Ngân hàng hợp nhất PVFC - Westernbank sẽ có tên mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam

ngày 27/08/2013

Vào ngày 8/9 tới, PVFC và Westernbank sẽ thông qua điều lệ hoạt động cũng như bầu thành viên hội đồng quản trị (HĐQT) mới của ngân hàng sau hợp nhất. Tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất khoảng hơn 105.641 tỷ đồng, trở thành 1 trong 18 ngân hàng lớn nhất hệ thống.

Ngân hàng hợp nhất sẽ có tên mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam.
 

Ngân hàng hợp nhất sẽ có tên mới là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam.

 
Tổng công ty tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (PVFC) vừa công bố tài liệu Đại hội cổ đông hợp nhất giữa PVFC và Ngân hàng TMCP Phương Tây (Westernbank), dự kiến tổ chức vào ngày 8/9 tới.

Theo đó, tại buổi họp này, PVFC và Westernbank sẽ thông qua điều lệ hoạt động cũng như bầu thành viên Hội đồng quản trị mới của ngân hàng sau hợp nhất. Cụ thể, hai bên sẽ bầu 7 thành viên HĐQT cho ngân hàng mới sau hợp nhất và 5 người trong Ban Kiểm soát (gồm 4 người chuyên trách và 1 thành viên Ban kiểm soát kiêm nhiệm).

Theo tài liệu do PVFC công bố, tên ngân hàng hợp nhất PVFC-WesternBank sẽ là Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam, tên viết tắt là Pvcombank và tên giao dịch là Vietnam Public bank.

Vốn điều lệ của Pvcombank sẽ là 9.000 tỷ đồng (trong đó, tổng vốn điều lệ của Western Bank là 3.000 tỷ và PVFC là 6.000 tỷ). Tổng tài sản của 2 bên sau khi hợp nhất khoảng hơn 105.641 tỷ đồng, đứng thứ 11 trong hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần, sau BIDV, Vietinbank, Vietcombank, ACB, Techcombank, Eximbank, Sacombank, MB, SCB, SHB.

Mức vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được Pvcombank duy trì trong 2 năm 2013 - 2014 và sẽ tiếp tục nâng lên 12.000 tỷ đồng trong năm 2015.

Ngoài ra, các chỉ tiêu tài chính của Pvcombank cũng tăng khá mạnh trong các năm. Từ mức 96 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2012, dự kiến ngân hàng sẽ đạt lãi 1.235 tỷ đồng năm 2015.

Về nợ xấu, tại thời điểm kết thúc năm 2012, nợ xấu thuộc nhóm 3 - 5 của ngân hàng hợp nhất là 4,76% và nợ nhóm 2 là 6,6%. Trong thời gian tới, ngân hàng hợp nhất cũng tính đến nhiều phương án xử lý nợ xấu như: cơ cấu khoản vay đối với khách hàng có phương án kinh doanh khả thi; tái cấp hạn mức và phát triển dư nợ với khác hàng kinh doanh tốt; cấn trừ nợ, khởi kiện, xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ.

Ngoài ra, ngân hàng cũng nghiên cứu khả năng xử lý nợ xấu thông qua bán nợ cho VAMC, bán nợ cho tổ chức tín dụng hoặc tổ chức, cá nhân khác...

Nguyễn Hiền

 


 

 

{fcomment}