sự ủng hộ với chính sách của ông Putin. Họ ủng hộ một diễn giả khi người này nói rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho tình trạng hỗn loạn tại Trung Đông.

Nhưng cũng có một số người đến nhà thờ này kín đáo bày tỏ sự e ngại. "Tất cả đều là chính trị", một người bình luận. "Tất nhiên chúng tôi lo lắng. Họ đang ném bom những người Sunni".

Con số thống kê chính thức cho thấy hơn 2.000 công dân các nước từng thuộc Liên Xô đã gia nhập IS và các nhóm Hồi giáo cực đoan khác tại Syria.

Lý do chính thức Nga tiến hành các cuộc không kích tại Syria là nhằm làm suy yếu mối đe dọa từ các phần tử Hồi giáo cực đoan đối với Nga. Tuy nhiên có nguy cơ chính sách này lại có thể cực đoan hóa một số người.

"Chắc chắn sẽ có hậu quả ngay tại nước Nga, IS sẽ có đòn đáp trả", một thanh niên Chechnya có tên Mansur nói. "Họ sẽ không để yên như vậy", thanh niên này cho biết anh lo sợ sẽ có các cuộc tấn công khủng bố xảy ra.

Một số nhà bình luận cho rằng Tổng thống Putin hy vọng hành động của mình tại Syria sẽ giúp hâm nóng mối quan hệ với phương Tây, tiến tới nới lỏng những trừng phạt Nga phải hứng chịu vì khủng hoảng Ukraine. Dù vậy, các dấu hiệu cho thấy tình hình đến nay không hứa hẹn đến vậy. Thay vào đó, chiến dịch can thiệp vào Syria có nguy cơ làm gia tăng sức ép lên nền kinh tế vốn suy yếu của Nga.

Tác động ngắn hạn sẽ không đáng kể do ngân sách quốc phòng khổng lồ của Nga đã được phân bổ từ trước. Tuy nhiên, việc Nga bắt đầu sử dụng tên lửa hành trình tại Syria, cũng như khả năng xung đột kéo dài, sẽ khiến chi phí đội lên.

"Chúng ta phải chi trả cho hoạt động quân sự đó, đó sẽ là một con số lớn, đặc biệt là trong tình cảnh kinh tế phức tạp như hiện nay", chính trị gia Dmitry Gudkov bày tỏ lo ngại.

Là nghị sĩ độc lập duy nhất trong quốc hội Nga, ông Gudkov cho biết các nghị sĩ chưa từng bàn thảo về việc can thiệp vào Syria. Ông nói rằng, đằng sau tỷ lệ 72% ủng hộ của công chúng, sự quan tâm dành cho chiến dịch này không thực sự sâu sắc.

"Có lẽ chính phủ đã quyết định chuyển sự quan tâm từ Ukraine sang Syria", ông Gudkov nói. "Nhưng nơi đó quá xa đất nước chúng tôi. Truyền hình Nga phải làm việc vất vả để khiến mọi người quan tâm tới chương trình nghị sự này. Tôi biết truyền thông nhà nước đang phát sóng tình hình tại đó không ngừng nghỉ, nhưng tôi nghĩ người Nga không thực sự quan tâm".

Nguồn Vnexpress